Cho vay tín chấp: Cũng phải chọn mặt gửi vàng

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Kết nối doanh nghiệp (DN) – ngân hàng với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền đang là mô hình tín chấp hiệu quả.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

DN nào được vay tín chấp?

Nghiệp vụ cho vay tín chấp với khách hàng, đặc biệt là khách hàng DN, đã được các ngân hàng ở nhiều nước trên thế giới áp dụng với đa số các khoản vay. Song, điểm đáng lưu ý là hệ thống ngân hàng ở những quốc gia đó phải có bề dày kinh nghiệm, tiềm lực tài chính lớn, năng lực quản trị tốt. Đồng thời, về phía các DN cũng phải hoạt động hiệu quả, sử dụng vốn đúng mục đích, báo cáo tài chính ở độ chuẩn xác cao. Cùng với đó, các khoản vay tín chấp ở ngân hàng đa phần là vay vốn lưu động với kỳ hạn chỉ từ 3 tháng đến 6 tháng, còn nhu cầu vốn dài hạn thường được các DN huy động từ thị trường vốn thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu.

Ở Việt Nam, trên thực tế vài năm trước các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng đã cho vay tín chấp nhưng đa phần áp dụng đối với khách hàng là các DNNN, các tập đoàn, tổng công ty và cũng với số lượng rất hạn chế. Song gần đây, theo Phó tổng giám đốc một NHTM cổ phần tại Hà Nội, trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chậm, tổng cầu của nền kinh tế xuống thấp, để giảm “tồn kho” vốn, các NHTM đã chú trọng nhiều hơn với cho vay tín chấp.

Mặc dù đây là nhu cầu của cả hai bên: các NHTM cần đẩy mạnh tăng trưởng tín, dụng, nhiều DN cũng cần vốn nhưng thiếu, hoặc không có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, các ngân hàng khá thận trọng trong việc “chọn mặt gửi vàng” theo hình thức tín chấp.Một chuyên viên thẩm định của NHTM cổ phần Quân đội (MB) cho biết, khi xem xét hồ sơ của DN muốn vay tín chấp, ngân hàng sẽ dựa trên rất nhiều tiêu chí. Trong đó, ngoài những con số trên báo cáo tài chính thì cảm nhận từ thực địa của người thẩm định cũng rất quan trọng.

Trước hết, DN đó phải sản xuất kinh doanh những loại hàng hóa đang có “chỗ đứng” và phù hợp thị hiếu trên thị trường; lịch sử hình thành và phát triển của DN phải rõ ràng, uy tín. Trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng luôn ưu tiên các ngành nghề kinh doanh như lĩnh vực kinh doanh dược phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi… Những DNNN vẫn giữ cổ phần chi phối cũng được đưa vào danh sách ưu tiên hơn khi cho vay tín chấp. Bên cạnh đó, năng lực, uy tín, tầm ảnh hưởng của cá nhân là lãnh đạo DN, công ty… và tất nhiên cả năng lực tài chính DN sẽ là các tiêu chí để ngân hàng xem xét trong cho vay tín chấp.

Một dữ liệu đặc biệt quan trọng để ngân hàng có thể cho khách hàng vay vốn là từ Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia (CIC) và bản thân mỗi NHTM cũng có hệ thống đánh giá tín nhiệm khách hàng. Với các DN có nhu cầu vay vốn, đa số được ngân hàng cung cấp hình thức cho vay trong hạn mức 12 tháng trở xuống.

Cần sự nỗ lực từ cả ngân hàng và DN

Thực tế, theo các NHTM, gọi là cho vay tín chấp nhưng phía DN cũng phải có chút ít thế chấp để có cơ sở “lòng tin”, cho dù giá trị của tài sản thế chấp này chỉ chiếm từ 15% - 20% khoản vay. “DN lớn có khi vay tín chấp tới 100 tỷ đồng, nhưng tài sản đảm bảo chỉ 10 tỷ đồng. Như vậy là đã được ngân hàng cho vay tín chấp tới 80% giá trị khoản vay. Với DN được vay tín chấp hoàn toàn thì phải có bảo lãnh của công ty mẹ” – một cán bộ thẩm định chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn với phóng viên.

Giám đốc chi nhánh của Agribank tại một tỉnh phía Bắc cho biết, chi nhánh có tới 70% các khoản vay là cho vay tín chấp, không có tài sản đảm bảo. Kể cả các DN lớn, khi cho vay thì tài sản đảm bảo chiếm chỉ 50% giá trị khoản vay chứ không bắt buộc các DN có tài sản đảm bảo có giá trị ngang bằng với khoản vay. Thông thường, các DN được vay tín chấp phải có quan hệ khách hàng với ngân hàng trong nhiều năm. Có như vậy thì ngân hàng mới có đủ số liệu theo thời gian làm dữ liệu để “chấm điểm” khách hàng trên nhiều mặt chứ không chỉ là các con số trong bản báo cáo tài chính của một giai đoạn ngắn trước đó.

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của DN, mới đây, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động tiếp cận với các khách hàng có nhu cầu vay vốn để tư vấn, hỗ trợ về việc hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ vay vốn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng; ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với các dự án trọng điểm, dự án lớn có hiệu quả và các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và quy định của pháp luật.

Đồng thời, NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm, hoạt động của khách hàng để nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay nhằm tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, đơn giản hóa thủ tục cho vay…

Theo nhận định của TS. Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, chỉ đạo trên của NHNN là phù hợp để tiếp tục hỗ trợ DN, khai thông tín dụng. “Thông tin tôi có được thì hiện nay có tới 1/3 trong tổng số DN của cả nước có thể phục hồi nhưng đang khó về tín dụng hoặc vướng nợ”, ông Lịch chia sẻ và nhấn mạnh thêm: chính Chương trình kết nối DN – ngân hàng, cùng với sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương, đang là mô hình thích hợp, tạo điều kiện cho DN được vay tín chấp có hiệu quả, vì thế cần phát huy, nhân rộng mô hình này. ngân hàng nên xét từng trường hợp DN, nhất là trong cho vay tín chấp, cơ cấu lại khoản vay có lãi suất cao với những khách hàng có khả năng trả nợ, sử dụng đúng mục đích vốn vay.

“Song, ngân hàng cũng phải giám sát được đường đi, ngả rẽ của dòng tiền thì mới bớt lo phát sinh nợ xấu”, ông Lịch nói thêm.