Chờ sự bùng nổ của thị trường?


Thống kê nhanh cho thấy, tiền gửi giao dịch của khách hàng tại các công ty chứng khoán lớn vào thời điểm cuối quý III/2024 đạt hơn 68.324 tỷ đồng (tính theo tỷ giá là gần 3 tỷ USD), tăng 21,7% so với số đầu năm, song giảm nhẹ 3,1% so với quý II/2024.

Nhiều nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi cơ hội để "xuống tiền"
Nhiều nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi cơ hội để "xuống tiền"

Điều này cho thấy lượng lớn tiền mặt của nhà đầu tư vẫn đang nằm trong các tài khoản chứng khoán, sẵn sàng giao dịch. Đây là diễn biến đáng chú ý trong bối cảnh thị trường chứng khoán đã trải qua quý III/2024 giao dịch với nhiều khó khăn. Theo đó trong suốt quý III, VN-Index đều nỗ lực hướng đến mốc 1.300 song bất thành, thậm chí có thời điểm còn rơi xuống dưới ngưỡng 1.200 điểm (phiên ngày 5/8) và có những phiên vượt qua ngưỡng 1.300 điểm (phiên ngày 27/9), để rồi khép lại quý III với mức 1.287,94 điểm, ghi nhận mức tăng 14% so với số đầu năm.

Ở một góc độ khác, số dư tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán tiếp tục tăng tỷ lệ thuận với việc tài khoản nhà đầu tư cá nhân mở mới tăng trưởng cao từ đầu năm tới nay. Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy tháng 9/2024 ghi nhận có tổng cộng 158.302 số tài khoản chứng khoán mở mới trong nước. Trong đó, số tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước tháng 9 vừa qua là 158.212 tài khoản. Số tài khoản giao dịch của nhà đầu tư tổ chức mở mới là 90 tài khoản.

Tính từ đầu năm, số tài khoản nhà đầu tư cá nhân mở mới là 1,57 triệu tài khoản. Trung bình mỗi tháng, nhà đầu tư cá nhân mở mới 174.000 tài khoản giao dịch chứng khoán. Như vậy, tổng lượng tài khoản giao dịch chứng khoán tại thị trường Việt Nam đến cuối tháng 9 đạt 8,86 triệu tài khoản chứng khoán. Con số này đưa chứng khoán Việt Nam đến gần mục tiêu đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030.

Do đó, việc số dư tiền gửi giao dịch của khách hàng tăng cao phần nào cho thấy thị trường kỳ vọng và chờ đợi vào sự bùng nổ của điểm số lẫn thanh khoản của VN-Index. Mặt khác, điều này cũng cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khi họ chưa sẵn sàng giải ngân vào thị trường.

Theo thống kê, Chứng khoán VPS – công ty có thị phần môi giới lớn nhất HoSE trong quý III/2024, tiếp tục là đơn vị ghi nhận số tiền gửi khách hàng lớn nhất đạt gần 22.854 tỷ đồng, tăng hơn 38,5% so với đầu năm, và cũng tăng 6,55% so với quý II/2024.

Xếp ở vị trí thứ 2 là Chứng khoán Kỹ Thương với con số đạt 8.007 tỷ đồng, tăng 38,65% so với cuối năm ngoái, song giảm đến 14,39% so với quý II/2024. Trong đó, tiền gửi của nhà đầu tư để giao dịch chứng khoán theo phương thức công ty chứng khoán quản lý là 5.271 tỷ đồng.

Xếp ở vị trí thứ 3 là VNDIRECT với tiền gửi khách hàng tăng từ mức 6.366 tỷ đồng hồi đầu năm lên 7.386 tỷ đồng vào cuối quý III, tương đương tăng hơn 16%. Còn so với quý II/2024, số dư tiền gửi tăng hơn 24%.

Ở góc nhìn của VNDIRECT, tỷ suất thu nhập trên giá (E/P) của VN-Index trong tháng 9/2024 giảm nhẹ 0,1 điểm %, xuống 7,3% khi VN-Index duy trì xu hướng phục hồi trong tháng 9. Bình quân lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng thương mại trong tháng 9/2024 giữ nguyên so với tháng trước ở mức khoảng 4,98%. Do đó, chênh lệch giữa tỷ suất thu nhập trên giá (E/P) của VN-Index với lãi suất tiền gửi 12 tháng bình quân của các ngân hàng thương mại vẫn duy trì ở mức cao so với mặt bằng chung lịch sử.

Theo Thời Báo Ngân Hàng