Chính sách thắt chặt tiền tệ bắt đầu tác động

Theo SGTT

Những dấu hiệu gần đây như lãi suất lên cao, tỷ giá căng thẳng, thâm hụt cán cân thanh toán… đặt ra thách thức gì cho nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam? Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam , ông Martin Rama trao đổi về các vấn đề này.

Lãi suất đã bắt đầu tăng rất cao, lên đến 18 -19% ở một số ngân hàng thương mại. Theo ông, vì sao?

Đó là dấu hiệu rõ của chính sách (tiền tệ) thắt chặt. Trong một thời gian dài từ cuối năm 2008 đến cuối 2009, các ưu tiên tập trung vào mở rộng đầu tư, mở rộng tín dụng, dẫn đến thâm hụt ngân sách, gây thêm căng thẳng lên cán cân thanh toán.

Việt Nam đã thực hiện chính sách kích thích kinh tế tương tự như Trung Quốc, nhưng Việt Nam không có dự trữ ngoại hối lớn như Trung Quốc. Vì thế một số áp lực đang gia tăng như tỷ giá tăng, tiền đồng yếu đi. Vì thế mà Chính phủ cần cân bằng lại.

Có hai cách. Thứ nhất là thắt chặt tiền tệ, làm giảm tính thanh khoản và giảm tăng trưởng tín dụng trong năm 2010. Thanh khoản thiếu, vì thế lãi suất tăng lên. Nhưng điều đó là cần thiết để giảm áp lực lên tiền đồng, nếu không sẽ làm vàng, chứng khoán, bất động sản, đôla Mỹ, và nhiều thứ khác tăng giá cao hơn mức lạm phát. Vì thế mà phải thắt chặt tiền tệ.

Ngoài ra cần phải thắt chặt tài khoá. Thâm hụt tài khoá năm nay không thể lớn như năm 2009 nhưng nguồn cho nó là một thách thức rất lớn. Đó là lý do vì sao Việt Nam đang tìm cách bán trái phiếu trị giá một tỉ USD ra quốc tế. Chính phủ phải tìm nguồn bù đắp cho thâm hụt ngân sách…

Nhưng rõ ràng, mức lãi suất lên cao gần đỉnh điểm của giữa năm khủng hoảng 2008 còn gì?

Là do chính sách tiền tệ thắt chặt và chính phủ phải làm vậy để giúp tháo gỡ áp lực lên USD. Điểm quan trọng nữa mà Chính phủ cần làm là tháo gỡ áp lực lên vàng và ổn định kỳ vọng của người dân. Chính phủ cần phải làm vậy, nếu không cân bằng lại chính sách thì tâm lý lo lắng khủng hoảng sẽ gia tăng. Điều đó có thể xảy ra, và Chính phủ đang làm đúng hướng.

Ngân hàng thế giới cho rằng Việt Nam có cán cân tài khoản vốn thặng dư khoảng 10,2 tỉ USD, thừa sức để bù đắp thâm hụt tài khoản vãng lai 7,4 tỉ USD trong năm ngoái. Nhưng vì sao tỷ giá vẫn căng thẳng vậy?

Điều đó là do kỳ vọng và tâm lý của người dân và doanh nghiệp. Chính phủ phải giải toả được điều này. Việc thắt chặt tiền tệ là một trong những biện pháp có mục tiêu như vậy. Nếu giá USD giảm xuống đồng điệu với nhu cầu thương mại, thì người dân có thể sẽ cảm thấy họ không nên đánh cược vào USD thêm nữa.

Như vậy, tình hình sẽ được cải thiện. Nếu không, thì không thể bù đắp được thâm hụt tài khoản vãng lai vì Việt Nam không có nhiều dự trữ ngoại hối như Trung Quốc.

Nhưng không dễ thuyết phục người dân về điểm này vì triển vọng lạm phát cao tác động mạnh đến tâm lý của họ?

Đúng, nhưng lạm phát hiện nay không gia tăng nhanh chóng. Lạm phát sẽ bị ảnh hưởng phần lớn bởi điều gì sẽ diễn ra trên thị trường quốc tế. Vấn đề chính hiện nay là Việt Nam cần giải quyết giá tài sản như vàng, chứng khoán và USD. Chính phủ cần ổn định các mặt hàng này.

Nếu chính phủ thành công trong kế hoạch bán trái phiếu quốc tế trị giá một tỉ USD, thì điều này có ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ của Việt Nam?

Trái phiếu loại này quan trọng với tài khoá hơn là thị trường tiền tệ. Nó sẽ là nguồn lực để giúp tài trợ cho thâm hụt ngân sách, mà theo Quốc hội, sẽ còn rất lớn trong năm nay (6,2% GDP). Chúng tôi cho rằng thâm hụt ngân sách của Việt Nam sẽ là 9% GDP trong năm 2010, căn cứ theo chuẩn mực quốc tế.

Nợ công trong nước và ODA sẽ không tài trợ đủ cho thâm hụt này.

Tóm lại, những yếu tố như giá tài sản tăng, tỷ giá căng thẳng, lãi suất lên cao, thâm hụt ngân sách,… có làm kinh tế vĩ mô của Việt Nam tại thời điểm này đáng lo hay không?

Chúng tôi sẽ cảm thấy lo lắng nếu không có một vài chính sách mà Chính phủ đã bắt đầu thực thi từ tháng 11.2009 liên quan đến thắt chặt tiền tệ. Đó là những biện pháp đúng đắn.

Nếu Chính phủ không thực hiện các chính sách đó, thì chúng tôi sẽ lo lắng về tỷ giá, về giá vàng, cán cân thanh toán… Thật rõ ràng là các chính sách đó đang có tác động đến các hoạt động kinh tế. Các hoạt động này đang chậm lại nhưng khủng hoảng vẫn còn đó. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ có thể đánh giá lại các tác động của các chính sách này trước tết.

Ông bình luận như thế nào về dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay?

Rõ ràng ngân hàng Nhà nước đã cố gắng can thiệp để đảm bảo tính thanh khoản về ngoại tệ cho các ngân hàng, và dỡ bỏ áp lực về USD. Vì thế ngân hàng Nhà nước đã cung cấp USD ra thị trường, và như vậy dự trữ ngoại hối sẽ giảm xuống. Nhưng ngân hàng Nhà nước sẽ không thể làm việc này mãi. Vì thế họ buộc phải bắt đầu thắt chặt tiền tệ.