Chính sách tài khóa khẳng định vai trò trụ cột của nền kinh tế

Trần Huyền

Năm 2022, Bộ Tài chính đã điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả, vừa đảm bảo hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế vừa giữ vững an ninh tài chính quốc gia. Có thể nói, chính sách tài khóa đã và đang khẳng định vai trò trụ cột, đóng góp quan trọng vào sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Khẳng định vai trò trụ cột

Năm 2022 là năm có nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh đất nước đang trong quá trình phục hồi sau 2 năm chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch COVID-19. Cùng với đó là các vấn đề về địa chính trị, vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, giá xăng dầu và các mặt hàng nguyên liệu đầu vào tăng cao, rủi ro an ninh năng lượng, cùng với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh…

Trong điều kiện khó khăn như vậy, nhưng ngành Tài chính đã chủ động, nỗ lực, sáng tạo triển khai các giải pháp đảm bảo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tài chính - ngân sách, tạo dư địa thực hiện các giải pháp hỗ trợ và phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch.

Năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 127,8% dự toán, tăng 15% so với năm 2021; tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 1.562,3 nghìn tỷ đồng, bằng 87,5% dự toán, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2021; cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo; nợ công được kiểm soát hiệu quả, trong phạm vi Quốc hội cho phép.

Đặc biệt, trong năm qua, Bộ Tài chính đã tham mưu, triển khai đồng bộ các chính sách tài khóa với giá trị lớn, phạm vi rộng, góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như hoạt động của doanh nghiệp, người dân.

Theo đó, Bộ Tài chính đã tham mưu trình các cấp có thẩm quyền miễn giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, như: Giảm thuế giá trị gia tăng với nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 01/02/2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022...

Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, Bộ Tài chính đã kịp thời tham mưu chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung và hạ giá xăng dầu để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống cho người dân, góp phần kiềm chế lạm phát.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền giảm thuế bảo vệ môi trường về kịch khung thuế; kiến nghị giảm thuế nhập khẩu từ 20% xuống 10%; trình Quốc hội khi giá xăng dầu tăng cao thì giảm thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt; thực hiện tăng chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu lên 3 lần trong thời gian qua.

Các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, dự kiến sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí là khoảng 233 nghìn tỷ đồng. Theo Bộ Tài chính, tổng số thuế đã gia hạn năm trong 2022 ước khoảng 105,9 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 78,5% số dự kiến khi xây dựng Chương trình; tổng số thuế miễn, giảm ước khoảng 50,2 nghìn tỷ đồng, bằng 78,4% số dự kiến khi xây dựng Chương trình.

Ngoài ra, bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về chính sách tài khóa thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề án huy động nguồn lực, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu huy động vốn cho ngân sách nhà nước và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có; thực hiện chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm; bám sát yêu cầu tiến độ thực hiện chi, diễn biến thị trường và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam tăng khoảng 8,02%, CPI tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Có thể nói, thành tựu chung của nền kinh tế có sự đóng góp quan trọng của ngành Tài chính, chính sách tài khóa đã phát huy hiệu quả, khẳng định vai trò trụ cột của nền kinh tế, được các chuyên gia kinh tế, người dân, doanh nghiệp đánh giá cao.

Tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế hiệu quả

Bước sang năm 2023, tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Cùng với đó, một số thách thức nội tại cũng sẽ áp lực cho quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh đó, chính sách tài khóa được xem là công cụ quan trọng để điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Ngành Tài chính xác định nhiệm vụ năm 2023 là tập trung ưu tiên ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế hiệu quả.

Qua đó, tạo nền tảng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2023, cũng như các mục tiêu của cả nhiệm kỳ 2021-2025, tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công bền vững theo các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước.

Theo đó, ngành Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách huy động các nguồn lực tài chính quốc gia, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu ngân sách nhà nước; nâng cao hiệu quả phân bổ, quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính gắn với việc thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững. Đồng thời, quản lý chặt chẽ, hiệu quả bội chi ngân sách nhà nước, nợ công; cải thiện dư địa tài khóa, góp phần nâng cao khả năng chống chịu của nền tài chính quốc gia.

Cùng với việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đã được ban hành, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp áp dụng cho năm 2023 như: Gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số nhóm hàng hóa là nguyên liệu, vật tư đầu vào cho sản xuất; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn; giảm tiền thuê đất...

Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác: Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực của ngành Tài chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan - các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân. Qua đó, nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Những thành quả đạt được trong năm 2022 đã khẳng định vai trò trụ cột của chính sách tài khóa đối với nền kinh tế. Những thành tựu này sẽ là điểm tựa, tạo đà cho bước phát triển mới của ngành Tài chính trong năm 2023 và các năm tiếp theo, tiếp tục đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.