Chính sách tín dụng góp phần thực hiện tăng trưởng xanh


Nguồn vốn tín dụng có ý nghĩa quan trọng đối với các dự án xanh, doanh nghiệp xanh. Trong thời gian qua, mặc dù quy mô dư nợ tín dụng xanh đ. được cải thiện đáng kể, song tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh trong tổng dư nợ tín dụng ngân hàng c.n tương đối thấp, chỉ ở mức dưới 4,5%. Thực tiễn này đòi hỏi cần có những chính sách khơi thông vốn tín dụng xanh nhằm hỗ trợ tích cực hơn nữa các dự án xanh, dự án phát triển kinh tế bền vững, hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững và gia tăng khả năng chống đỡ của nền kinh tế trước các nguy cơ biến đổi khí hậu.

Ảnh minh họa: Nguồn internet
Ảnh minh họa: Nguồn internet

Giới thiệu

Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách, xu thế tất yếu và là giải pháp để các quốc gia vượt qua các thách thức nghiêm trọng của suy thoái kinh tế, bùng nổ dân số, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu trong trình phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Trong bối cảnh các quốc gia đang ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, mô hình tăng trưởng xanh, bền vững là mô hình được các quốc gia hướng đến.

Xác định tăng trưởng xanh và bền vững là yếu tố quan trọng và tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu để phát triển bền vững: (i) Năm 2015, Việt Nam cam kết thực hiện và thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc; (ii) Năm 2016, Việt Nam cùng hơn 170 nước ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hâu; (iii) Gần đây nhất, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cùng 150 quốc gia trên thế giới cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng của Việt Nam về “0” vào giữa thế kỷ - năm 2050.

Thực hiện các cam kết quốc tế và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ ban hành hệ thống các chính sách về tăng trưởng xanh, gồm: Quyết định 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Quyết định số1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động bảo vệ môi trường; xác định rõ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường.

Với vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, tín dụng ngân hàng đã và đang hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế và giải quyết một số vấn đề an sinh xã hội. Việc triển khai các giải pháp từ ngành Ngân hàng sẽ góp phần định hướng dòng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào các dự án xanh, thân thiện với môi trường, từ đó góp phần thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của quốc gia.

Thực trạng chính sách tín dụng ngân hàng hỗ trợ tăng trưởng xanh tại Việt Nam

Nguồn vốn tín dụng là một trong số các nguồn tài trợ quan trọng cho các dự án xanh, doanh nghiệp xanh, hướng tới mục tiêu chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Nguồn vốn tín dụng thường tập trung vào 2 kênh chính là nguồn vốn tín dụng nhà nước (thông qua các chương trình hỗ trợ, ưu đãi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường) và nguồn vốn tín dụng được thực hiện thông qua nghiệp vụ kinh doanh của tổ chức tín dụng. Ở giai đoạn đầu khi chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, nguồn vốn tín dụng thông qua các chương trình ưu đãi của Nhà nước chiếm ưu thế.

Thời gian qua, trên cơ sở bám sát mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tín dụng cho các ngành sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế... qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện các dự án góp phần bảo vệ môi trường, hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Chính sách tín dụng ngân hàng hỗ trợ tăng trưởng xanh tại Việt Nam đãtừng bước được hoàn thiện, cục thể:

Thứ nhất, rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế về ngân hàng và tín dụng phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh.

NHNN đã xây dựng định hướng phát triển ngân hàng xanh thông qua việc bổ sung, lồng ghép định hướng phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh vào nội dung của Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó xây dựng mục tiêu cụ thể: Tăng hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, phát thải các-bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các bon. Lồng ghép các nội dung về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong các chương trình, dự án vay vốn tín dụng. Đồng thời, NHNN ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018 phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam với mục tiêu, đến năm 2025 là 100% ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, 100% các ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; Kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng.

NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020, Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 03 mục tiêu chính: Một là, thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, góp phần thúc đẩy quá trình tăng trưởng xanh, hướng tới một nền kinh tế carbon thấp, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, phát triển các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh; Hai là, nâng cao nhận thức, vai trò và năng lực của ngành ngân hàng trong thực hiện cấp tín dụng cho các ngành kinh tế xanh, phát triển các sản phẩm và dịch vụ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh; Ba là, Tăng cường năng lực của các TCTD trong nước để mở rộng và đa dạng hóa các kênh phân phối, phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp với nhu cầu, chi phí hợp lý đối với đại bộ phận dân cư; Tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa và thúc đẩy tài chính toàn diện, cải thiện khả năng tiếp cân dịch vụ tài chính cho những người nghèo, người dễ bị tổn thương tại Việt Nam.

