Chính sách tài khoá sẽ giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng
Đánh giá về triển vọng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong quý IV/2022 và 2023, các chuyên gia cho rằng, động lực giúp thị trường tăng trưởng trong quý IV/2022 và năm 2023 đến từ chính sách tài khoá của Chính phủ, với gói kích thích kinh tế có thể giải ngân nhiều hơn trong giai đoạn này.
Phát biểu tại Tọa đàm “TTCK 2023: Xu thế mới, lựa chọn mới" do Trang thông tin điện tử tổng hợp VietnamBiz (vietnambiz.vn), Việt Nam Mới (vietnammoi.vn) và Công ty cổ phần WiGroup phối hợp tổ chức ngày 27/9/2022, ông Lê Hồng Kỹ - Giám đốc khối nội dung VietnamBiz nhìn nhận, thực tiễn trong hai năm qua, TTCK Việt Nam bùng nổ với lượng lớn nhà đầu tư (NĐT) mới tham gia, nâng tổng số tài khoản giao dịch chứng khoán vượt ngưỡng 6,3 triệu tài khoản. Giới chuyên gia nước ngoài đánh giá đây là động lực giúp TTCK bùng nổ trong vòng 3-5 năm tới.
Tuy nhiên, chính điều này cũng khiến cho TTCK Việt Nam dễ nhận những cú sốc lớn do các NĐT cá nhân ưa thích lướt sóng, đầu cơ áp đảo về khối lượng giao dịch trên thị trường. Hệ quả là sau giai đoạn bùng nổ 2020-2021, thị trường đã sụt giảm mạnh cả về điểm số lẫn thanh khoản từ quý II/2022, làm giảm sức hút của thị trường trong ngắn hạn, nhiều NĐT thua lỗ, rời bỏ thị trường.
Nhìn về dài hạn, ông Lê Hồng Kỹ cho rằng, TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng lớn, đặc biệt khi kinh tế Việt Nam đang hưởng lợi từ chiến lược xoay trục của dòng vốn đầu tư quốc tế và TTCK cũng được dự báo sẽ tăng trưởng như Trung Quốc cách đây 20 năm trước.
Dù vậy, ở thời điểm hiện tại, thị trường vẫn đang đứng trước rất nhiều biến số khó đoán định từ bên trong lẫn bên ngoài. Điều này đang khiến NĐT dễ lung lay trước những biến động của thị trường, việc đưa ra các lựa chọn đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Trình bày phần tham luận tại tọa đàm, ông Trần Ngọc Báu - CEO WiGroup nhận định: “Mặc dù nền kinh tế vĩ mô năm 2022 của Việt Nam rất tích cực khi tăng trưởng tốt, lạm phát thấp, nhưng dòng tiền lại xấu do ngân hàng trung ương các nước tăng mạnh lãi suất và gây áp lực lên tỷ giá VND, dòng vốn chảy ra nước ngoài. TTCK biến động chủ yếu theo dòng tiền nên giá cổ phiếu 2022 diễn biến tiêu cực, thị trường bất động sản cũng đi xuống theo. Có thể nói năm 2022 đẹp về vĩ mô, nhưng xấu về tiền tệ”, ông Báu đánh giá.
Bên cạnh đó, dự báo về năm 2023, CEO WiGroup cho rằng, mức tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại, trong đó, lạm phát dự báo ở mức 4.1% lớn hơn mục tiêu 4% của Chính phủ, dòng tiền áp lực hút ròng không còn mạnh, dòng tiền kỳ vọng phục hồi dần. Đặc biệt, lãi suất năm 2023 sẽ đi ngang, tỷ giá đầu năm có áp lực nhưng sau đó sẽ ổn định hơn.
Trong khi đó, đánh giá về triển vọng TTCK quý IV/2022 và 2023, ông Đào Minh Châu - Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu, Trung tâm SSI Research cho rằng, động lực giúp thị trường tăng trưởng trong quý IV/2022 và 2023 đến từ chính sách tài khoá của Chính phủ, với gói kích thích kinh tế có thể giải ngân nhiều hơn trong giai đoạn này. Vốn FDI tiếp tục được hưởng lợi từ sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc có thể dần nới lỏng các chính sách phong tỏa COVID-19 giúp thúc đẩy nhu cầu khu vực, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch.
Nhắc đến các yếu tố rủi ro trong thời gian tới, ông Đào Minh Châu cho biết, áp lực kinh tế thế giới càng tăng với rủi ro suy thoái sẽ ảnh hưởng tới kênh xuất khẩu của Việt Nam. CPI Việt Nam có độ trễ so với thế giới và có thể tăng mạnh vào cuối năm khi Chính phủ điều chỉnh các mặt hàng như giá điện, giá y tế và kỳ vọng tiếp tục cao trong năm 2023.
Chính sách tiền tệ ngày càng có xu hướng thắt chặt hơn với cung tiền giảm và lãi suất tăng trong quý IV/2022 và 2023 trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương trên thế giới liên tục thắt chặt chính sách. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát chặt chẽ hơn.
“Đáng chú ý, thanh khoản thị trường BĐS có nguy cơ sụt giảm, đặc biệt giai đoạn năm 2023 và 2024 thị trường BĐS có thể gặp rủi ro lớn đến từ đáo hạn nợ trái phiếu. Mặt khác, vấn đề tỷ giá sẽ tiếp tục tăng và gây áp lực trong năm 2023, tuy nhiên so với năm 2022 vẫn có thể dịu bớt hơn”, ông Châu dự báo.
Tại phần tham luận của mình, lý giải cho vấn đề “Đầu năm 2023: Bứt phá hay phòng bị?”, ông Huỳnh Minh Tuấn - Nhà sáng lập Công ty tư vấn quản lý tài sản FIDT nhìn nhận, mặc dù thị trường đang đối diện với nguy cơ suy thoái toàn cầu với bức tranh vẫn xám màu, nhưng đây là giai đoạn lựa chọn hàng tốt, rất có lợi thế cho người mua và là giai đoạn đổi đời nếu tìm được “long mạch”, tuy nhiên việc đầu tư vẫn phải phụ thuộc vào khẩu vị của từng người.
Mặt khác, Nhà sáng lập Công ty tư vấn quản lý tài sản FIDT cũng cho rằng, Việt Nam “khéo” trong việc điều hành các chính sách, trong đó, đầu tư công sẽ là động lực chính giúp cho nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định, đặc biệt là câu chuyện xây dựng hạ tầng và thu hút FDI trong thời gian tới.