Chính sách tài khóa góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển
Tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu từ năm 2008 đã làm cho kinh tế thế giới phục hồi chậm, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp với chi phí đầu vào tăng cao, hàng hóa tiêu thụ chậm do sức mua thị trường giảm... Trước tình hình trên, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ về thuế, chi tiêu ngân sách, chính sách tín dụng nhà nước… nhằm đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển thị trường, cải cách thủ tục hành chính… qua đó, góp phần tích cực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Chính sách tài khóa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Từ năm 2011 đến nay, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định về chính sách thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN), tín dụng… để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phát triển một cách đồng bộ:
Về chính sách thu ngân sách nhà nước
Trong giai đoạn 2011-2017, Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách thu NSNN theo hướng giảm tỷ lệ động viên vào NSNN đối với DN thông qua việc giảm thuế và các khoản thu NSNN như giảm suất thuế thu nhập DN (TNDN), thuế giá trị gia tăng (GTGT), tiền thuê đất; tăng cường các ưu đãi thuế thông qua việc miễn thuế TNDN, thuế GTGT, thuế môn bài, thuế xuất nhập khẩu và tiền thuê đất; thực hiện gia hạn nộp thuế và các khoản thu NSNN… nhằm tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện để DN có thêm nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể:
Thứ nhất, giảm tỷ lệ động viên vào NSNN đối với DN.
Các chính sách miễn, giảm thuế được Quốc hội và Chính phủ ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường trong thời gian qua bao gồm: (i) Giảm thuế suất thuế TNDN phổ thông từ 22% năm 2014 xuống còn 20% năm 2016, thuế suất thuế TNDN ưu đãi (áp dụng đối với DNNVV, tổ chức kinh tế vi mô…) từ mức 20% năm 2014 xuống còn 17% năm 2016; Giảm 30% số thuế TNDN phải nộp trong năm 2011, 2012 đối với DN nhỏ và vừa (DNNVV) và DN sử dụng nhiều lao động; (ii) Bổ sung các trường hợp được áp dụng thuế suất ưu đãi như áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% trong thời hạn 15 năm (Nghị định 12/2015/NĐ-CP); (iii) Bổ sung danh mục nhóm hàng với mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi riêng đối với nguyên vật liệu, linh kiện, bộ phận phụ trợ để sản xuất các sản phẩm công nghệ miễn thuế nhập khẩu phụ tùng, linh kiện để sản xuất, lắp ráp phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, trang thiết bị y tế; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho DN lĩnh vực công nghiệp phụ trợ; (iv) Giảm các khoản thu nộp khác của DN như giảm mức phạt chậm nộp thuế cho DN từ 0,05%/ngày xuống 0,03%/ngày…
Thứ hai, tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN tạo dòng vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế và thu ngân sách được triển khai áp dụng trong giai đoạn 2011-2014 như: gia hạn nộp thuế TNDN 1 năm, 9 tháng, 6 tháng đối với DNNVV, DN sử dụng nhiều lao động lần lượt trong các năm 2011, 2012, 2013; Gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế GTGT của các tháng 4, 5, 6/2012 và tháng 1,2,3/2013 đối với DNNVV, DN sử dụng nhiều lao động thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ (Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012), DN đầu tư – kinh doanh nhà ở, DN sản xuất các mặt hàng sắt, thép, xi măng, gạch, ngói…(Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013);
Gia hạn tối đa 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án có khó khăn về tài chính (Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012); các chủ đầu tư dự án được Nhà nước giao đất nhưng gặp khó khăn về tài chính được nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ thanh toán tiền bán hàng trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày phải nộp tiền sử dụng đất (Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7/11/2013)...
Bên cạnh việc gia hạn thời hạn nộp thuế và thu NSNN, việc bổ sung một số mặt hàng không chịu thuế cũng đã góp phần giảm chi phí đầu vào, tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN, như bổ sung mặt hàng phân bón, thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản, tàu đánh bắt xa bờ, máy móc thiết bị thuộc không chịu thuế GTGT…
Thứ ba, hỗ trợ DN về mặt bằng sản xuất thông qua các chính sách miễn, giảm tiền thuê đất.
