Dòng tiền vẫn chờ quay lại thị trường chứng khoán
Thị trường đang trong giai đoạn nhạy cảm và rơi vào vùng trống thông tin khiến thanh khoản sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá thị trường chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn và dòng tiền đang chờ cơ hội thuận lợi để quay lại.
Chốt phiên đầu tuần (19/9), VN-Index bị đẩy về sát mốc 1.200 điểm khi nhà đầu tư bán tháo quyết liệt cùng tâm lý đứng ngoài quan sát.
Thanh khoản sụt giảm
Trước đó, đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 16/9, chỉ số VN-Index dừng ở mức 1.234,03 điểm, ghi nhận tuần điều chỉnh thứ 3 liên tiếp. Như vậy, trong 2 tuần đầu tiên của tháng 9, VN-Index đã giảm gần 50 điểm. Nếu tính cả phiên ngày 19/9, VN-Index đã “bay” gần 80 điểm từ đầu tháng 9 đến nay.
Cùng với đó, thanh khoản thị trường cũng có dấu hiệu “tụt áp” sau khi phục hồi khá tích cực trong tháng 8. Theo thống kê, giá trị khớp lệnh trên HoSE bình quân phiên trong 2 tuần đầu tháng 9 đã giảm 10% so với tháng trước, xuống dưới 12.700 tỷ đồng. Thậm chí, trong tuần từ 12-16/9, giá trị khớp lệnh một số phiên còn giảm xuống quanh 10.000 tỷ đồng - mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7.
Đáng chú ý, thanh khoản sụt giảm nghiêm trọng bất chấp việc HoSE cho phép giao dịch lô lẻ.
Giới phân tích cũng cho rằng, đây là giai đoạn thị trường khá nhạy cảm trước các biến động từ bên ngoài, đồng thời thiếu thông tin hỗ trợ đến từ nội tại trong nước. Vì vậy, nhà đầu tư ưu tiên đứng ngoài quan sát là điều dễ hiểu.
Ông Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Chứng khoán Smart Invest phân tích, dòng tiền lưu thông trong nền kinh tế vẫn chưa thực sự thông thoáng, gói hỗ trợ lãi suất vẫn vướng mắc trong thực tế triển khai, việc tiếp cận nguồn vốn vay cho kinh doanh của đại bộ phận các loại hình doanh nghiệp gặp khó khăn… đang tác động bất lợi đến hoạt động của thị trường chứng khoán (TTCK) về cả yếu tố thanh khoản thị trường lẫn chất lượng hoạt động của doanh nghiệp niêm yết.
Đồng thời, những tín hiệu trầm lắng từ thị trường bất động sản thứ cấp, cảnh báo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu bất động sản, cũng là yếu tố được cho là gián tiếp ảnh hưởng đến thanh khoản trên TTCK.
Mặt khác, TTCK còn chịu áp lực từ động thái bán ròng trở lại của khối ngoại. Theo thống kê, tính riêng trên HoSE, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 1.800 tỷ đồng kể từ đầu tháng 9. Tính từ đầu quý III, khối ngoại đã rút ròng gần 1.100 tỷ đồng, trong khi quý II trước đó mua ròng hàng nghìn tỷ đồng mỗi tháng.
Thêm vào đó, trong khi các quỹ ngoại chủ động chưa cho thấy tín hiệu trở lại thật sự rõ ràng, dòng vốn đổ vào thị trường qua kênh thụ động ETF cũng đã có dấu hiệu chững lại gần đây.
Ngoài ra, khả năng cao Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất khiến đồng USD vẫn nằm trong xu hướng tăng, dự báo sẽ tác động đến diễn biến giá một số nguyên vật liệu cơ bản, nên việc dự báo chi phí đầu vào của một số doanh nghiệp khó khăn hơn, đồng nghĩa rủi ro của nhà đầu tư trên TTCK tăng. Cho nên, nhà đầu tư có tâm lý thận trọng hơn trong quyết định “xuống tiền”.
Chứng khoán vẫn là kênh hấp dẫn
Tuy nhiên, theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường Chứng khoán Vndirect, trong ngắn hạn, những lo ngại của thị trường về việc Fed tăng lãi suất đã được phản ánh phần lớn vào diễn biến thị trường thời gian vừa qua. Do đó, tâm lý thận trọng của thị trường có thể được cởi bỏ phần nào sau cuộc họp lãi suất của Fed ngày 20 - 21/9 tới và dòng tiền, thanh khoản thị trường có khả năng phục hồi trong tuần cuối tháng 9.
Trong khi đó, Dragon Capital cho rằng, mức độ ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài đến kinh tế Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước mới nổi và không mang tính hệ thống. Đồng thời, TTCK Việt Nam có triển vọng về lợi nhuận vượt trội trong nhóm các thị trường mới nổi với độ rủi ro ở mức độ thấp hơn nhờ nội tại vĩ mô ổn định.
Theo bà Nguyễn Bỉnh Thanh Giao, Phó phòng Phân tích ACBS, nội tại vĩ mô Việt Nam hiện nay khá vững chắc. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế còn được hỗ trợ bởi gói tài khóa tiền tệ ước tính trên 300.000 tỷ và gói phát triển cơ sở hạ tầng trên 100.000 tỷ dự kiến sẽ được giải ngân trong quý III và quý IV. Ngoài ra, những con số cho thấy lạm phát và lãi suất tại Việt Nam vẫn chưa đáng lo ngại.
“Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn”, bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm Phân tích dữ liệu Dịch vụ thông tin tài chính Fiin Group đánh giá.
Bà Vân phân tích, nếu so sánh tương quan với các kênh đầu tư khác, thời điểm này có thể nói chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, triển vọng. Dù nhà đầu tư cá nhân đã bán ròng trong giai đoạn thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh từ tháng 4 đến nay nhưng tín hiệu tích cực là lượng tiền lớn vẫn nằm trên tài khoản.
Dữ liệu của một số công ty chứng khoán cho thấy, tính đến cuối quý II/2022, vẫn còn khoảng 70.000 tỷ đồng vẫn nằm trong tài khoản của các nhà đầu tư. Nếu so với thanh khoản thị trường thời gian gần đây, mỗi ngày giao dịch khoảng 10.000 tỷ đồng, thì lượng tiền vẫn nằm trong tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư và chưa giải ngân là số tiền rất lớn. Và theo khảo sát của ACBS, lượng tiền lớn trong tài khoản nhà đầu tư đang tìm kiếm, chờ đợi cơ hội để quay trở lại thị trường.
Các chuyên gia cho rằng, cơ hội lúc này sẽ hướng vào những cổ phiếu, ngành có câu chuyện tăng trưởng ở phía trước; cổ phiếu, ngành chưa được thị trường chú ý thời gian qua và mức giá chưa tăng tương xứng… Điện, dược phẩm, bán lẻ… là những ngành được đánh giá sẽ có lợi nhuận dự kiến tăng tốc hoặc phục hồi đáng chú ý từ nay đến cuối năm. Ngược lại, một số ngành có triển vọng phía trước kém khả quan hoặc đi ngang như bất động sản dân cư, thép, nhóm ngành hàng hóa và xuất khẩu (thủy sản, phân bón, dệt may…).