Nợ công năm 2019 dự kiến chỉ khoảng 57,4% GDP


Theo Bộ Tài chính, chỉ tiêu nợ công năm 2019 dự kiến khoảng 57,4% GDP, đảm bảo và thấp hơn mức giới hạn được Quốc hội cho phép, đạt mục tiêu Chính phủ đề ra từ đầu năm.

Dự kiến chỉ tiêu nợ công năm 2019 khoảng 57,4% GDP. Nguồn: internet
Dự kiến chỉ tiêu nợ công năm 2019 khoảng 57,4% GDP. Nguồn: internet

Cơ cấu danh mục nợ theo hướng bền vững

Với vai trò là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, thời gian qua, Bộ Tài chính đã thực hiện tốt mục tiêu quản lý nợ công và nhiệm vụ huy động vốn vay, trả nợ theo đúng Nghị quyết của Quốc hội với chi phí thấp gắn liền với mức độ rủi ro hợp lý cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu trong nước.

Công tác trả nợ được tổ chức thực hiện chặt chẽ, đảm bảo đầy đủ, đúng hạn theo cam kết, giữ uy tín của Chính phủ. Thực hiện điều chỉnh cơ cấu và khối lượng vay phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn cũng như điều kiện thị trường.

Tốc độ gia tăng quy mô nợ công đã từng bước được kiểm soát, giảm từ mức 18,1%/năm giai đoạn 2011-2015 xuống còn 8,2%/năm trong giai đoạn 2016-2018.

Danh mục nợ công được cơ cấu theo hướng bền vững. Theo đó, cơ cấu nợ Chính phủ có chuyển biến khả quan, huy động vốn vay trong nước tiếp tục đóng vai trò chủ đạo. Trong cơ cấu nợ Chính phủ, ước tính đến cuối năm 2019, tỷ trọng dư nợ trong nước chiếm khoảng 61,7% và nợ nước ngoài khoảng 38,3% (tỷ trọng nợ trong nước chiếm 40% dư nợ Chính phủ vào năm 2011, tăng lên mức 55% vào năm 2015).

Kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ được kéo dài. Trong 6 tháng đầu năm 2019, bình quân tỷ trọng phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10-30 năm chiếm 93%, kỳ hạn phát hành bình quân đạt 13,3 năm, tăng mạnh so với mức bình quân 3,3 năm trong giai đoạn 2011-2013.

Lãi suất phát hành giảm đáng kể, góp phần giảm chi phí huy động vốn cho ngân sách nhà nước; Lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước giảm từ mức bình quân 12%/năm trong giai đoạn 2011-2013 xuống còn khoảng 4,97%/năm 6 tháng đầu năm 2019.

Cơ cấu nhà đầu tư tiếp tục được đa dạng hóa, tỷ trọng nắm giữ trái phiếu Chính phủ của các ngân hàng thương mại giảm. Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ nắm giữ trái phiếu Chính phủ của các nhà đầu tư là tổ chức tài chính phi ngân hàng tiếp tục tăng lên, đạt khoảng 53%, tỷ lệ nắm giữ của các ngân hàng thương mại đạt khoảng 47%.

Với những kết quả đã đạt được và sự nỗ lực của Chính phủ trong việc kiểm soát nợ công, dự kiến đến cuối năm 2019, nợ công khoảng 57,4% GDP, nợ Chính phủ không khoảng 49,7% GDP, đảm bảo trong giới hạn được Quốc hội cho phép và thấp hơn dự kiến trong kế hoạch tài chính trung hạn.

Đảm bảo các chỉ tiêu nợ trong giới hạn an toàn

Để góp phần thực hiện mục tiêu, chủ trương, giải pháp về quản lý nợ công theo chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội và nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nợ công, đảm bảo các chỉ tiêu trong giới hạn an toàn nợ theo quy định; chuẩn bị xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm giai đoạn 2021-2025 trong đó có ngưỡng cảnh báo và ngưỡng trần an toàn nợ công để báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.

Dự kiến đến cuối năm 2019, nợ công khoảng 57,4% GDP, nợ Chính phủ không khoảng 49,7% GDP, đảm bảo trong giới hạn được Quốc hội cho phép và thấp hơn dự kiến trong kế hoạch tài chính trung hạn.

Tổ chức triển khai thực hiện Luật Quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm đưa Luật vào cuộc sống; tiếp tục nghiên cứu khung pháp lý, phát triển và áp dụng đầy đủ, đồng bộ các công cụ và nghiệp vụ quản lý nợ công.

Chủ động, tích cực trong huy động vốn vay, từ đề xuất, sàng lọc, thẩm định, lựa chọn, phê duyệt chủ trương vay vốn cho đến đàm phán, ký kết các Hiệp định khung, Hiệp định cụ thể. Phân bổ, sử dụng vốn vay đúng mục đích, kiểm soát tiến độ giải ngân nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ theo đúng kế hoạch được giao; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, kiên quyết không sử dụng vốn vay cho các mục đích và dự án đầu tư có hiệu quả kinh tế-xã hội thấp hoặc không rõ ràng; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát chặt chẽ việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ

Đồng thời, tiếp tục cơ cấu lại nợ trong nước, nước ngoài của Chính phủ; thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước, thị trường trái phiếu Chính phủ cả về chiều rộng và chiều sâu theo hướng đa dạng hóa công cụ nợ và cơ sở nhà đầu tư, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn, thị trường trái phiếu; kiểm soát chặt chẽ cấp bảo lãnh chính phủ cho các khoản vay mới.

Bên cạnh đó, hoàn thiện tổ chức bộ máy, đào tạo quản lý nợ, triển khai chương trình đào tạo tập huấn về nghiệp vụ nợ công tới các đối tượng quản lý và sử dụng vốn vay công. Nghiên cứu và xây dựng đề án phát triển ứng dụng thông tin trong công tác quản lý nợ, tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý nguồn vốn vay nước ngoài thông qua nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin; xây dựng hệ thống thông tin quản lý nợ địa phương.