Chính sách tăng trưởng xanh của Việt Nam: Thực trạng và giải pháp hoàn thiện

ThS. Dương Thị Tuyết Nhung - Trường Đại học Mỏ - Địa chất/tapchicongthuong.vn

Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững. Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan đến chính sách tăng trưởng xanh nhằm đảm bảo phát triển kinh tế theo hướng hiệu quả và bền vững, đồng thời góp phần giảm nhẹ và phòng chống tác động của biến đổi khí hậu. Bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách tăng trưởng xanh của Việt Nam cũng còn những hạn chế, bất cập gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Bài viết làm rõ khái niệm tăng trưởng xanh, phân tích thực trạng chính sách tăng trưởng xanh của Việt Nam. Từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách tăng trưởng xanh trong thời gian tới.

1. Đặt vấn đề

Chính sách quốc gia về tăng trưởng xanh là một chủ trương lớn và quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm xanh hóa nền kinh tế, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Trước xu hướng phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam đã được ban hành và thực thi với nhiều kết quả đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chính sách tăng trưởng xanh cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần có những giải pháp hoàn thiện trong thời gian tới.

2. Khái niệm tăng trưởng xanh

Khái niệm “tăng trưởng xanh” hiện đã được nhiều tổ chức trên thế giới đưa ra song chưa có sự thống nhất hoàn toàn.

Theo Tổ chức Sáng kiến Tăng trưởng Xanh của Liên Hợp Quốc, tăng trưởng xanh hay xây dựng nền kinh tế xanh là quá trình tái cơ cấu lại hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng để thu được kết quả tốt hơn từ các khoản đầu tư cho tài nguyên, nhân lực và tài chính, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, khai thác và sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, tạo ra ít chất thải hơn và giảm sự mất công bằng trong xã hội[1].

Theo OECD (2011), tăng trưởng xanh là thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo rằng các nguồn tài sản tự nhiên tiếp tục cung cấp các tài nguyên và dịch vụ môi trường thiết yếu cho cuộc sống của chúng ta. Để thực hiện điều này, tăng trưởng xanh phải là nhân tố xúc tác trong việc đầu tư và đổi mới, là cơ sở cho sự tăng trưởng bền vững và tăng cường tạo ra các cơ hội kinh tế mới[2].

Theo Ủy ban Kinh tế xã hội khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Liên hiệp quốc, tăng trưởng xanh là Chiến lược để đạt được phát triển bền vững. Tăng trưởng xanh chủ trương tăng trưởng GDP mà duy trì hoặc khôi phục lại chất lượng và tính toàn vẹn của môi trường sinh thái, đồng thời đáp ứng các nhu cầu của tất cả mọi người với mức thấp nhất có thể tác động đến môi trường[3].

Bài viết này tiếp cận dưới góc độ pháp lý đối với chính sách tăng trưởng xanh ở Việt Nam nên nội hàm khái niệm tăng trưởng xanh được hiểu theo Chiến lược quốc gia Việt Nam về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, “tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu”[4].

3. Thực trạng chính sách tăng trưởng xanh của Việt Nam

Nhận thức được những tác động của biến đổi khí hậu đến đời sống của người dân, trong những năm qua, Việt Nam đã có hàng loạt văn bản pháp luật, chính sách về tăng trưởng xanh, như:

“Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020” nhấn mạnh, để thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững, cần phải: đẩy mạnh áp dụng rộng rãi sản xuất sạch hơn; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đồng thời giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ chất lượng môi trường, sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững; xây dựng văn hóa tiêu dùng văn minh, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên; từng bước thực hiện dán nhãn sinh thái, mua sắm xanh; phát triển thị trường sản phẩm sinh thái và sáng kiến cộng đồng về sản xuất và tiêu dùng bền vững; áp dụng các chính sách điều chỉnh những hành vi tiêu dùng không hợp lý.

Theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg, Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, 2 nhiệm vụ chiến lược được đề ra gồm: 1) Xanh hóa sản xuất; thực hiện một chiến lược công nghiệp hóa sạch thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; khuyến khích phát triển công nghệ xanh, nông nghiệp xanh; 2) Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; kết hợp lối sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh hiện đại.

Đồng thời, Chính phủ cũng thông qua Bộ Chỉ tiêu giám sát phát triển bền vững, mà quan trọng nhất là Chỉ tiêu GDP xanh, Chỉ tiêu năng lượng trên đơn vị GDP tăng thêm và Chỉ số bền vững về môi trường, bắt đầu được thực hiện từ năm 2015.

Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020, trong đó, đề ra 4 nội dung chính gồm: Xây dựng thể chế và kế hoạch tăng trưởng xanh tại địa phương; Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Thực hiện xanh hóa sản xuất; Thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.

Ngày 19/1/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 84/QĐ-TTg Phê duyệt Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030.

Quốc hội cũng đã ban hành mới, hoặc bổ sung, sửa đổi một số luật liên quan đến tăng trưởng xanh như: Luật Bảo vệ môi trường (1991, 1993, 2005), Luật Bảo vệ và phát triển rừng (1991, 2004), Luật Dầu khí (1993, 2000, 2008), Luật Khoáng sản (1993, 2005, 2010), Luật Tài nguyên nước (1998, 2012), Luật Đất đai (2003, 2013), Luật Hóa chất (2007), Luật Đa dạng sinh học (2008), Luật Thuế tài nguyên (2009), Luật Quy hoạch đô thị (2009), Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (2010), Luật Thuế bảo vệ môi trường (2010), Luật Biển Việt Nam (2012), Luật Phòng, chống thiên tai (2013), Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (2015), Luật Thủy lợi (2017), Luật Thủy sản (2017), Luật Lâm nghiệp (2017),...

Để đảm bảo thực thi Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, hàng loạt các chính sách hỗ trợ cũng được ban hành như: 1). Chính sách tín dụng xanh được đẩy mạnh thông qua các kênh cho vay hỗ trợ lãi suất đối với hoạt động dự án bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch; 2). Chính sách thuế tài nguyên với nguyên tắc “tài nguyên không có khả năng tái tạo” thì áp dụng mức thuế suất cao, “tài nguyên có khả năng tái tạo” thì áp dụng mức thuế suất thấp; 3). Các chính sách thuế từng bước được hoàn thiện theo hướng chú trọng khuyến khích đầu tư, sản xuất theo công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng và hỗ trợ cho việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia; 4). Chính sách chi ngân sách nhà nước cũng được chú trọng theo hướng ưu tiên các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến bảo vệ môi trường.

Như vậy, chính sách tăng trưởng xanh đã được chú trọng xây dựng ở nhiều ngành, lĩnh vực để đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thực hiện chính sách tăng trưởng xanh của Việt Nam còn một số khó khăn, hạn chế gồm:

Thứ nhất, nhận thức của bộ, ngành và chính quyền địa phương về chiến lược tăng trưởng xanh chưa rõ ràng.

Thứ hai, các dự án mà bộ, ngành, địa phương đã và đang được thực hiện liên quan đến Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đều dựa trên sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ (NGO), chứ chưa xuất phát từ năng lực nội sinh của bộ, ngành, địa phương.

Thứ ba, hiện nay có sự xung đột, trùng lặp nhau về mục tiêu giữa các chiến lược: Chiến lược phát triển bền vững; Chiến lược quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu; Chiến lược tăng trưởng xanh,... Các địa phương không rõ cần thực hiện Chiến lược nào, cơ quan nào làm đầu mối thực hiện.

Thứ tư, nguồn lực thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh hiện nay chưa rõ ràng, đặc biệt trong bối cảnh suy giảm kinh tế và cắt giảm đầu tư công.

Thứ năm, dù việc áp dụng, lồng ghép Chiến lược tăng trưởng xanh vào các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương đã đạt được một số thành tựu nhất định, song nhiều địa phương đang đối mặt với không ít thách thức. Tại một số địa phương, dù kế hoạch hành động tăng trưởng xanh đã được phê duyệt và ban hành, nhưng thay đổi trong cơ cấu sản xuất cũng như các kết quả đạt được chưa rõ ràng do thiếu các nhóm giải pháp cụ thể và chưa thật sự khả thi đối với hoàn cảnh của từng địa phương.

Thứ sáu, trong khi mô hình tăng trưởng mới chưa được xác lập trong ngắn hạn và trung hạn thì liệu các mục tiêu của chiến lược tăng trưởng xanh có được hoàn thành?

4. Một số giải pháp hoàn thiện chính sách tăng trưởng xanh

Thứ nhất, cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Việt Nam đã chính thức bước vào quá trình chuyển đổi từ giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa trên nguồn lực sang giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa trên hiệu quả. Cần tăng dần tỷ trọng đầu tư cho các ngành sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, ít gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên như các ngành dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghệ thông tin.

