Chính sách tiền tệ quá an toàn, có thích hợp vào lúc này?

Theo saigondautu.com.vn

Lịch sử sẽ ghi nhận vào ngày 15/3/2020, rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed - Ngân hàng Trung ương - NHTW) vào lúc tròn 107 tuổi, đã tiến nhanh và xa hơn hơn bao giờ. GS., TS. Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đã có bài viết phân tích và đưa ra một số nhận định về vấn đề này.

Vẫn chưa thể biết trước liệu Fed có còn làm những gì phi thường thời gian tới?
Vẫn chưa thể biết trước liệu Fed có còn làm những gì phi thường thời gian tới?

Khi mà đại dịch bắt đầu hoành hành, Chủ tịch Jerome Powell đặt Fed vào vị trí thời chiến bằng cách hạ lãi suất xuống gần 0%, bơm tiền giải cứu thị trường tài chính vô giới hạn và chính thức phá hủy điều cấm kỵ trăm năm là cho vay đối với các doanh nghiệp và chính quyền các bang. Vẫn chưa thể biết trước liệu Fed có còn làm những gì phi thường thời gian tới?

NHTW xin hãy bớt giáo điều

Fed tin rằng mình không bao giờ muốn làm điều này. Nhưng như Powell nói, Fed không có quyền lựa chọn. Lịch sử và số phận đã buộc họ phải đối mặt với các thách thức lớn chưa từng có.

GS. Trần Ngọc Thơ.
GS., TS. Trần Ngọc Thơ.

“Nghề” của Fed là phải chấp nhận bài kiểm tra đó. Không ít nhà kinh tế phê phán các chương trình tiền tệ khổng lồ và đột ngột sẽ dẫn đến lạm phát tăng tốc trong tương lai. Nhưng “trong dài hạn thì ai cũng chết”. Trước mắt đó không phải là bài kiểm tra năng lực Fed lúc này.

Nguyên Chủ tịch Ben Bernanke, người dẫn Fed chống chọi với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, người có đầu óc học thuật, phải chờ đến khi có đủ dữ liệu tin cậy mới đưa ra quyết định.

So với Bernanke, Powell lại có một phong cách thời chiến. Ông chỉ mất có 4 giờ trong khi bình thường phải đến 48 giờ (Fed thường nhóm họp 2 ngày). Powell muốn thách thức con virus corona bằng một ẩn dụ. Sức công phá của nó trong 1 tháng đã làm tiêu tan thành tựu 10 năm với 30 triệu lao động thất nghiệp. Tương tự, Fed cũng hành động nhanh gấp 10 lần hơn mới có thể giành chiến thắng trước kẻ thù vô hình.

NHTW cần phải được sự đồng hành từ Quốc hội

Nhưng Fed muốn phá hủy những điều cấm kỵ 100 năm cũng phải tuân theo luật lệ. Quốc hội Mỹ cho phép Fed làm việc với Bộ Tài chính và được sự ủy nhiệm để sáng tạo những chính sách tiền tệ và tài khóa phi thường trong những thời kỳ bất bình thường.

Nếu trước đây, Fed chỉ đóng vai trò là người cho vay cuối cùng, thì giờ Fed chấp nhận mạo hiểm tiến vào các vùng đất mới của chính sách tài khóa, đó là người mua cuối cùng, người gánh nợ cuối cùng, người tạo lập thị trường cuối cùng và là người bảo hiểm cuối cùng cho tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. 

Đầu tháng 3, tài sản (trên bảng cân đối kế toán) của Fed là 4.200 tỷ USD, thì cho đến giữa tháng đã tăng lên 6.200 tỷ USD và có thể chạm mốc 11.000 tỷ USD trong năm nay. Vậy mà Powell vẫn cứ sợ thị trường bất an nên liên tục phát thông điệp thật rõ ràng là hoả lực của Fed còn rất mạnh và vô giới hạn.

Để làm được điều này, Powell tranh thủ mọi cơ hội trong các buổi họp báo và điều trần để đề nghị Quốc hội cần phải hành động nhanh và mạnh hơn nữa, để hợp sức cùng Fed (và Bộ Tài chính) chiến đấu với con virus corona.

Không giải cứu các doanh nghiệp yếu kém, cho dù nhỏ hay lớn

Thách thức lớn nhất của Fed lúc này không phải kích thích tăng trưởng, lạm phát hay gánh nặng nợ phình to. Thay vào đó, Fed phải ngăn dòng tín dụng không bị cạn kiệt để tiếp thêm oxy cho toàn bộ nền kinh tế vẫn duy trì được năng lực sau khi đại dịch kết thúc.

So với giai đoạn 2008, khi Fed tung ra các chính sách phi truyền thống bị nhiều nhà hoạch định chính sách phê phán, lần này họ lại nhiệt tình ủng hộ Fed thực hiện một chính sách tiền tệ thậm chí còn phi thường hơn trước.

Những chính sách phi thường, nhưng như thế không có nghĩa Fed làm điều này mà không có tính toán. Lạm phát quá thấp ở Mỹ và các nền kinh tế phát triển trong hơn một thập niên qua và khó thể quay trở lại trong tương lai gần là một yếu tố.