Ngoài ra, NHNN đã ban hành ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/03/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, trong đó, NHNN đặt ra mục tiêu ngay từ năm 2015, hoạt động tín dụng của ngành ngân hàng cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; góp phần cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Chính sách tín dụng ngân hàng hỗ trợ tăng trưởng xanh tại Việt Nam đãlồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường vào quy định hiện hành về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, theo đó quy định về nguyên tắc hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng phải phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan bao gồm cả pháp luật về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, NHNN hướng dẫn TCTD xác định và thống kê các dự án, phương án xanh, bảo vệ môi trường, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu cho 12 lĩnh vực xanh. NHNN đãban hành Sổ tay hướng dẫn tổ chức tín dụng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cho 15 ngành kinh tế có rủi ro cao về môi trường xã hội gồm: nông nghiệp; hóa chất; xây dựng cơ sở hạ tầng; năng lượng; thực phẩm và đồ uống; sản xuất may mặc, da và sản phẩm dệt may; dầu khí; xử lý và tái chế chất thải; khai khoáng và ngành sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại; sản xuất nhiệt điện, sản xuất giấy và bột giấy, nhuộm vải, chế biến thủy sản, pin và ắc quy. Đây là công cụ để các TCTD xác định các rủi ro môi trường và xã hội khi thẩm định đơn xin cấp tín dụng cho những dự án, phương án sản xuất kinh doanh trong những ngành có rủi ro cao về môi trường và xã hội và là những ngành mà các tổ chức tín dụng đang cho vay nhiều.

Thứ hai, triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ các TCTD đa dạng sản phẩm ngân hàng - tín dụng xanh, góp phần thực hiện tăng trưởng xanh.

NHNN khuyến khích các TCTD tập trung nguồn vốn tín dụng ngân hàng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh, đầu tư cho các ngành/lĩnh vực xanh, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu như:

- Trong lĩnh vực nông nghiệp xanh: Trình cấp có thẩm quyền ban hành/ban hành theo thẩm quyền các chính sách tín dụng ưu đãi về lãi suất, hỗ trợ lãi suất, ưu đãi tài sản bảo đảm đối với khách hàng thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch như: Nghị định số55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, Nghị định số116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số55/1015/NĐ-CP, Quyết định số 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; cho vay tái canh cây cà phê tại Khu vực Tây Nguyên…

- Trong lĩnh vực lâm nghiệp: Triển khai các chương trình cho vay trồng rừng sản xuất như Chương trình cho vay trồng rừng sản xuất và phát triển chăn nuôi theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015; Dự án phát triển ngành Lâm nghiệp được thực hiện thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội .

- Trong lĩnh vực môi trường: Triển khai các chương trình hỗ trợ người nghèo về nhà ở phòng tránh biến đổi khí hậu như: Chương trình cho vay xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt ở miền Trung, làm nhà ở vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long; các chương trình tín dụng góp phần giảm thiểu hiệu ứng khí nhà kính và giảm ô nhiễm môi trường như chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn...

Thứ ba, phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại, sử dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường góp phần phục vụ tăng trưởng xanh.

Thời gian qua, NHNN đã nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược, đề án, dự án nhằm phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại, sử dụng công nghệ cao, góp phần phục vụ tăng trưởng xanh như: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về lĩnh vực thanh toán; Triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020; Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công như thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội; Phát triển phương tiện và các dịch vụ thanh toán qua Internet, qua di động, qua mã QR code... Thực hiện chủ trương của NHNN về thử nghiệm hoạt động công nghệ tài chính, hầu hết các ngân hàng đều ứng dụng các công nghệ mới, giải pháp kỹ thuật như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu, dữ liệu lớn, tự động hóa quy trình bằng robot, trí tuệ nhân tạo/học máy, Blockchain, nhận biết và định danh khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC)... trong các hoạt động nghiệp vụ và cung ứng sản phẩm, dịch vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng trải nghiệm khách hàng.

Thứ tư, NHNN thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường năng lực cho hệ thống ngân hàng trong thực hiện tín dụng – ngân hàng xanh.

NHNN tổ chức đào tạo, tăng cường năng lực cho các TCTD và cá nhân tham gia xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách, chương trình, sản phẩm ngân hàng – tín dụng xanh.

Trong giai đoạn 2017-2019, NHNN đã triển khai nhiều hoạt động đào tạo, tăng cường năng lực cho các TCTD và cá nhân tham gia xây dựng và triển khai cơ chế chính sách, chương trình, sản phẩm ngân hàng – tín dụng xanh; tham gia các diễn đàn quốc tế về tài chính bền vững nhằm học hỏi kinh nghiệm quốc tế về tín dụng xanh, ngân hàng xanh và thúc đẩy tài chính xanh thông qua sáng kiến Fintech và Ngân hàng số phục vụ cho phát triển tài chính toàn diện và bền vững; Bên cạnh đó, NHNN tích cực đảm phán nhằm huy động nguồn lực từ các tổ chức tài chính quốc tế, tài trợ song phương và đa phương.

Trong giai đoạn 2017-2020, NHNN đã thực hiện huy động nguồn lực từ các tổ chức tài chính quốc tế, tài trợ song phương và đa phương nhằm nâng cao năng lực tài chính để các TCTD có nguồn lực tài trợ tín dụng cho khách hàng thực hiện các dự án xanh như: Dự án tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam; Dự án nhân rộng hiệu quả năng lượng ở Việt Nam; Dự án tài trợ DNNVV thực hiện dự án xanh; Các dự án hỗ trợ kỹ thuật Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam, giai đoạn II, Hỗ trợ kỹ thuật về Quỹ Quy hoạch Đầu tư phát triển và xây dựng ngành năng lượng Đông Nam Á, Dự án hỗ trợ kỹ thuật về sáng kiến và đổi mới tài chính xanh để phát triển cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á…

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, thời gian qua, nhận thức của hệ thống Ngân hàng đã có sự chuyển biến rõ rệt trong thực hiện cấp tín dụng cho các ngành, lĩnh vực xanh, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh của nền kinh tế.