Cụ thể, giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của năm 2011 và 2012 cho các tổ chức kinh tế đang hoạt động trong các ngành sản xuất; giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của năm 2012 đối với một số tổ chức kinh tế cho DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ; giảm 50% tiền thuê đất năm 2013, năm 2014 đối với các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được nhà nước cho thuê đất. Ngoài ra, DNNVV sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển còn được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai.
Thứ tư, hỗ trợ DN thông qua đẩy mạnh tổng cầu nền kinh tế.
Để kích cầu tiêu dùng trong nước, Luật Thuế TNCN số 26/2012/QH13 đã điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ mức 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng. Miễn giảm thuế thu nhập cá nhân đối với một số trường hợp: miễn thuế đối với thu nhập của cá nhân là chủ tàu, cá nhân có quyền sử dụng tàu từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp phục vụ khai thác, đánh bắt thủy sản xa bờ và thu nhập của thuyền viên làm việc trên tàu; Giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực CNTT; dịch vụ công nghệ cao…
Thứ năm, rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính quy trình nghiệp vụ, nhằm tạo thuận lợi cho DN.
Các biện pháp cải cách thủ tục hành chính trong ngành thuế, hải quan bao gồm: (i) Bãi bỏ một số thủ tục hành chính rườm rà (năm 2016 đã bãi bỏ 92 thủ tục hành chính); (ii) Giảm số lần kê khai và nộp thuế GTGT từ 12 lần xuống còn 4 lần trên năm, thuế TNDN từ 5 lần/năm xuống còn 1 lần/năm đối với người nộp thuế có tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ của năm liền trước từ 50 triệu đồng trở xuống; (iii)Tiếp tục mở rộng hệ thống khai thuế qua mạng (tính đến 30/11/2016 đã thực hiện khai thuế qua mạng Internet đối với 99,7% số DN đang thuộc diện quản lý thuế); Triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử tại 63/63 tỉnh, thành phố, số lượng DN đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế đạt tỷ lệ 96,7%; (iv) Triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016 – 2020; (v) Áp dụng thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại (VNACCS/VCIS) tại tất cả các đơn vị hải quan, đảm bảo chất lượng, không làm gián đoạn quá trình làm thủ tục hải quan của DN.
Về chính sách chi ngân sách nhà nước
Trong giai đoạn 2011-2016, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về hỗ trợ từ NSNN cho phát triển DN, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc hỗ trợ DN nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển DN trong giai đoạn mới, cụ thể:
Thứ nhất, chính sách trợ giúp phát triển DNNVV tại Nghị định 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 với 8 nhóm giải pháp hỗ trợ DN trên các phương diện: Trợ giúp tài chính; Mặt bằng sản xuất; Đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật; Xúc tiến mở rộng thị trường; Tham gia kế hoạch mua sắm, cung ứng dịch vụ công; Thông tin và tư vấn; Trợ giúp phát triển nguồn nhân lực; Vườn ươm DN. Trong đó: (i) NSNN trợ giúp tài chính trong việc thành lập Quỹ phát triển DN nhỏ và vừa; (ii) Hỗ trợ đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật thông qua Chương trình hỗ trợ nghiên cứu, phát triển công nghệ sản xuất các sản phẩm mới, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; dành một phần kinh phí từ Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia cho DNNVV; (iii) Bố trí kinh phí thực hiện xúc tiến mở rộng thị trường; (iv) Trong mua sắm, cung ứng dịch vụ công, nhà nước dành tỷ lệ nhất định cho các DNNVV thực hiện các hợp đồng hoặc đơn đặt hàng để cung cấp một số hàng hóa, dịch vụ công…
Thứ hai, các chính sách hỗ trợ phát triển ngành, lĩnh vực: Để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển mạnh mẽ các loại hình DN nông nghiệp, Chính phủ khuyến khích các DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thông qua hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề; chi phí quảng cáo khi tham gia triển lãm, xúc tiến thương mại; nghiên cứu tạo công nghệ mới; hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung công nghiệp; đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc; trồng cây dược liệu, cây mắc ca; nuôi trồng hải sản... Ngoài ra, trong giai đoạn 2011-2013, Chính phủ còn thực hiện chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, chính sách thí điểm bảo hiểm xuất khẩu. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành một số chính sách hỗ trợ cho DN khai thác thủy sản như là: Hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa từ đất liền ra tàu khai thác hải sản xa bờ và vận chuyển sản phẩm hải sản khai thác xa bờ về đất liền cho các tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ với mức hỗ trợ 40 triệu đồng/chuyến biển hoặc từ 60 triệu đồng/chuyến biển tùy theo công suất máy của tầu chính và hỗ trợ tối đa 10 chuyến biển/năm…
