"Mở đường" cho ngân hàng tăng tốc, "dọn dẹp" nợ xấu

Hương Dịu

Mặc dù báo cáo 6 tháng đầu năm 2025 của các ngân hàng ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan khi tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát và có xu hướng giảm, nhưng bức tranh chung về xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều thách thức. Trong đó, đáng quan tâm nhất là việc xử lý tài sản đảm bảo chưa được tháo gỡ triệt để.

Các ngân hàng đã tích cực xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng. Ảnh: ST
Các ngân hàng đã tích cực xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng. Ảnh: ST

Tỷ lệ nợ xấu hạ nhiệt, nhưng còn nhiều "hàng tồn đọng"

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2025 đang được các ngân hàng dần công bố, trong đó tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tại nhiều ngân hàng đã được kiểm soát ở mức thấp.

Chẳng hạn, tỷ lệ nợ xấu của LPBank được kiểm soát ở mức 1,74%; VietABank cũng giảm tỷ lệ nợ xấu từ 1,37% cuối năm 2024 xuống còn 1,11% vào cuối quý II/2025; tỷ lệ nợ xấu của Kienlongbank giảm từ 2,02% vào hồi đầu năm xuống 1,96% sau 6 tháng; tỷ lệ nợ xấu của ACB giảm ở mức 1,26% so với mức 1,49% cuối năm 2024...

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý III/2025 của các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến cuối năm 2025, các tổ chức tín dụng tiếp tục điều chỉnh giảm dự báo tỷ lệ nợ xấu so với dư nợ tín dụng bình quân toàn hệ thống.

Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế còn nhiều phức tạp nên vẫn còn nhiều lo ngại về tình hình nợ xấu của hệ thống ngân hàng.

Trong khi đó, trao đổi cách đây không lâu, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ, tốc độ xử lý nợ xấu của các ngân hàng hiện đã được cải thiện, nhưng chủ yếu bằng nguồn dự phòng rủi ro với tỷ lệ 48%, việc xử lý tài sản bảo đảm còn khiêm tốn.

Minh chứng là mới đây, Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã thông báo đến lần thứ 9 về việc bán đấu giá khoản nợ xấu của Công ty TNHH Du lịch Nam Biển Đông, với giá khởi điểm gần 412 tỷ đồng.

Trước đó, từ năm 2024, khoản nợ này được chào bán lần đầu với giá lên tới gần 1.000 tỷ đồng, nhưng dù đã liên tục giảm giá 8 lần mà vẫn chưa tìm được người mua. Khoản nợ xấu này từ Sacombank theo hợp đồng tín dụng với Công ty TNHH Du lịch Nam Biển Đông từ cuối năm 2018.

Trước đó, VAMC cũng đã thông báo đấu giá khoản nợ xấu của nhóm khách hàng gồm Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang và Công ty TNHH Đá Xây dựng Bình Dương, với giá khởi điểm hơn 175 tỷ đồng.

Khoản nợ này cũng nhiều lần được đưa ra đấu giá nhưng chưa thành công, với mức định giá tạm tính đưa ra từ năm 2021 là hơn 2.270 tỷ đồng, bao gồm cả gốc và lãi. Khoản nợ này cũng được mua lại từ Sacombank theo hợp đồng ký năm 2021.

Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cũng liên tục rao bán tài sản đảm bảo để "dọn dẹp" bớt nợ xấu nhưng vẫn khó "chốt đơn”.

Như tại SeABank, mục thanh lý tài sản đảm bảo trên website ngân hàng có khá nhiều thông báo thanh lý tài sản là ô tô từ 3 - 6 lần. VietinBank cũng liên tục đăng thông báo về bán đấu giá và xử lý tài sản đảm bảo, trong đó một số tài sản đã thông báo đến hàng chục lần hoặc hạ giá bán mà vẫn chưa tìm được người mua...

Gỡ "điểm nghẽn" pháp lý

Bên cạnh việc thị trường mua bán nợ xấu chưa sôi động như kỳ vọng, các ngân hàng còn gặp phải “điểm nghẽn” trong xử lý các vụ án tranh chấp liên quan đến tổ chức tín dụng, trong đó có những tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm.

 

Việc luật hóa Nghị quyết số 42/2017/NQ-CP tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các tổ chức tín dụng vừa được thông qua đang được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi tích cực trong xử lý nợ xấu, khi cho phép ngân hàng chủ động thu giữ tài sản bảo đảm, qua đó giảm áp lực dự phòng rủi ro, tiết kiệm chi phí xử lý nợ, đồng thời cải thiện ý thức trả nợ của khách hàng.

Theo các chuyên gia, khi tài sản bảo đảm bị vướng vào một vụ án hình sự thì việc thu hồi nợ của các ngân hàng càng khó khăn hơn.

Trao đổi tại hội thảo về giải quyết các vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng tại Toà án Nhân dân mới đây, bà Nguyễn Thị Phương - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cho hay, báo cáo tổng hợp từ các tổ chức tín dụng hội viên đã nhấn mạnh đến những ảnh hưởng của việc xử lý tài sản bảo đảm trong vụ án hình sự trong công tác thu hồi nợ xấu.

Đó là, khi tài sản bảo đảm bị liên đới trong một vụ án hình sự, dù không phải là vật chứng trực tiếp hoặc không phải công cụ phạm tội, các tổ chức tín dụng vẫn gặp khó khăn trong việc thu hồi.

Thậm chí, có trường hợp tài sản thế chấp hợp pháp bị coi là công cụ, phương tiện phạm tội và bị tòa án tuyên tịch thu sung công quỹ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân hàng là bên nhận thế chấp ngay tình (Bên thứ ba không biết và không thể biết về việc giao dịch đó có vi phạm pháp luật hay không - PV).

Vì thế, ông Trần Văn Nhiên - Giám đốc Pháp chế của Eximbank đề xuất cần có quy định rõ về thứ tự ưu tiên của bên nhận bảo đảm hợp pháp đối với việc xử lý tài sản bảo đảm trong vụ án hình sự.

Đồng thời kiến nghị hạn chế việc kê biên/phong tỏa tài sản không phải vật chứng và không mở rộng trách nhiệm của tổ chức tín dụng bằng việc tịch thu các khoản tiền trả nợ hợp pháp, trừ khi có bằng chứng tổ chức tín dụng biết đó là tiền phạm pháp.

Ngoài ra, đại diện các ngân hàng cũng mong muốn áp dụng thủ tục rút gọn cho các vụ án xử lý nợ xấu và quy trình xử lý tài sản bảo đảm trong các vụ án hình sự. Đồng thời, cần tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành, giúp các tổ chức tín dụng có thể tra cứu, xác minh tình trạng pháp lý của tài sản trước khi giao dịch, tránh rủi ro nhận thế chấp tài sản đang tranh chấp.