Về quy mô tín dụng xanh, giai đoạn 2017-2021, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh bình quân đạt hơn 25%/năm (Hình 1). Đến 31/12/2021, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt gần 452.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Như vậy, có thể thấy, quy mô tín dụng xanh từ hệ thống ngân hàng có gia tăng theo thời gian xong tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh vẫn còn tương đối thấp.

Về cơ cấu ngành được phân bổ tín dụng xanh, trong số 12 lĩnh vực xanh NHNN hướng dẫn các TCTD cho vay, dư nợ cấp tín dụng xanh tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo (chiếm 46%) và nông nghiệp sạch (32%). Các TCTD đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng...

Hoạt động ngân hàng đã có những đóng góp đáng kể trong thực hiện tăng trưởng xanh. Tại “Báo cáo toàn cầu về tiến bộ trong cải cách hướng tới tài chính bền vững 2019” của Mạng lưới ngân hàng bền vững (SBN – Sustainable Bank Network, 2021), Việt Nam được đánh giá là một trong 38 thị trường đang phát triển có những bước tiến đáng kể trong nỗ lực thúc đẩy ngành tài chính ngân hàng hướng tới phát triển bền vững.

Giai đoạn 2020-2021, Việt Nam được xếp vào nhóm thứ 2 các quốc gia có sự tiến bộ đáng kể trong tiến trình phát triển bền vững. Đồng thời, tại báo cáo Tiến bộ quốc gia của Việt Nam năm 2019 và 2021 (SBN, 2021), Việt Nam được xếp thứ hạng cao so với các nước châu Á và toàn cầu trong các chính sách liên quan đến đóng góp quốc gia tự quyết NDCs – một nội dung quan trọng của Thỏa thuận Paris và sự phù hợp của các mục tiêu chống biến đổi khí hậu quốc gia/khu vực; định nghĩa tài sản và các sản phẩm tài chính bền vững; hướng dẫn sản phẩm tài chính xanh, theo dõi và công bố khí hậu và tài chính xanh, các chính sách và báo cáo về môi trường và xã hội; các cơ quan liên quan chủ động tích cực hợp tác triển khai và hỗ trợ thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động tín dụng xanh hiện nay còn gặp một số khó khăn như: Chưa có quy định chung về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành/lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế nên thiếu căn cứ để các TCTD xác định cấp tín dụng  về môi trường chuyên sâu sẽ là khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá và giám sát, quản lý rủi ro khi thực hiện cấp tín dụng; Việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, công trình xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn cho vay của các TCTD thường là vốn huy động ngắn hạn, các TCTD khó khăn trong việc cân đối vốn và đáp ứng yêu cầu về đảm bảo an toàn, đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định...

Giải pháp tăng cường chính sách tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh

Trên cơ sở bám sát các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, với vai trò nhiệm vụ, chức năng của ngành ngân hàng, thời gian tới, NHNN và các ngân hàng thương mại cần tiếp tục thực thi các chính sách tín dụng nhằm thúc đẩy hoạt động của ngành ngân hàng hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế sau dịch bệnh COVID-19 cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện ngân hàng xanh, tín dụng xanh; hướng dẫn các TCTD quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng để đáp ứng các yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường (2020).

Thứ hai, xây dựng Chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 về biến đổi khí hậu, trong đó xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh, các ngành, lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm, phát thải ít cacbon; ngành sản xuất thân thiện với môi trường; tham gia tài trợ cho các dự án, chương trình phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, phát triển nền tảng số, hạ tầng số; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số để phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, góp phần phát triển bền vững.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn nêu trên, để các cơ chế, chính sách của ngành ngân hàng thực sự phát huy hiệu quả, bên cạnh những nỗ lực của ngành ngân hàng để hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ các dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, việc mở rộng và khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực xanh đòi hỏi sự phối, kết hợp từ nhiều phía. Trong đó, định hướng từ phía các cơ quan chức năng có vai trò hết sức quan trọng. Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành liên quan:

(i) Xây dựng hướng dẫn về Danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam làm cơ sở cho các TCTD căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

(ii) Xây dựng lộ trình hướng dẫn thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh.

(iii) Tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu xanh, tạo kênh huy động vốn cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh.

(iv) Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ các TCTD được tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi để có điều kiện cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành/ lĩnh vực xanh.

 Tài liệu tham khảo:

  1. Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững;
  2. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050;
  3. Ngân hàng Nhà nước (2015), Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/03/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng;
  4. Sustainable Bank Network – SBN (2021), Global and Country Progress Reports 2021 & 2022, https://www.sbfnetwork.org/publications/global-progress-report-2021.

(*) Phm Th Thanh Tùng – Ngân hng Nhà ớc

(**) Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2022