Thứ ba, chính sách hỗ trợ phát triển DN, hợp tác xã, trang trại; chính sách phát triển DN hoạt động ở các vùng địa bàn nghèo, khó khăn: Chính phủ có chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư đối với các DN trên những địa bàn khuyến khích phát triển sản xuất. Ví dụ như, NSNN hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu, từ năm thứ 3 là 50% lãi suất vốn vay đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn bằng đồng Việt Nam cho các DN (ký và thực hiện hợp đồng tiêu thụ nông sản và dịch vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp với nông dân) vay vốn mua máy móc thiết bị sản xuất trong nước nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch trong giai đoạn 2011-2015. Nghị định số 108/2006/NĐ-CP và Nghị định số 118/2015/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Đầu tư đã quy định về ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư như hỗ trợ chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ đầu tư phát triển và dịch vụ đầu tư... Bên cạnh đó, cũng có hỗ trợ đầu tư từ NSNN đối với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế với những chính sách về cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật...
Thứ tư, hỗ trợ DN sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ: Chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi được thực hiện đối với các DN phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ: Hỗ trợ trong nghiên cứu và phát triển, trong đó các dự án xây dựng cơ sở nghiên cứu và phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được Nhà nước giao cho thuê đất và được hưởng các ưu đãi sử dụng đất; được xem xét hỗ trợ tối đa 50% kinh phí đầu tư trang thiết bị nghiên cứu từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ…; Ứng dụng và chuyển giao Nhà nước hỗ trợ tối đa đến 75% chi phí chuyển giao công nghệ đối với dự án sản xuất vật liệu có sử dụng trên 85% nguyên liệu là sản phẩm của quá trình chế biến sâu khoáng sản trong nước bao gồm quặng kim loại, quặng phi kim loại và sản phẩm hóa dầu để phục vụ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ…; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến thị trường….
Thứ năm, chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước được thực hiện thông qua hoạt động cho vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và các Quỹ Đầu tư phát triển địa phương. Chính sách tín dụng đầu tư qua VDB được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước với đối tượng vay vốn tín dụng đầu tư đã được thu hẹp lại so với quy định trước đó tại Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 và Nghị định số 106/2008/NĐ-CP ngày 19/9/2008…
Bên cạnh các chính sách trên, NSNN còn dành nguồn lực cho các chương trình xúc tiến thương mại giúp DN giới thiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài. Mức hỗ trợ kinh phí đối với: (i) Chương trình Xúc tiến thương mại (XTTM) định hướng xuất khẩu là 70% đối với các khoản chi chi hỗ trợ thông tin thương mại, nghiên cứu thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu các thị trường xuất khẩu trọng điểm theo ngành hàng, chi hỗ trợ tuyên truyền xuất khẩu; (ii) Hỗ trợ 50% các khoản chi phí như thuê mặt bằng và thiết kế, dàn dựng gian hàng, dịch vụ phục vụ như điện nước, vệ sinh, an ninh, bảo vệ đối với các chương trình hội chợ, triển lãm tại các địa phương; (iii) Hỗ trợ 100% các khoản chi phí đối với các chương trình XTTM miền núi, biên giới và hải đảo về chi phí vận chuyển; chi phí thuê mặt bằng, dàn dựng gian hàng, điện nước, an ninh, vệ sinh… Chương trình phát triển thương mại điện tử miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020.
Kết quả đạt được
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp của chính sách tài khóa thông qua công cụ chính sách thuế, chi ngân sách, tín dụng nhà nước… kết hợp với thực hiện cải cách thủ tục hành chính đã góp phần cải thiện tình hình tài chính DN.
Thứ nhất, kết quả đăng ký thành lập DN ngày càng tăng: Trong 9 tháng đầu năm 2017, cả nước có thêm 93.967 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 902.682 tỷ đồng, tăng 15,4% về số DN và tăng 43,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một DN trong 9 tháng đầu năm 2017 đạt 9,6 tỷ đồng, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước.