Đối với khu vực doanh nghiệp thuộc nền kinh tế thực, Fed chỉ hướng đến hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong kế hoạch 600 tỷ USD. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ “xác sống” sẽ không nhận được gì, ngoại trừ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn tạm thời về dòng tiền.

Nhiều chính trị gia viết thư đề nghị Fed cho vay đối với các công ty dầu hỏa đang gặp khó khăn do giá dầu lao dốc. Powell đã thẳng thừng bác bỏ đề xuất này. Chủ nghĩa tư bản mà không có phá sản cũng giống như có thiên đường mà không có địa ngục. Triết lý này không hẳn chỉ đúng trong thời bình.

Chúng ta thấy gì từ các kinh nghiệm trên?

Ba vấn đề trên có giá trị chung đối với hầu hết các NHTW và các nhà hoạch định chính sách trên thế giới. Còn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và hệ thống NH Việt Nam đã có những phản ứng chính sách thích đáng trong thời gian qua. Nhưng nếu đặt ba kinh nghiệm trên với cách mà NHNN phản ứng, có một số các vấn đề cần được cân nhắc thêm.

Thứ nhất, chúng ta không thể né tránh việc “số phận và lịch sử” sao đã khéo chọn đúng lúc để những nhà điều hành đưa ra những chính sách kinh tế chưa có tiền lệ giúp các doanh nghiệp tồn tại và hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch. Nhiều dự báo cho thấy lạm phát toàn cầu năm 2020 sẽ ở mức 0 hoặc dưới 0%.

Riêng ở Việt Nam, do sức mua quá suy yếu nên chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 giảm 1,54%. Thủ tướng cũng đã tuyên bố hoàn toàn có đủ khả năng kiểm soát lạm phát năm 2020 ở mức 4% như dự kiến. Nền kinh tế vốn rất phức tạp, không thể loại trừ lạm phát có thể quay trở lại. Nhưng đó không thể là năm nay. Chính sách tiền tệ cần phải dám dấn thân nhiều để giảm lãi suất điều hành mạnh hơn.

Thứ hai, Thống đốc Lê Minh Hưng vừa có chỉ đạo hệ thống NH phải hỗ trợ các doanh nghiệp tối đa nhưng tuyệt đối không được hạ chuẩn cấp tín dụng. Đây là quan điểm rất “chuẩn”. Thậm chí ngay cả Fed, NHTW châu Âu (ECB), nếu muốn mua vào các trái phiếu dưới cấp độ đầu tư cũng phải được Quốc hội thông qua. Hạ chuẩn tín dụng thì không thể, như luận điểm của Thống đốc, nhưng nới lỏng các điều kiện tài chính thì có thể.

Chẳng hạn, có thể nới lỏng các điều kiện về tài sản thế chấp hoặc lùi thêm thời hạn áp dụng một số các chuẩn mực quản trị cẩn trọng vĩ mô (như tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn)… Về mặt pháp lý, NHNN nhất thiết phải triển khai nhanh những gì hoàn toàn nằm trong thẩm quyền và những gì cần báo cáo để được sự đồng ý của Quốc hội.

Thứ ba, có thể áp dụng trở lại cơ chế trần lãi suất huy động và cho vay để giảm lãi suất mạnh hơn nữa hỗ trợ nền kinh tế bật mạnh sau đại dịch. Đây là công cụ mang tính hành chính đã từng được áp dụng vào thời điểm lãi suất tăng quá cao. Việc lấy lại trên kho các vũ khí đã phủ bụi thời gian cho những tình huống khẩn cấp là điều mà chúng ta đang chứng kiến không ít các NHTW trên thế giới triển khai vào lúc này.

Chẳng hạn, Fed đã áp dụng trở lại công cụ phủ bụi hơn 1 thập niên chưa sử dụng là cho vay tài trợ các thương phiếu (CPFF-Commercial Paper Funding Facility). Dù vậy, công cụ này, nếu áp dụng, NHNN tuyên bố chỉ thực thi trong một thời gian nào đó, chẳng hạn từ nay đến cuối năm.

Thứ tư, dự kiến nợ xấu NH sẽ tăng cao giai đoạn hậu đại dịch, Quốc hội nên nghiên cứu bỏ quy định không được dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu. Quy định này khiến cho NHNN hầu như không thể sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ để xử lý nợ xấu. Nếu không tháo gỡ quy định này, không khó để dự báo rất nhiều NH sẽ vướng phải nợ xấu tăng cao và do đó gặp nhiều hạn chế trong cho vay sau này khi nền kinh tế bật mạnh trở lại.

Ngay cả trong thời bình quy định này cũng rất máy móc và tước đi những công cụ hữu hiệu của chính sách tiền tệ để ổn định hệ thống tài chính. Luật chỉ nên quy định các điều kiện can thiệp thay vì cấm.

Thứ năm, lãi suất giảm thấp sẽ tác động đến tỷ giá và lạm phát. Điều này có thể làm kích hoạt các dòng vốn chảy ra. IMF vì vậy có khuyến cáo các quốc gia đang phát triển cần phải xây dựng một chính sách kiểm soát vốn hữu hiệu. NHNN cũng phải tính đến khả năng này.

Một chính sách đúng nhưng quá lâu để đi vào cuộc sống cũng không khác mấy một chính sách được thiết kế sai. Hãy lắng nghe nhiều hơn phản ứng từ các doanh nghiệp để cảm nhận điều này.