Cho vay tiêu dùng và cuộc chơi ngày càng khốc liệt

Theo thesaigontimes.vn

Thông tin VPBank có kế hoạch chuyển đổi hình thức pháp lý của công ty con là FE Credit, từ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sang công ty cổ phần, đã gây chú ý trên thị trường tài chính trong những ngày vừa qua.

 Cho vay tiêu dùng sẽ phải thay đổi cuộc chơi trong thời gian tới. Ảnh minh họa: FECredit
Cho vay tiêu dùng sẽ phải thay đổi cuộc chơi trong thời gian tới. Ảnh minh họa: FECredit

Đi lại con đường cũ

Có thể dễ dàng nhận thấy mục đích của việc cổ phần hóa FE Credit là nhằm mở đường cho việc bán vốn cho đối tác chiến lược hoặc niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, theo Nghị định 58/2012 quy định điều kiện niêm yết, nếu FE Credit kịp chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần (CTCP) trong năm nay thì sớm nhất đến năm 2021 doanh nghiệp này mới có thể niêm yết trên sàn Hnx hoặc năm 2022 để lên sàn Hose. Trong khi đó, công ty tài chính này cũng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm 5 tỉ đồng, từ 7.328 tỉ lên 7.333 tỉ đồng, theo đó làm giảm tỷ lệ sở hữu của VPBank tại đây xuống dưới mức 100%, nên trước mắt đang nghiêng về khả năng bán vốn nhiều hơn.

Thực tế trước đây VPBank từng lên kế hoạch bán 49% cổ phần của FE Credit cho nhà đầu tư nước ngoài, thậm chí đã tiến hành đàm phán với các đối tác Nhật Bản từ cuối năm 2016, nhưng sau đó VPBank đã thay đổi kế hoạch vào phút chót nhằm giữ lại “con gà đẻ trứng vàng” này để tạo sức hấp dẫn cho VPBank, khi ưu tiên cho ngân hàng mẹ tiến hành phát hành cổ phiếu riêng lẻ và niêm yết trên sàn chứng khoán trước.

Ban lãnh đạo của ngân hàng này khi đó lý giải, nếu VPBank bán bớt cổ

Trước FECredit, đã có HDSaison, MCredit lựa chọn kêu gọi, thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài để gia tăng nội lực tài chính và tận dụng kinh nghiệm của đối tác, khi hai tổ chức này đều có 49% vốn góp của cổ đông Nhật. Liệu thương vụ FE Credit sắp tới nếu thành công có mở đường cho làn sóng “bán mình” ở các công ty tài chính quay lại?

phần của FE Credit, sức hấp dẫn của ngân hàng với các nhà đầu tư ngoại sẽ giảm, do đó việc giữ lại 100% cổ phần của FE Credit chính là điều kiện để các nhà đầu tư ngoại đầu tư vào VPBank khi ngân hàng này tiến hành phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 8-2017, vì ai cũng hiểu rằng, mất sức ảnh hưởng tại FE Credit, VPBank sẽ mất con gà đẻ trứng vàng.

Giờ đây, sứ mệnh đó của FE Credit đã hoàn thành, VPBank đã trở thành một trong những doanh nghiệp IPO thành công nhất, thì việc khởi động lại lộ trình bán vốn tại FE Credit có thể đoán trước.

Tại sao là vào lúc này?

Đầu tiên là vì sức hấp dẫn của FE Credit hiện vẫn còn lớn khi công ty tài chính này vẫn đang dẫn đầu thị trường, lợi nhuận còn cao và chất lượng tín dụng không đến nỗi nào. Cụ thể, dư nợ cho vay của FE Credit đến cuối năm 2019 là 60.594 tỉ đồng, tăng trưởng gần 14% so với năm 2018 và nâng thị phần cho vay từ 53% lên 55%, thị phần cho vay qua thẻ tín dụng đến 95% trong số các công ty tài chính tiêu dùng, lãi trước thuế năm 2019 gần 4.500 tỉ đồng, xếp thứ 32 trong tốp 500 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2019.

Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là lợi nhuận của công ty này đang ngày càng chậm lại, không chỉ vì áp lực cạnh tranh mà mô hình kinh doanh đầy rủi ro này cũng ngày càng cho thấy nhiều vấn đề. Nếu như lợi nhuận năm 2017 tăng vọt 70% so với năm 2016, đóng góp lớn vào lợi nhuận của VPBank, giúp ngân hàng này IPO rất thành công trong thời điểm đó, thì năm 2018 lợi nhuận của FE Credit đột ngột giảm 2% đi cùng với nợ xấu tăng vọt, và năm 2019 vừa qua tuy có dấu hiệu phục hồi nhưng lợi nhuận cũng chỉ tăng nhẹ 9% so với năm 2018.

Điều đáng lưu ý là hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng nói chung và của FE Credit nói riêng có thể sẽ gặp nhiều thách thức, khó khăn hơn trong thời gian tới, khi tỷ lệ nợ xấu đối mặt với nguy cơ tăng cao trở lại, trong bối cảnh nền kinh tế giảm tốc. Đặc biệt, với dịch bệnh Covid-19 thì những khách hàng thuộc nhóm tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ, phân khúc khách hàng chính của FE Credit, có thể chịu thiệt hại lớn nhất, dẫn đến khả năng trả nợ cũng suy giảm. Thực tế sau năm 2018 nợ xấu tăng vọt, FE Credit đã phải mất chín tháng đầu năm 2019 để đưa tỷ lệ nợ xấu về lại mức có thể chấp nhận được, tuy nhiên đến quí 4-2019 tỷ lệ nợ xấu tại công ty này đã quay trở lại bằng với mức cuối năm 2018 là 6%.