Số lượng DN thành lập mới và số vốn đăng ký trong 9 tháng đầu năm giai đoạn 2013-2017 có xu hướng tăng thể hiện môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, tạo thuận lợi cho việc gia nhập và thành lập DN, trong đó không thể không kể tới vai trò của hệ thống chính sách tài khóa trong phát triển DN những năm qua. So sánh giữa 9 tháng đầu năm 2017 và 9 tháng đầu năm 2013, số lượng DN thành lập mới tăng 1,6 lần, số vốn đăng ký tăng hơn 3 lần, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân/DN tăng 2 lần.
Thứ hai, tình hình kinh doanh của DN được cải thiện: Tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của các DN niêm yết tăng hơn so với cùng kỳ năm trước trong đó tốc độ tăng lợi nhuận lớn hơn tốc độ tăng doanh thu. Trong ngành công nghiệp, doanh thu và lợi nhuận của ngành công nghiệp nói chung có xu hướng tăng lên và tốc độ tăng của lợi nhuận lớn hơn tốc độ tăng của doanh thu. Tốc độ tăng doanh thu và lợi nhuận bình quân của quý I/2017 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là 14,5% và 45,56% (tăng gấp 3 lần tốc độ tăng của doanh thu). Trong những tháng đầu năm 2017, ngành xây dựng tăng trưởng khá tốt với tốc độ 8,50%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.
Thứ ba, tăng bậc xếp hạng môi trường kinh doanh: Cùng với sự cải thiện về cơ sở hạ tầng, trình độ công nghệ, thể chế tài chính cũng được cải thiện, đặc biệt thông qua những chính sách tài khóa của Chính phủ ban hành kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy DN phát triển. Theo đó, Việt Nam được đánh giá đứng thứ 60/138 quốc gia về năng lực cạnh tranh toàn cầu 2016-2017. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2017, môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc (từ 82/189 lên 68/190 của bảng xếp hạng). Đây là mức tăng bậc nhiều nhất mà Việt Nam đạt được trong thập niên qua. Nhờ đó, Việt Nam vượt khá nhiều nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng điểm và tăng hạng nhiều nhất (tương ứng tăng 14,78 điểm và 81 bậc), đạt vị trí 86/190 (năm 2016 ở vị trí 167). Chỉ số này được ghi nhận nhờ những nỗ lực của Việt Nam trong cải thiện thủ tục nộp thuế và ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng giao dịch điện tử.
Những thách thức, vướng mắc đặt ra
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn diện, DN Việt Nam cũng đối mặt với không ít thách thức. Cùng với quá trình hội nhập, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi kinh tế thế giới với sự vươn lên mạnh mẽ của các nước chủ yếu dựa vào công nghệ hiện đại, đổi mới và sáng tạo; còn các nước chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên sẽ dần bị tụt hậu. Vì vậy, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành các chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và phát triển DN, tuy nhiên các chính sách vẫn còn hạn chế:
Về chính sách thuế: Một số chính sách thuế vẫn chưa thực sự góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN. Ví dụ, phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT đã khiến các DN gặp khó khăn do không được kê khai, khấu trừ và hoàn thuế GTGT đầu vào mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm, bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại. Hoặc đối với quy định về cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng hoặc trong quý thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo. Thực tế vẫn còn một một số trường hợp số thuế GTGT đầu vào lớn hơn số thuế GTGT đầu ra và qua nhiều kỳ vẫn chưa được khấu trừ hết, nhất là đối với DN sản xuất cung ứng dịch vụ chịu thuế 5% mà đầu vào chủ yếu chịu thuế 10%, nếu không hoàn thuế GTGT thì số thuế GTGT đầu vào của DN phải tính vào chi phí nên sẽ gây khó khăn cho DN do phải ứng vốn để nộp thuế và không thực sự khuyến khích DN sản xuất.
