Chính sách phát triển nhà ở sẽ có đột phá
(Tài chính) Thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2014 đã ổn định trở lại và có tín hiệu ấm lên, lượng giao dịch thành công tăng nhanh, đặc biệt trong quý IV/2014. Để hiểu rõ hơn về “bức tranh” thị trường năm qua và dự báo năm 2015, Tài chính & Đầu tư số Xuân có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng xung quanh vấn đề này.
Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Phải khẳng định rằng, năm 2014, thị trường BĐS đã có sự tăng trưởng tích cực hơn giai đoạn 2010 – 2013. Điều này được thể hiện ở: Giá nhà ở đã tiệm cận ở mức tương đối ổn định, phù hợp với khả năng chi trả của đại đa số người dân; chủ đầu tư các dự án đã có sự điều chỉnh về cơ cấu, tăng số lượng căn hộ có diện tích nhỏ (dưới 70 m2), giảm số lượng căn hộ có diện tích lớn.
Bên cạnh đó, trong năm qua, tính thanh khoản của thị trường BĐS cũng đã có sự cải thiện mạnh mẽ. Dẫn chứng là, trong năm 2014, tại Hà Nội có 11.550 giao dịch thành công, tăng gần gấp đôi so với năm 2013; tại TP. Hồ Chí Minh có 10.350 giao dịch thành công, tăng gần 30% so với năm 2013. Tồn kho BĐS tiếp tục giảm. Tính đến ngày 20/12/2014, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 73.889 tỷ đồng, giảm 20.569 tỷ đồng (21,78%) so với cuối năm 2013. Tín dụng trong lĩnh vực BĐS tăng liên tục, tính đến ngày 31/10/2014 đạt 299.020 tỷ đồng, tăng 14,08% so với thời điểm 31/12/2013; dư nợ xấu là 11.555 tỷ đồng (3,86%), tăng 0,48% so với thời điểm 31/12/2013.
Cùng với đó, tốc độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng ngày càng tăng, đặc biệt trong những tháng gần đây. Tính đến ngày 15/12/2014, tổng số tiền mà các ngân hàng thương mại cổ phần đã ký hợp đồng cho vay từ gói tín dụng này là 9.416,6 tỷ đồng, với tổng dư nợ là 4.882 tỷ đồng.
Được biết, 2014 là năm có nhiều chính sách mới hỗ trợ thị trường BĐS phục hồi. Vậy năm 2015, Bộ Xây dựng sẽ có giải pháp gì để tiếp tục khơi thông những “điểm nghẽn” tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển?
Đúng là trong năm 2014 có nhiều văn bản, chính sách mới có hiệu lực thi hành và cũng có nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới được thông qua liên quan đến ngành Xây dựng nói chung và lĩnh vực nhà ở, thị trường BĐS nói riêng. Điển hình như: Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013, Luật Xây dựng và đặc biệt là 2 luật (Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào ngày 25/11/2014, với nhiều nội dung thay đổi mang tính đột phá.
Đầu năm 2015, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục xây dựng và trình Chính phủ ban hành thêm 5 Nghị định hướng dẫn và các thông tư kèm theo, để tạo sự đột phá về chính sách phát triển nhà ở. Những văn bản này đi vào cuộc chắc chắn sẽ tác động tích cực đến thị trường BĐS trong năm 2015.
Cùng với đó, để phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững thị trường BĐS, năm 2015, Bộ Xây dựng sẽ đẩy mạnh triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, nhà ở và thị trường BĐS. Trong đó, tập trung xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành theo thẩm quyền các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Xây dựng; Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS, để đảm bảo sự đồng bộ và có hiệu lực thi hành thống nhất từ ngày 01/7/2015.
Thứ hai, chỉ đạo và phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát các dự án BĐS đang triển khai, để phân loại các dự án được tiếp tục triển khai; những dự án cần phải điều chỉnh hoặc chuyển đổi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường...
Thứ ba, đẩy mạnh triển khai thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tập trung xây dựng nhà ở xã hội, phục vụ 8 nhóm đối tượng có khó khăn về nhà ở đã được nêu trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và Luật Nhà ở...
Nhân dịp đầu Xuân mới, ông có dự cảm gì về thị trường BĐS năm 2015?
Tôi cho rằng, năm 2015, thị trường BĐS sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt với lượng giao dịch tăng, giá cả ổn định; các dự án có tiến độ thi công tốt, đi lại thuận tiện sẽ tiếp tục tiêu thụ tốt. Tuy nhiên, tốc độ giải quyết hàng tồn kho trong năm nay sẽ chậm hơn, vì sản phẩm tồn kho hiện nay chủ yếu tập trung tại các dự án xa trung tâm, hạ tầng chưa hoàn thiện và dự án có loại căn hộ diện tích lớn.
Bên cạnh đó, năm 2015, xu hướng M&A các dự án BĐS nhà ở, trung tâm thương mại và khách sạn tiếp tục tăng. Các DN gặp khó khăn về tài chính sẽ tiếp tục triển khai hoạt động mua bán, điều chỉnh lại dự án cho phù hợp; nhiều dự án gặp khó khăn về vốn đầu tư sẽ được các nhà đầu tư nước ngoài mua lại, thay vì đi xin cấp dự án mới. Đáng chú ý là nhiều dự án trước kia tạm dừng triển khai xây dựng sẽ được khởi công trở lại để bàn giao nhà cho khách hàng đã mua. Những dự án đủ điều kiện, có vị trí tốt sẽ được khởi công, góp phần tăng nguồn cung căn hộ phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Từ những phân tích trên, tôi tin tưởng rằng, thị trường BĐS Việt Nam trong năm 2015 sẽ phát triển ổn định, thậm chí sôi động tại những dự án, phân khúc nhà ở có vị trí đẹp, giá cả hợp lý.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 1+2-2015