Cho thuê tài chính có cơ hội phát triển mới


Theo thống kê của Hiệp hội Cho thuê Tài chính Việt Nam (VILEA), tính đến hiện nay, cả nước có 10 doanh nghiệp cho thuê tài chính (CTTC) đang hoạt động (bao gồm: 3 doanh nghiệp nước ngoài, 6 doanh nghiệp trong nước và 1 doanh nghiệp liên doanh).

Giải pháp thuê máy móc thiết bị từ các doanh nghiệp CTTC được đánh giá phù hợp với điều kiện của các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay.
Giải pháp thuê máy móc thiết bị từ các doanh nghiệp CTTC được đánh giá phù hợp với điều kiện của các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay.

Tiềm năng lớn nhưng nhiều rào cản

Mặc dù tốc độ tăng trưởng dư nợ của các doanh nghiệp CTTC được ghi nhận tăng đều đặn các năm qua, tuy nhiên quy mô dư nợ toàn thị trường hiện chỉ đạt khoảng gần 40.000 tỷ đồng (tương đương 0,33% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tính đến cuối 2023). Bên cạnh đó, số doanh nghiệp sử dụng dịch vụ CTTC cũng chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 1% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động). Doanh số máy móc thiết bị được mua bán thông qua hình thức CTTC cũng chỉ chiếm khoảng 1% tổng nhập khẩu máy móc.

Hầu hết các chuyên gia và doanh nghiệp CTTC cho rằng, hiện nay mô hình CTTC phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thời gian qua, rào cản lớn nhất khiến thị trường CTTC chưa phát triển mạnh là vì hành lang pháp lý đối với lĩnh vực này vẫn chưa thật rõ ràng, cụ thể. Bên cạnh đó, hoạt động CTTC vấp phải những rào cản đến từ chính sách thuế phí. Đồng thời tâm lý nặng về sở hữu cũng khiến số lượng doanh nghiệp tìm đến dịch vụ CTTC không nhiều.

Ông Phạm Xuân Hòe - Tổng thư ký VILEA cho rằng, hiện nay các quy định về điều kiện gia nhập thị trường của các công ty CTTC khắt khe. Các doanh nghiệp muốn hoạt động phải đáp ứng điều kiện vốn điều lệ tối thiểu 150 tỷ đồng, trong khi đó bị giới hạn nhiều hoạt động trong lĩnh vực cấp vốn và huy động vốn. Chưa kể, thời gian qua, các quy định pháp luật chuyên ngành cũng tác động không nhỏ đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp CTTC.

Trông đợi các quy định cởi mở

Theo các công ty CTTC, thị trường lĩnh vực này tại Việt Nam hiện nay bắt đầu có sự cạnh tranh đến từ các tập đoàn nước ngoài. Theo đó, trên thị trường xuất hiện những doanh nghiệp ngoại sẵn sàng bán thiết bị trả chậm 3-5 năm cho doanh nghiệp Việt Nam. Các thiết bị này được gắn thiết bị kiểm soát để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của bên mua. Các doanh nghiệp cho rằng, việc bán trả chậm này không khác CTTC và nếu không đủ năng lực để cạnh tranh thì các công ty CTTC rất dễ mất thị phần vào tay các đơn vị nước ngoài.

Tuy nhiên, điều đáng mừng cho thị trường CTTC là hiện nay Luật Các TCTD 2024 đã tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp phát huy tiềm lực và mở rộng kinh doanh.

Cụ thể, từ tháng 7/2024 tới đây, khi Luật Các TCTD 2024 chính thức có hiệu lực, không gian hoạt động của các doanh nghiệp CTTC sẽ được nới rộng đáng kể. Theo đó, Khoản 3 Điều 115 và Khoản 3 Điều 120 Luật Các TCTD 2024 cho phép các công ty CTTC được thực hiện hoạt động cho vay nói chung, không giới hạn đối tượng vay, thay vì chỉ được cho vay bổ sung vốn lưu động đối với bên thuê tài chính.

Điều 123 Luật Các TCTD 2024 cũng cho phép công ty CTTC được thành lập, mua lại công ty con, công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực xử lý nợ sẽ khiến thị trường mua bán nợ phát triển mạnh và đa dạng hóa các kênh xử lý nợ xấu, nợ tồn đọng trên thị trường.

Ngoài ra, Luật Các TCTD 2024 (Điều 124) cũng cho phép các công ty CTTC được hoạt động trong lĩnh vực tư vấn về hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác quy định trong giấy phép. Việc này sẽ tạo ra điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp CTTC tham gia kết nối sâu hơn với cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ xử lý vướng mắc liên quan đến dòng tiền, tư vấn các phương án cơ cấu tài chính, phân bổ nợ vay, giảm bớt phụ thuộc vào nguồn tài trợ tín dụng từ các NHTM.

Đại diện VILEA cho rằng, bên cạnh những cởi mở thuận lợi về pháp lý thì Luật Các TCTD 2024 cũng bổ sung khá nhiều quy định quản lý chặt chẽ lĩnh vực này. Chẳng hạn, Khoản 2, Điều 126 quy định tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% và tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của TCTD phi ngân hàng.

Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp CTTC phải chủ động tăng vốn, tăng quy mô hoạt động mới có thể tận dụng hết những cởi mở pháp lý và tranh thủ cạnh tranh chiếm lĩnh thị phần khi các văn bản hướng dẫn Luật Các TCTD 2024 được Chính phủ, NHNN và các bộ, ngành ban hành trong thời gian tới.

Theo Thời Báo Ngân Hàng