Cho vay tiêu dùng hấp dẫn đại gia ngoại
Bằng nhiều cách khác nhau, các đại gia tài chính ngoại đang gia nhập thị trường cho vay tiêu dùng đầy béo bở tại Việt Nam.
Dư địa lớn thị trường tài chính tiêu dùng Việt
Theo số liệu từ NHNN, chỉ trong vòng 5 năm gần đây tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam đã tăng gần 5 lần về quy mô. Từ con số chỉ 230.000 tỷ đồng năm 2012, chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đã tăng lên đạt xấp xỉ 1,1 triệu tỷ đồng, chiếm 17%.
Tuy nhiên, con số này so với các thị trường khác trong khu vực vẫn còn tương đối hạn chế, như nhóm các nước ASEAN 5, hoạt động này chiếm tới 34% tổng dư nợ. Theo StoxPlus, chỉ có 18,5% người Việt vay tiêu dùng qua các tổ chức tín dụng trên tổng số 47% người tham gia vay tiền, điều này cho thấy quy mô tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn khá nhỏ.
Nhiều chuyên gia khẳng định, điểm khó nhất đối với các công ty tài chính (CTTC) là việc huy động nguồn vốn giá rẻ từ đó tạo tiền đề cho việc hạ lãi suất cho vay. Còn tồn tại điểm khó nhưng nhiều chuyên gia đều cho rằng thị trường tài chính tiêu dùng Việt sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong ít nhất 5 năm tới.
Theo số liệu từ NHNN, các NHTM và CTTC mới chỉ đáp ứng khoảng 1/4 nhu cầu vay tiêu dùng của người dân, phần lớn còn lại vẫn phải tìm đến tín dụng “đen”. Đơn vị này cũng cho hay hiện vẫn còn khoảng 60 triệu người ở các vùng nông thôn cần được hỗ trợ về tài chính.
Để đáp ứng được nguồn cung lớn như vậy, các CTTC rất cần nguồn lực mạnh từ các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó các nhà đầu tư ngoại cũng đã nhìn thấy tiềm năng của thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam và hàng loạt đại gia tài chính đã “lấn sân”. Họ lựa chọn nhiều con đường khác nhau để gia nhập thị trường Việt.
Trong khi NH Deutsche Bank và Lion Asia lựa chọn việc cung cấp vốn cho FE Credit hàng trăm triệu USD, nhiều nhà đầu tư khác lại chọn mua đứt một CTTC nào đó. Mới đây, Lotte Card đã chi hơn 1.700 tỷ đồng mua lại 100% vốn CTTC Techcombank; Shinhan Card cũng chi hơn 3.420 tỷ đồng mua lại CTTC Prudential Việt Nam để gia nhập thị trường Việt.
Hay như tại các công ty đang hoạt động trên thị trường đều có sự hiện diện của các cổ đông ngoại như Tập đoàn Credit Saison (Nhật Bản) sở hữu 49% vốn HD Saison của HDBank; Tập đoàn Shinsei (Nhật Bản) nắm giữ 49% vốn tại Mcredit của MBBank… Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB, khẳng định tại ĐHĐCĐ thường niên NH vừa qua về việc có nhiều đối tác nước ngoài đến đặt vấn đề đầu tư vào CTTC của NH.
Tiềm năng tài chính tiêu dùng được khẳng định
Tiềm năng tài chính tiêu dùng được khẳng định
Việc các đại gia tài chính nước ngoài liên tục nhảy vào thị trường vay tiêu dùng Việt cho thấy tiềm năng của thị trường này. Thực tế, các CTTC thời gian qua cũng là mỏ vàng đối với những ông chủ sở hữu. Tại VPBank, FE Credit luôn ví như “gà đẻ trứng vàng” khi nhiều năm liền đóng góp tới 50% lợi nhuận hợp nhất.
Trong 6 tháng gần nhất, công ty này cũng mang về tới 1.575 tỷ đồng lợi nhuận cho NH mẹ, tương đương 36% lợi nhuận hợp nhất. Đây cũng là lý do mà lãnh đạo VPBank nhiều lần khẳng định FE Credit không phải để bán. Trước đó, chính lãnh đạo NH đã xác nhận có nhiều nhà đầu tư từ châu Âu và Nhật Bản đặt vấn đề mua lại cổ phần tại CTTC này.
Hay như tại HD Saison, kể từ khi đi vào hoạt động đã đóng góp rất nhiều vào sự tăng trưởng của HDBank, dù nhà băng này chỉ sở hữu 50% lợi ích tại đây. Trong 6 tháng đầu năm 2018, HD Saison đã mang về cho HDBank tới 400 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 70% so với cùng kỳ, tương đương gần 20% tổng lợi nhuận hợp nhất.
Với 49% vốn sở hữu tại CTTC này, đại gia Credit Saison cũng thu về khoản lợi nhuận tương tự trong nửa năm qua. Còn tại Mcredit, dù mới chỉ đi vào hoạt động không lâu nhưng lãnh đạo MBBank đã khẳng định công ty đã có lãi ngay từ năm đầu tiên chỉ sau 6 tháng hoạt động với dư nợ cho vay khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Điều mà trước đó, không CTTC nào có lãi trong 2 năm đầu tiên hoạt động. Mục tiêu đến năm 2021, công ty sẽ có khoảng 5 triệu khách hàng, tổng tài sản trên 14.800 tỷ đồng.
Như vậy, thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đang còn rất tiềm năng. Không chỉ hấp dẫn nhiều nhà đầu tư trong nước mà còn thu hút rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài vốn được biết đến là các nhà đầu tư rất khó tính. Thị trường tài chính tiêu dùng đầy tiềm năng phát triển hứa hẹn mang đến một bức tranh sáng cho các nhà đầu tư và cho người tiêu dùng.