Chống chuyển giá: Cần cả năng lực và quyền lực
Coca Cola Vietnam, Adidas Vietnam, Keanganam-Vina là những doanh nghiệp FDI mà cơ quan chức năng nghi ngờ có dấu hiệu chuyển giá gây thất thu ngân sách nhà nước. Theo các chuyên gia kinh tế, giải pháp để ngăn chặn hiện tượng trên là không dễ dàng.
Ông Nguyễn Quang Tiến - Vụ trưởng, Phó trưởng ban Cải cách và Hiện đại hóa Tổng cục Thuế
Tính đến ngày 20/12/2012, số doanh nghiệp FDI do ngành Thuế quản lý là hơn 11.110 đơn vị. Cụ thể, tỷ trọng đóng góp trong tổng thu ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp FDI các năm gần đây như sau: năm 2008 là 10,2%; năm 2009 là 11,5%; năm 2010 là 11,2%.
Trong khi đó, hiện nay, khối doanh nghiệp nhà nước có khoảng 7.400 doanh nghiệp với tỷ lệ đóng góp cho ngân sách nhà nước tương ứng trong các năm như trên lần là 16,7%; 19% và 20%. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên một phần là do các doanh nghiệp FDI được áp dụng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp khi mới đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp FDI sử dụng hình thức chuyển giá khi hết thời hạn ưu đãi đầu tư để trốn tránh nghĩa vụ thuế.
Doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam thường dùng hình thức chuyển giá nào thưa ông?
Kết quả điều tra, khảo sát cho thấy, các hành vi chuyển giá đã và đang được doanh nghiệp FDI thực hiện tại Việt Nam như nâng khống giá trị hàng hóa, dịch vụ đầu vào; giảm giá trị đầu ra của hàng hóa, dịch vụ hoặc tạo ra tính đặc thù của sản phẩm hàng hóa hay đặc thù của giao dịch liên kết để tránh sự điều tra và so sánh của cơ quan chức năng.
Điểm chung nhất của các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá tại Việt Nam gần đây là khai lỗ liên tục trong nhiều năm nhưng vẫn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và phát sinh giao dịch với doanh nghiệp liên kết tại nước ngoài với số lượng hoặc giá trị giao dịch lớn.
Vậy theo ông, việc chứng minh doanh nghiệp FDI chuyển giá ở Việt Nam vướng ở đâu?
Quản lý chuyển giá là lĩnh vực khó, đòi hỏi người thực hiện ngoài việc nắm vững nghiệp vụ chuyên môn cần kỹ năng và quyền lực để thực thi nhiệm vụ. Đến nay, ngành Thuế chưa được trao quyền điều tra nên khó thực hiện quản lý hoạt động chuyển giá có hiệu quả.
Ngoài ra, quy định về khung lợi nhuận hợp lý theo từng ngành kinh tế chưa được xây dựng nên doanh nghiệp khó có thể xác định chính sách giá một cách hợp lý. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác quản lý hoạt động chuyển giá của doanh nghiệp liên kết chưa chặt chẽ và hiệu quả.
Đặc biệt, việc trao đổi và cung cấp thông tin giữa cơ quan Thuế Việt Nam và cơ quan Thuế các nước khác còn hạn chế bởi mục tiêu bảo vệ quyền đánh thuế của quốc gia mình. Do vậy, khả năng tìm được thỏa thuận chung giữa cơ quan Thuế Việt Nam và các nước khác là rất thấp.
Vì vậy, vấn đề tìm kiếm, xác định giá thị trường rất khó khăn. Trong khi đó, các nước đều đang có xu hướng thu hút đầu tư, việc nhượng bộ sẽ mất lợi thế cạnh tranh...
Trước thực trạng này, ngành Thuế đã, đang và sẽ có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng chuyển giá của doanh nghiệp FDI?
Tạo môi trường đầu tư lành mạnh, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là mục tiêu lâu dài của nước ta. Với những bài học rút ra từ giai đoạn trước, trong giai đoạn này, ngành Thuế đã nghiên cứu, tìm giải pháp để quản lý, hạn chế đến mức tối đa việc doanh nghiệp lợi dụng chuyển giá để tránh thuế trong đó chú trọng đến vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu.
Ngành Thuế sẽ bố trí kinh phí để mua dữ liệu từ tổ chức bên ngoài đặc biệt là nguồn dữ liệu liên quan đến công ty mẹ. Hiện nay, hệ thống thông tin dữ liệu về người nộp thuế đã tích hợp tương đối đầy đủ các thông tin về đăng ký thuế như: tên người nộp thuế, mã số thuế, địa chỉ, ngành nghề sản xuất kinh doanh…
Tuy nhiên, Tổng cục Thuế đang nghiên cứu để bổ sung thêm các thông tin, xây dựng ứng dụng phục vụ cho việc phân tích rủi ro, thanh tra giá chuyển nhượng.
Ngoài ra, thời gian tới, ngành Thuế sẽ tập trung thanh, kiểm tra giá chuyển nhượng đối với các tập đoàn có nhiều doanh nghiệp thành viên, ngành nghề có dấu hiệu rủi ro lớn về thuế trong đó, ngành chú trọng thanh, kiểm tra các hệ thống phân phối nhập khẩu độc quyền hàng hóa, độc quyền bán hàng tại thị trường Việt Nam mà nguồn cung cấp nguyên liệu hoàn toàn từ công ty liên kết ở nước ngoài...
Vấn đề hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá cũng sẽ được chú trọng. Luật sửa đổi bổ sung Luật quản lý thuế được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012 đã bổ sung cơ chế thỏa thuận trước phương pháp xác định giá giữa cơ quan thuế với doanh nghiệp để đảm bảo kiểm soát được hoạt động chuyển giá.
Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ chủ trì, nghiên cứu và dự thảo hướng dẫn thực hiện cơ chế này để sớm đưa vào thực hiện tại Việt Nam. Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục nghiên cứu một số nội dung có liên quan để đề xuất cấp trên sửa đổi, bổ sung chính sách đảm bảo hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện như nghiên cứu về thời hạn thanh tra đối với hoạt động chuyển giá để đảm bảo phù hợp với tính chất phức tạp của hoạt động này, hoặc nghiên cứu để bổ sung quyền điều tra cho cơ quan thuế, chế tài xử phạt...
Tổng cục Thuế cũng chú trọng đến việc tăng cường trao đổi thông tin với các tổ chức nước ngoài phục vụ việc phân tích rủi ro và thanh tra giá chuyển nhượng. Tổng cục đang hợp tác với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam (EU), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), JICA, WB... để thực hiện chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho Tổ quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá của Tổng cục Thuế và cán bộ Cục Thuế trực tiếp tham gia quản lý giá chuyển nhượng.