Về mức độ cạnh tranh, cuộc chơi tài chính tiêu dùng rõ ràng đang ngày càng khốc liệt hơn nhiều khi các công ty khác liên tục gia tăng sức ép, các công ty nước ngoài liên tiếp đổ bộ thông qua thành lập mới hoặc mua lại, trong khi các ví điện tử phát triển mạnh cũng đang muốn lấn sân sang mảng cho vay tiêu dùng. Gần đây, công ty công nghệ Grab có trụ sở tại Singapore hợp tác với Công ty Viễn thông Singapore (Singtel) để xin giấy phép thành lập một ngân hàng số toàn diện. Grab đang đẩy phát triển ví điện tử Moca tại Việt Nam.

Ngoài ra, các nền tảng cho vay ngang hàng với những món vay nhỏ lẻ đã phát triển rất mạnh trong hai năm trở lại đây, cũng có thể trở thành những tay chơi đáng gờm trong thị trường này. Trong khi đó, dịch vụ Mobile Money đang sắp được triển khai vẫn là ẩn số, và không loại trừ khả năng cũng sẽ tấn công vào thị trường cho vay tiêu dùng, chứ không chỉ đơn thuần dừng lại ở lĩnh vực thanh toán.

Về góc độ quản lý, các công ty cho vay tiêu dùng đang dần bị kiểm soát gắt gao hơn, từ công tác giải ngân, thẩm định cho đến đòi nợ khách hàng. Đã qua rồi thời mặc sức cho vay, thẩm định dễ dãi, thiếu trách nhiệm và rồi dùng mọi biện pháp để đòi nợ theo kiểu “khủng bố”. Hoạt động của các công ty này hiện nay buộc phải theo lộ trình giảm dần tỷ lệ giải ngân bằng tiền mặt, công tác đòi nợ cũng đòi hỏi phải đáp ứng những quy định mới của NHNN theo Thông tư 18/2019/TT-NHNN. Thực tế FE Credit vẫn là công ty chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ Thông tư 18, vì cơ cấu danh mục cho vay tập trung nhiều vào các khoản vay tiền mặt, chiếm tỷ trọng lên đến 76%.

Ai sẽ là người mua?

Trước thực trạng trên, lựa chọn bán vốn vào lúc này có thể sẽ vẫn còn phù hợp và tối ưu. Ngoài ra, việc có thêm nhà đầu tư mới không chỉ gia tăng được nội lực tài chính để nâng sức cạnh tranh trong cuộc đua hiện nay, mà còn giúp VPBank phân tán bớt rủi ro cho một bên thứ ba, cũng như giúp giảm tải nguồn lực hiện hữu cho ngân hàng vốn đang phải san sẻ cho FE Credit.

Hiện tại vốn chủ sở hữu và các quỹ của FE Credit chỉ chiếm 18% trong nguồn vốn hoạt động, trong khi giấy tờ có giá chiếm đến 43%. Việc tăng vốn rõ ràng là cần thiết, tuy nhiên VPBank cũng không thể tự mình rót tiền để tăng thêm vốn cho công ty con, khi ngân hàng cũng có những quy định chặt chẽ về tỷ lệ góp vốn cho công ty con so với vốn tự có của ngân hàng, cũng như nếu lựa chọn tự mình tăng vốn sẽ ảnh hưởng lên hệ số CAR (tỷ lệ an toàn vốn) riêng lẻ của ngân hàng, vốn đã phải tuân theo chuẩn mực Basel 2 từ đầu năm nay. Ngược lại, nếu lựa chọn bán bớt cổ phần tại FE Credit, có thể giúp ngân hàng mẹ có đủ vốn để thực hiện các kế hoạch kinh doanh trong những năm tới.

Câu hỏi đặt ra là đối tác được lựa chọn sẽ là ai? Một tổ chức quốc tế trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng có lẽ là phù hợp nhất, vì có thể tận dụng được công nghệ, khả năng quản trị, giúp mô hình kinh doanh hoàn thiện hơn, kiểm soát rủi ro tốt hơn, triển khai thêm các sản phẩm mới đã có ở những thị trường phát triển. Có thể là đối tác Nhật Bản hoặc châu Âu đã từng đàm phán trước đây, hoặc cũng có thể là một đối tác hoàn toàn mới đang hứng thú với lĩnh vực này tại Việt Nam.

Trước FECredit, đã có HDSaison, MCredit lựa chọn kêu gọi, thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài để gia tăng nội lực tài chính và tận dụng kinh nghiệm của đối tác, khi hai tổ chức này đều có 49% vốn góp của cổ đông Nhật. Liệu thương vụ FE Credit sắp tới nếu thành công có mở đường cho làn sóng “bán mình” ở các công ty tài chính quay lại?

Theo đó, các công ty tài chính tiêu dùng còn lại trong nước cũng sẽ tìm cách gọi vốn đầu tư để đủ sức cạnh tranh cho cuộc chiến sắp tới, nhất là khi mảng cho vay tiêu dùng hiện nay đang chuyển dần từ các phương thức truyền thống sang tận dụng triệt để công nghệ, từ tìm kiếm khách hàng, phương thức tiếp thị, cho đến thẩm định trực tuyến qua mạng xã hội, chấm điểm khách hàng bằng các mô hình tận dụng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, rồi giải ngân trực tuyến vào tài khoản, ví điện tử, như cách mà các nền tảng cho vay ngang hàng, các công ty công nghệ tài chính (FinTech) đang làm thay đổi cuộc chơi này.