Bên cạnh đó, chưa triển khai đồng bộ việc nộp lệ phí trước bạ, nhà đất theo phương thức điện tử, nhóm thủ tục hành chính liên quan đến lý lịch tư pháp và yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực chưa nhiều lựa chọn cho người nộp thuế…
Về chính sách chi: Các chính sách hỗ trợ cho DN mang tính khuyến khích chung, chưa cụ thể dẫn đến những khó khăn trong việc triển khai thực hiện, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ tài chính, mặt bằng sản xuất, mua sắm công, ươm tạo DN... Ví dụ như Nghị định số 56/2009/NĐ-CP quy định kế hoạch và chương trình trợ giúp phát triển DNNVV, song lại không quy định nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện, chưa tạo ra cơ chế hình thành nguồn kinh phí dành riêng hỗ trợ DNNVV mà chủ yếu lồng ghép vào các chương trình, chính sách hiện hành theo ngành, lĩnh vực. Đối với chính sách chi NSNN cho các chương trình xúc tiến thương mại tuy đã có những ưu điểm nhất định nhưng còn dàn trải, chưa tập trung, nguồn lực hạn chế, liên kết giữa khâu sản xuất và đầu ra còn yếu kém dẫn đến việc chi hỗ trợ từ NSNN còn chưa hiệu quả và chưa đạt được mục tiêu của chương trình. Đối với các chính sách chi cho thí điểm bảo hiểm xuất khẩu vẫn chưa đạt được những mục tiêu đặt ra, việc triển khai thí điểm gặp khó khăn vì các DN xuất khẩu còn chưa mua mua bảo hiểm ngay cả khi có sự hỗ trợ của Nhà nước…
Gợi ý giải pháp
trợ giúp doanh nghiệp giai đoạn 2018-2020
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN đủ năng lực để cạnh tranh khi nền kinh tế hội nhập sâu và rộng vào nền kinh tế thế giới, trong thời gian tới cần tập trung vào một số nhóm giải pháp sau
Thứ nhất, triển khai thực hiện tốt các luật về thuế đã được Quốc hội thông qua như: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, TNDN, quản lý thuế… nhằm giúp DN thực hiện chính sách một cách hiệu quả; Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách thuế và thu ngân sách theo hướng tháo gỡ khó khăn cho DN. Trong đó, đề xuất chuyển các đối tượng đang không chịu thuế GTGT như: phân bón, tàu đánh bắt xa bờ và một số loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp sang đối tượng chịu thuế GTGT để DN được khấu trừ chi phí đầu vào. Bổ sung quy định DN sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5% nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết sau 12 tháng hoặc 4 quý thì được hoàn thuế GTGT để DN tích tụ vốn đưa vào sản xuất; Nghiên cứu ban hành chính sách thuế hỗ trợ phát triển nông nghiệp sạch, khởi nghiệp sáng tạo…; Rà soát hoàn thiện các tiêu chí ưu đãi thuế hiện hành đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch qua đó tạo thuận lợi cho DN đủ điều kiện có được các ưu đãi cần thiết. Ngoài ra, cần tăng cường công tác tuyên truyền hệ thống chính sách thuế và thu ngân sách, tạo sự minh bạch, rõ ràng và thực hiện giải đáp thắc mắc của DN.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử. Đối với lĩnh vực thuế, hải quan cần: đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế; ban hành chế độ quản lý rủi ro đối với các DN thuộc đối thượng thanh tra/kiểm tra về thuế; tiếp tục sửa đổi quy định về hồ sơ hoàn thuế, phần mềm hỗ trợ công tác tự động xây dựng báo cáo hồ sơ hoàn thuế; triển khai đồng bộ, rộng khắp ứng dụng CNTT; Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để đảm bảo việc triển khai đầy đủ hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS…
Thứ ba, rà soát, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ phát triển DN để đảm bảo việc hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, đúng mục tiêu, đúng đối tượng cần hỗ trợ.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Viết Lợi, (2016), “Chính sách tài chính và vấn đề tháo gỡ khó khăn cho DN”, Tạp chí Tài chính kỳ I tháng 6/2016;
2. Phạm Thị Tường Vân, (2017), “Kết quả tháo gỡ khó khăn cho DN năm 2016 và những dự định năm 2017”, Tạp chí Quản lý Ngân quỹ Quốc gia số 176;
3. Sách “Tài chính Việt Nam 2016- Tăng cường kỷ cương, kiến tạo động lực”, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (2017), NXB Tài chính;
4. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Diễn đàn DN phát triển bền vững Việt Nam lần thứ 4.