Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc:
Chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ tài chính thì mới được giao đất
Phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ về Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), chiều 19/6/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề xuất, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu quy định khi chủ đầu tư nộp tiền vào ngân sách, thực hiện nghĩa vụ tài chính thì mới được giao đất.
Giải pháp “tiền trao, cháo múc”
Nêu ý kiến tại tổ về Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị, phải nghiên cứu quy định năng lực tài chính đối với các chủ đầu tư được cấp phép các dự án kinh doanh bất động sản, đảm bảo họ đủ năng lực tài chính triển khai dự án, làm dự án đúng tiến độ, yêu cầu.
Theo Bộ trưởng, thực tế vừa qua, đã có hàng chục ngàn người dân không được cấp sổ đỏ do chủ đầu tư nợ tiền ngân sách. Theo quy định của Luật Đất đai, sau khi giao đất cho doanh nghiệp mới xác định tiền sử dụng đất, nếu doanh nghiệp không nộp được đúng hạn thì xử phạt chậm nộp.
Tuy nhiên, mức tiền phạt lại thấp hơn lãi suất ngân hàng, do đó nhiều doanh nghiệp đã bán nhà trước, thu tiền của dân rồi dùng tiền đó vào mục đích khác mà không nộp tiền vào ngân sách, khiến người dân không được làm sổ đỏ, gây tình trạng khiếu kiện, bất ổn.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị cần thiết kế quy định chặt chẽ để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính đúng thời hạn, vì nếu không, tình trạng này rất khó được giải quyết. “Doanh nghiệp vi phạm thì bị bắt đi tù nhưng hàng chục ngàn sổ đỏ của người dân ai giải quyết?”, Bộ trưởng bày tỏ.
Bộ trưởng nhấn mạnh giải pháp là phải “tiền trao, cháo múc”, khi chủ đầu tư nộp tiền vào ngân sách, thực hiện nghĩa vụ tài chính thì mới được giao đất.
Nhất trí với quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh cho biết, phản ánh thực tế từ chính gia đình ông, đó là mua nhà hình thành trong tương lai, từ khi công trình mới đào móng và có bản vẽ thì người mua đã phải chuyển tiền, nhưng chủ đầu tư lại giao nhà chậm hoặc bàn giao nhà không đúng cam kết, không bảo đảm hạ tầng văn hoá - xã hội giống như cam kết, quy hoạch.
Thậm chí, người mua nhà về ở 3 - 5 năm vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, do chủ đầu tư chưa đủ cơ sở pháp lý, hoặc đã đem tài sản đi thế chấp ngân hàng.
“Đây là vấn đề bức xúc cho người dân nên cần ban hành quy định chi tiết cụ thể về trách nhiệm nhà đầu tư, cơ quan quản lý Nhà nước khi cấp phép xây dựng. Cùng với đó, cần quan tâm bảo vệ người mua nhà tránh rủi ro trong trường hợp nộp tiền trước”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu.
Nhà nước phê duyệt giá nhà ở xã hội để bảo vệ quyền lợi người mua nhà
Trước đó, cũng tại phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã nêu một số ý kiến đóp góp cho dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Theo đó, Bộ trưởng đề nghị bỏ nội dung quy định tại Khoản 3, Điều 8 của Dự thảo luật này về việc dành một tỷ lệ nhất định tiền sử dụng đất thu từ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để thực hiện công tác đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, nội dung này không thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công. Bộ trưởng khẳng định: “Tiền sử dụng đất phải được nộp vào ngân sách và bố trí chi theo dự toán được duyệt.”
Góp ý nội dung liên quan đến một số quy định về tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, nên quy định cụ thể chỉ miễn tiền sử dụng đất với phần đất xây dựng nhà chung cư cũ, còn đối với các phần khác trong cả khu đất theo quy hoạch thì không nên được miễn.
Về tài chính phát triển nhà ở, theo Bộ trưởng, do có rất nhiều nguồn nên cần rà soát lại toàn bộ nguồn vốn để thống nhất các luật khác, giao Chính phủ hướng dẫn thực hiện.
Đáng chú ý, góp ý liên quan đến giá nhà ở xã hội, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, có một số ý kiến cho rằng nhà ở xã hội do Nhà nước xây dựng phải được duyệt giá, còn nếu do tư nhân làm thì không phải duyệt giá. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, cả hai loại nhà ở xã hội này đều cần được duyệt giá, bởi Nhà nước không thu tiền sử dụng đất với nhà ở xã hội, đối tượng được mua nhà ở xã hội là đối tượng yếu thế và có những điều kiện ràng buộc kèm theo.
“Không thể để doanh nghiệp tính tiền sử dụng đất vào giá bán, hưởng chênh lệch địa tô lớn. Muốn vậy, cần thiết phải phê duyệt giá để bảo vệ quyền lợi cho người mua nhà, dù nhà do Nhà nước hay tư nhân xây dựng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.