Cho vay tín chấp: Một lối thoát cho doanh nghiệp

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Đó là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế về chính sách cho vay tín chấp vừa được triển khai. Song, vấn đề đặt ra ở đây chính là những tiêu chí lựa chọn khách hàng để vay tín chấp, sao cho đúng là "chọn mặt gửi vàng”.

Vay tín chấp đòi hỏi DN phải có "sức khỏe” ổn định. Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Vay tín chấp đòi hỏi DN phải có "sức khỏe” ổn định. Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nửa năm trôi qua, tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 3,52%. Đây được xem là mức tăng trưởng thấp so với mục tiêu đề ra của cả năm 2014 là 12-14%. Mong muốn đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng tin dụng lên cao hơn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản yêu cầu hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) nới lỏng tín dụng bằng cách xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp (DN). Điều kiện mà DN có thể vay tín chấp dự vào tiêu chí đánh giá dòng tiền và hiệu quả của các dự án.

Trước chính sách mới về việc vay vốn hầu hết DN cho rằng, vay tín chấp là lối thoát cho DN trong tình trạng bế tắc về nguồn vốn. Bởi vì, hiện nay nhiều DN hoạt động tốt (có thị trường, có khách hàng) nhưng bị thiếu thanh khoản trong khi nhà ở và nhà xưởng chỉ có 1-2 cái tất cả đã đem đi cầm cố. "DN kiến nghị nhà nước nên áp dụng vay tín chấp từ 10 năm rồi nhưng giờ chính sách này mới lộ diện. Đây là tín hiệu vui đối với các DN đang "mắc cạn”. Ngân hàng có thể lấy tín nhiệm đối với DN dựa vào doanh thu, nguyên liệu, lương nhân công… DN đang trông chờ vào bước triển khai của hệ thống NHTM”, ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Nam Thái Sơn khẳng định

Nói về vay tín chấp, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho rằng, sau 2 năm triển khai chương trình kết nối ngân hàng và DN trên địa bàn thành phố với số vay tín chấp chiếm 17-18% trên tổng hạn mức cho vay. Đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào nợ quá hạn từ chương trình. Như vậy có thể thấy rằng, không có nợ xấu xuất hiện từ vay tín chấp. Điều này cũng đồng nghĩa, vay vốn tín chấp chỉ rộng cửa đối với những DN truyền thống, thường xuyên cả những DN lớn. Mặc dù được nhiều ý kiến đánh giá cao phương thức vay tín chấp song không ít ngân hàng cũng bày tỏ quan ngại.

Theo ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), đây là phương án tiềm ẩn nhiều rủi ro vì muốn tăng tính đảm bảo của chất lượng tín dụng nhiều ngân hàng thực hiện khá gắt gao với tài sản thế chấp. Đối với những khoản vay có thế chấp chi phí trích lập dự phòng rủi ro cũng giảm đi. Ông Dũng cho rằng, có thể hôm nay DN hoạt động tốt, dòng tiền ổn định. Nhưng ngày mai nguy cơ lỗ, thất thoát, phá sản lại xảy ra. Khi DN mấp mé bờ vực phá sản rồi chắc chắn ngân hàng sẽ trắng tay.

Từ những ý kiến trái chiều của bên cho vay và được vay, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho hay, đây là phương thức tín dụng thông thường nhưng không dễ triển khai vì điều kiện vay tín chấp rất ngặt nghèo. Vay tín chấp đòi hỏi DN phải có "sức khỏe” ổn định, cụ thể: thanh khoản tốt, thị trường rộng, thị phần cao, khả năng sinh lời lớn… Song song đó, DN cần đảm bảo báo cáo tài chính minh bạch 2 - 3 năm, đòn bẩy tài chính khả quan, tín nhiệm cao, đảm bảo trả được nợ… Theo ông Hiếu, DN xuất khẩu và DN kinh doanh lớn sẽ có nhiều cơ hội hơn, DN vừa và nhỏ thường không đủ độ tin cậy. "Chính vì dựa vào khách hàng truyền thống và thường xuyên nên cho DN vay tín chấp thì mức độ rủi ro thấp hơn”, ông Hiếu nhận định.

Để phương án vay tín chấp đạt hiệu quả cao, đồng thời tránh tác động thêm vào nợ xấu, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam cho rằng, ngân hàng phải chọn lọc kỹ lưỡng, kiểm tra chặt chẽ. Nếu hời hợt trong việc cho vay tín chấp rất nguy hiểm vì không những ảnh hưởng đến độ an toàn của thanh khoản mà còn ảnh hưởng đến nợ xấu.

Vẫn theo ông Hiếu, thời gian tới NHNN nên đưa ra những quy định cụ thể về báo cáo tài chính, chỉ số thành khoảng, tỷ lệ sinh lời, đòn bẩy tài chính… Vay tín chấp là lối thoát cho DN nhưng để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm 2014 hoàn toàn không đơn giản. "Vay tín chấp phần nào đó đưa được số lượng nhỏ đồng tiền đi vào sản xuất. Tức là, chỉ gia tăng thêm cho tăng trưởng tín dụng chứ không thể hoàn toàn bù đắp và đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng lên mức 12-14% như mục tiêu của năm 2014”, ông Cao Sỹ Kiêm nhận định.