Chống “xói mòn” cơ sở thu thuế và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài
Đó là nội dung Hội thảo Kế hoạch hành động chống các hành vi làm xói mòn cơ sở thu thuế và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (BEPS) - thực tiễn quốc tế và phương hướng triển khai tại Việt Nam được Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng thế giới và OECD tổ chức sáng ngày 7/7.
Sự chủ động của Việt Nam
Hiện nay, hầu hết các nước phát triển và nước đang phát triển đều có mối quan tâm chung là làm thế nào để chống "xói mòn" nguồn thu thuế và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (BEPS). Tại các nước đang phát triển như Việt Nam, số thuế thu bị mất do BEPS sẽ tác động lớn đến ngân sách. Theo thống kê của OECD, mỗi năm số thu thuế bị mất do BEPS vào khoảng 100-240 tỷ USD, tương đương 4-10% số thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo.
Trước tình trạng đó, trong nhiều năm qua, Việt Nam cũng đã có nhiều bước tiến quan trọng trong hoàn thiện chính sách pháp luật thuế nhằm đảm bảo thu hút nguồn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh hội nhập cũng như đảm bảo nguồn thu vững chắc để phát triển đất nước. Đặc biệt, hệ thống thuế của Việt Nam đã từng bước được cải cách, hiện đại hóa nhằm đáp ứng các đòi hỏi của nền kinh tế, thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp và ngày càng phù hợp với các thông lệ quốc tế.
Theo thống kê từ Tổng cục Thuế, kể từ hiệp định thuế đầu tiên năm 1992, đến nay Việt Nam đã ký kết 74 hiệp định tránh đánh thuế hai lần với các nước, trong đó 66 hiệp định đã có hiệu lực. Cùng với Hiệp định bảo hộ đầu tư, tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, WTO và ký kết hiệp định tự do hóa thương mại (FTA), hiện Việt Nam đang là điểm đến của đầu tư quốc tế với 21.000 dự án và vốn đầu tư trên 288,5 tỷ USD. Với TPP, EU và các FTA mới hiện nay, Việt Nam chuẩn bị đón nhận dòng vốn đầu tư mới cho phát triển kinh tế và cũng là nguồn thu ngân sách bền vững trong tương lai.
Để chủ động phòng tránh BEPS, Việt Nam đã có các biện pháp tương đối mạnh được áp dụng trong Thông tư 205 để làm chủ, xử lý việc lạm dụng hiệp định thuế của Việt Nam với các nước. Ngay từ năm 2015, Tổng cục Thuế đã phối hợp với các chuyên gia quốc tế rà soát sơ bộ các nội dung trong chương trình hành động BEPS và đã xác định được 4 vấn đề có rủi ro cao về BEPS và cấp bách nhất đối với Việt Nam. Theo đó, Tổng cục Thuế đã thành lập ban chỉ đạo và 3 tổ công tác tập trung nghiên cứu cơ chế chính sách trong nước theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, các quy định về chuyển nhượng và hiệp định thuế, hợp tác hành chính thuế theo hiệp định thế hệ mới của OECD và UN.
Tại Hội thảo, các chuyên gia quốc tế đều ghi nhận sự tiến bộ và đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong cải cách hệ thống thuế thời gian qua. Ông Diego - đại diện của OECD cho biết, từ năm 2011 trở lại đây, Tổng cục Thuế và OECD cùng các tổ chức khác đã giải quyết nhiều vấn đề quan trọng như giá chuyển nhượng lợi nhuận và BEPS. Qua đó có thể thấy Việt Nam đã rất quan tâm đến BEPS ngay cả trước khi OECD và G20 thông qua gói kế hoạch hành động BEPS cuối năm 2015. Mục tiêu triển khai kế hoạch BEPS tại Việt Nam nhằm giúp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, đảm bảo rằng không xảy ra những vấn đề liên quan tới tránh đánh thuế 2 lần.
Cần những bước đi cụ thể
Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế cũng như Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xác định các ưu tiên, phương hướng và lộ trình triển khai thực hiện kế hoạch hành động BEPS tại Việt Nam. Trong đó, có việc đánh giá lợi ích và tính khả thi đối với việc thực hiện bộ tiêu chuẩn tối thiểu của BEPS để tham gia diễn đàn hợp tác và cơ chế đàm phán đa phương về các quy định hiệp định thuế thế hệ mới, diễn đàn trao đổi thông tin, diễn đàn hợp tác xử lý tranh chấp giữa ngành thuế với các nước.
Toàn cảnh Hội thảo.
Đặc biệt, để chuẩn bị cho việc thực hiện Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP và các FTA thế hệ mới như FTA Việt Nam - EU, tiếp nhận nguồn đầu tư mới từ nước ngoài hỗ trợ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Đồng thời, tiến hành rà soát, bổ sung, sửa đổi pháp luật và cơ chế quản lý, từng bước đưa các chuẩn mực và thông lệ quản lý quốc tế vào áp dụng tại Việt Nam. Trong đó, chính sách pháp luật thuế là một nội dung quan trọng, nhằm tận dụng và phát huy có hiệu quả các lợi thế của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới, tiếp tục duy trì Việt Nam là trọng điểm đến đầu tư trong khu vực đối với các công ty đa quốc gia.
Bàn về vấn đề này, ông Michael Lennard - Trưởng bộ phận Hợp tác quốc tế về thuế, kinh tế xã hội của Liên hợp quốc cho rằng, trong quá trình triển khai BEPS, Việt Nam cần thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo ra việc làm, thu nhập nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, ông Michael Lennard cũng nhấn mạnh, một số ưu tiên phát triển sẽ không thể đạt được nếu chỉ dựa vào nguồn đầu tư nước ngoài như giáo dục, y tế... Vì vậy, Việt Nam cần quản lý chính sách thuế một cách chặt chẽ hơn để vừa đẩy mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh trong khu vực và thế giới nhưng cũng đảm bảo nguồn thu vững chắc để phát triển đất nước.
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai kế hoạch hành động BEPS, bà Choy Har Kok- Phó Vụ trưởng Vụ Doanh nghiệp đa quốc gia, Cơ quan thuế Malaysia cho hay, Malaysia ủng hộ nguyên tắc cơ bản của BEPS, nghĩa là lợi nhuận phải bị đánh thuế tại nơi mà hoạt động kinh tế thực sự diễn ra và nơi giá trị được tạo lập; đồng thời tối thiểu hóa, ngăn chặn tình trạng đánh thuế tại quốc gia bị chuyển lợi nhuận. Theo đó, sẽ có 15 hành động được ưu tiên kiểm soát bao gồm: nền kinh tế kỹ thuật số; giới hạn các khoản thanh toán tiền lãi vay vượt mức; lợi dụng hiệp định; tránh sự hiện diện của cơ sở thu thuế; tài sản vô hình; rủi ro và vốn; các giao dịch có rủi ro cao; hồ sơ giá chuyển nhượng; giải quyết tranh chấp và công cụ BEPS đa phương.