Chủ động quản lý, cơ cấu lại nợ công, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia


Theo Báo cáo về công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2019, triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 của Bộ Tài chính, năm 2019 Bộ Tài chính đã tiếp tục cơ cấu một bước nợ công, giảm chi phí nợ công. Nhờ đó, nợ công giảm còn 56,1% so với mức 63,7% cuối năm 2016.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cụ thể, trong năm 2019, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quản lý nợ trung hạn 3 năm giai đoạn 2019 - 2021, kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2019.

Đồng thời, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai kế hoạch hành động của ngành Tài chính thực hiện các chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững theo Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 19/6/2017 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW.

Bộ Tài chính cũng đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ theo nguyên tắc vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường. Chỉ phát hành TPCP với kỳ hạn từ 5 năm trở lên (bao gồm kỳ hạn dài 20-30 năm).

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã kiểm soát chặt chẽ, phấn đấu giảm bội chi NSNN thấp hơn mức Quốc hội quyết định; tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát bội chi và vay nợ của ngân sách địa phương; siết chặt quản lý vay và bảo lãnh Chính phủ, góp phần giảm nợ công.

Tính đến cuối năm 2019, dư nợ công dưới 55%GDP, nợ Chính phủ dưới 48,5%GDP (trong đó: nợ trong nước chiếm 62,3%, nợ ngoài nước chiếm 37,7%), nợ nước ngoài quốc gia khoảng 45,8%GDP, qua đó góp phần đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Đảm bảo nằm trong giới hạn được Quốc hội cho phép.

Đến nay, nợ trong nước chủ yếu là các khoản trái phiếu chính phủ đã được cải thiện về kỳ hạn, chi phí huy động, cơ cấu nhà đầu tư. Kỳ hạn còn lại của danh mục nợ trái phiếu chính phủ đạt 7,4 năm, cao hơn 1,4 năm so với năm 2016; lãi suất phát hành bình quân giảm từ 6,7%/năm năm 2016 xuống còn 4,5%/năm. Nợ nước ngoài chủ yếu vẫn là các khoản vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ song phương và đa phương với kỳ hạn vay dài, lãi suất ưu đãi.

Như vậy, đến cuối năm 2019, các chỉ tiêu nợ so với GDP duy trì trong các ngưỡng an toàn được Quốc hội cho phép và tiếp tục xu hướng giảm của năm 2018, chủ yếu do tình hình cân đối NSNN diễn biến thuận lợi, qua đó giảm nhu cầu huy động vốn của Chính phủ để bù đắp bội chi cho đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, tiếp tục siết chặt bảo lãnh chính phủ cho doanh nghiệp vay và mức bảo lãnh phát hành cho Ngân hàng Phát triển thấp hơn nợ gốc đến hạn, dẫn đến dư nợ chính phủ bảo lãnh tiếp tục giảm trong năm 2019.

Đối với vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, Bộ Tài chính đã chủ động rà soát, định kỳ công khai đầy đủ và kịp thời các thông tin về khung điều kiện vay ODA, vay ưu đãi của nhà tài trợ, điều kiện cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi, khả năng vay nợ của chính quyền địa phương,... làm cơ sở để các bộ ngành, địa phương, chủ dự án và các doanh nghiệp đề xuất dự án mới.

Bộ Tài chính cũng thường xuyên giám sát hạn mức vay ODA và vay ưu đãi cho đầu tư phát triển cho giai đoạn trung hạn 2016-2020 theo Nghị quyết của Quốc hội; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những rủi ro có thể ảnh hưởng làm tăng hạn mức và ảnh hưởng đến cân đối NSNN trong trung hạn.

Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công năm 2019 và chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2019-2021 nhằm đánh giá toàn diện các yếu tố chi phí-rủi ro của danh mục nợ, giám sát chặt chẽ công tác huy động, sử dụng vốn vay nợ công theo kế hoạch và các hạn mức được duyệt.

Công tác huy động vốn vay và trả nợ của chính quyền địa phương bám sát hạn mức được phê duyệt, một số địa phương chủ động cắt giảm chi cân đối ngân sách địa phương để dành nguồn trả nợ gốc. Dự kiến năm 2019, ngân sách địa phương không phát sinh bội chi do các địa phương huy động vốn vay chưa đủ theo dự toán (chủ yếu do vướng mắc trong giải ngân vốn vay lại, khó khăn trong phát hành trái phiếu chính quyền địa phương ); đồng thời, các địa phương chủ động cắt giảm chi cân đối ngân sách địa phương để trả nợ gốc (tăng bội thu).

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá cao việc triển khai hiệu quả cam kết củng cố tài khóa và biện pháp tái cơ cấu, kiểm soát chặt chẽ nợ công của Chính phủ Việt Nam.  Theo đó, “nợ công và nợ nước ngoài của Việt Nam hiện ở mức bền vững”, đây là yếu tố góp phần quan trọng để các tổ chức xếp hạng quốc tế liên tục nâng hạng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong thời gian gần đây.