Chính sách tài chính có hiệu lực từ tháng 4/2021
Quy định mới về hướng dẫn kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán; Bổ sung quy định về các trường hợp không thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Quy định về hồ sơ yêu cầu phân tích để phân loại hàng hoá xuất nhập khẩu... là những chính sách mới về lĩnh vực tài chính có hiệu lực từ tháng 04/2021.
Bổ sung quy định về các trường hợp không thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
Ngày 11/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 134/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Theo đó, bổ sung quy định về các trường hợp không thu thuế xuất, nhập khẩu như sau:
- Không thu thuế đối với hàng hóa thuộc đối tượng hoàn thuế nhưng chưa nộp thuế theo quy định như: Hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu phải tái nhập; Hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất; Hoàn thuế đối với máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất; Hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh nhưng đã xuất khẩu sản phẩm; Hoàn thuế đối với trường hợp người nộp thuế đã nộp thuế xuất nhập khẩu nhưng không có hàng hóa xuất nhập khẩu hoặc xuất nhập khẩu ít hơn so với hàng hóa xuất nhập khẩu đã nộp thuế; không hoàn thuế đối với trường hợp có số tiền thuế tối thiểu.
- Không thu thuế đối với hàng hóa không phải nộp thuế xuất nhập khẩu quy định về: Hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu phải tái nhập; Hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất.
Người nộp thuế nộp hồ sơ không thu thuế cho cơ quan hải quan nơi làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa tại thời điểm làm thủ tục hải quan hoặc sau khi hàng hóa đã thông quan.
Nghị định số 18/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ 25/4/2021.
Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Nghị định số 18/2021/NĐ-CP.
Hướng dẫn kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán
Ngày 25/01/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BTC về việc hướng dẫn kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán. Theo đó, nội dung kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán được quy định như sau:
- Kiểm tra tình hình tuân thủ các quy định của pháp luật về đăng ký, duy trì điều kiện hành nghề và điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán của người hành nghề dịch vụ kế toán và các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam, bao gồm: Việc đăng ký, duy trì điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán và thực hiện nghĩa vụ báo cáo, thông báo của đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán; Việc đăng ký, duy trì điều kiện hành nghề dịch vụ kế toán và thực hiện nghĩa vụ báo cáo, thông báo của kế toán viên hành nghề.
- Kiểm tra tình hình tuân thủ các quy định của chuẩn mực nghề nghiệp, chế độ kế toán và pháp luật kế toán liên quan của đối tượng được kiểm tra khi cung cấp dịch vụ kế toán cho khách hàng. Chuẩn mực nghề nghiệp bao gồm các chuẩn mực kế toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/04/2021.
Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 09/2021/TT-BTC.
Quản lý và sử dụng phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện vận tải quá cảnh
Ngày 18/2/2021, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 14/2021/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện vận tải quá cảnh.
Theo đó Thông tư quy định, tổ chức thu phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện vận tải quá cảnh gồm: Cơ quan hải quan nơi đăng ký tờ khai đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; cơ quan hải quan nơi làm thủ tục đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; cơ quan hải quan nơi tiếp nhận đơn đề nghị kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tổ chức được cơ quan hải quan ủy nhiệm thu phí, lệ phí (bao gồm cả Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thu phí hải quan đối với cấp sổ ATA).
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 05/4/2021.
Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 14/2021/TT-BTC.
Quy định về hồ sơ yêu cầu phân tích để phân loại hàng hoá xuất nhập khẩu
Ngày 26/2/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BTC sửa đổi Thông tư số 14/2015/TT-BTC về phân loại hàng hoá, phân tích để phân loại hàng hoá; phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hoá xuất nhập khẩu.
Theo đó, cơ quan hải quan nơi có yêu cầu phân tích hàng hoá có trách nhiệm lập và gửi hồ sơ yêu cầu phân tích gồm:
- Phiếu yêu cầu phân tích hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu kiêm Biên bản lấy mẫu hàng hoá (mẫu 05/PYCPT/2021 ban hành kèm theo Thông tư số 17/2021/TT-BTC này), mỗi mặt hàng lập 01 Phiếu yêu cầu.
- Phiếu ghi số, ngày văn bản, chứng từ thuộc hồ sơ hải quan liên quan đến mẫu hàng hóa.
- Mẫu hàng hóa yêu cầu phân tích.
- Tài liệu kỹ thuật của hàng hóa, trường hợp không có tài liệu kỹ thuật thì cơ quan hải quan nơi gửi hồ sơ phải nêu rõ lý do hàng hóa không có tài liệu kỹ thuật tại mục 12 mẫu 05/PYCPT/2021.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 12/04/2021.
Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 17/2021/TT-BTC.