Thứ hai, xây dựng và ban hành các cơ chế khuyến khích và thúc đẩy nghiên cứu, sử dụng công nghệ mới, ít tiêu hao nhiên liệu, giảm phát thải khí nhà kính và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, ban hành chính sách về bảo đảm giá và cơ chế ưu đãi cho phát triển năng lượng tái tạo. Các cơ chế mới này sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ cho các DN sản xuất, nhất là các DN tại địa phương mạnh dạn thay đổi công nghệ cũ, lạc hậu, gây ô nhiễm bằng các công nghệ mới với năng suất và hiệu quả cao hơn trong sử dụng các nguồn tài nguyên.

Thứ ba, cần hình thành thị trường mua sắm công xanh và chuỗi giá trị xanh. Nhà nước là người tiêu dùng quan trọng (mua sắm công thường chiếm tới 20% chi tiêu của Chính phủ) trong việc thực hiện tăng trưởng xanh, do đó cần phải có khung pháp lý qui định về hành vi mua sắm của Chính phủ theo hướng xanh hóa đối với các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Các quy định này cần phải hệ thống, đồng bộ, bắt đầu từ Luật Mua sắm xanh và các văn bản dưới luật để cụ thể hóa luật đó. Hệ thống hành lang pháp lý về mua sắm xanh cũng cần phải tích hợp các vấn đề bảo vệ môi trường.

Thứ tư, cần huy động các nguồn lực và cơ chế tài chính trong và ngoài nước, ưu tiên cho tăng trưởng xanh. Đặc biệt, cần đẩy mạnh triển khai mô hình hợp tác công tư, chủ động tiếp cận các nguồn vốn từ tư nhân cũng như triển khai các công cụ tài chính dựa vào thị trường, như thị trường mua bán và trao đổi tín chỉ các-bon để bảo đảm tính bền vững và nguồn lực tài chính ổn định cho tăng trưởng xanh. Đối với cơ chế tài chính cho tăng trưởng xanh ở cấp địa phương, cần phân cấp rõ nguồn vốn tài chính trung ương và địa phương cho tăng trưởng xanh cũng như đa dạng hóa các hình thức thu hút, huy động tài chính cho tăng trưởng xanh như phát hành trái phiếu xanh ở các địa phương.

5. Kết luận

Tóm lại, tăng trưởng xanh là xu thế phát triển chung của thế giới và Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế đó. Thực hiện quan điểm, chủ trương, đường lối chung của Đảng, chính sách tăng trưởng xanh đã được ban hành và thực thi với văn bản nền tảng là Quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh.

Việc thực thi chính sách tăng trưởng xanh giai đoạn 2012-2020 đã đạt được những kết quả nhất định song vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế do còn có những bất cập về nội dung của chính sách và một số nguyên nhân khác. Để hoàn thiện chính sách tăng trưởng xanh của Việt Nam trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, cần chú trọng thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu; xây dựng và ban hành các cơ chế khuyến khích và thúc đẩy sử dụng công nghệ thân thiện môi trường; hình thành thị trường mua sắm công xanh, chuỗi giá trị xanh; huy động các nguồn lực, cơ chế tài chính trong và ngoài nước, trong đó ưu tiên cho tăng trưởng xanh.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] UNEP. (2011). Towards a Green Economy: Pathways to Sustainable Development and Poverty Eradication. Truy cập tại: www.unep.org/greeneconomy

[2]OECD. (2011). Towards Green Growth. Truy cập tại: http://sostenibilidadyprogreso.org/files/entradas/towards-green-growth.pdf.

[3] UNESCAP. (2012). Low Carbon Green Growth Roadmap for Asia and the Pacific, Turning resource constraints and the climate crisis into economic growth opportunities. Bangkok: UNESCAP

[4] Thủ tường Chính phủ (2012). Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Viên Thế Giang (2017). Tài chính cho phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam - Khuôn khổ chính sách, pháp luật và thực tiễn thi hành. Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ. Tập 20. Số 2.
  2. OECD (2011). Towards Green Growth. Rechieved from: http://sostenibilidadyprogreso.org/files/entradas/towards-green-growth.pdf.
  3. Phạm Thị Bích Thảo (2020). Một số vấn đề về kinh tế xanh tại Việt Nam. Tạp chí Tài chính. Kỳ 1 - Tháng 9.
  4. Thủ tướng Chính phủ (2012). Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050.
  5. UNEP. (2011). Towards a Green Economy: Pathways to Sustainable Development and Poverty Eradication. Truy cập tại: www.unep.org/greeneconomy
  6. UNESCAP. (2012). Low Carbon Green Growth Roadmap for Asia and the Pacific, Turning resource constraints and the climate crisis into economic growth opportunities. Bangkok: UNESCAP.