Chủ động thực hiện nhiều giải pháp để tăng lương nhưng không tăng giá

Gia Hân

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, đứng ở góc độ điều hành, Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan cũng hết sức chú trọng thực hiện nhiều giải pháp để tăng tính chủ động, tăng lương nhưng không tăng giá.

Quang cảnh buổi họp báo.
Quang cảnh buổi họp báo.

Trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo thường kỳ quý II/2024 về những lo ngại trước tình trạng "tăng lương – tăng giá" khi chính sách cải cách tiền lương có hiệu lực vào ngày 1/7 tới, bà Lê Thị Tuyết Nhung - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, với những chỉ đạo kịp thời từ Ban Chỉ đạo điều hành giá, kỳ vọng việc tăng lương sẽ không ảnh hưởng lớn đến tăng giá trong những tháng cuối năm.

Phó Cục trưởng Lê Thị Tuyết Nhung nêu rõ, Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá đã, đang và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan theo dõi sát tình hình diễn biến giá cả thị trường; đồng thời chủ động dự báo, tính toán và cập nhật kịch bản lạm phát để tham mưu với cấp có thẩm quyền xây dựng kịch bản điều hành giá tổng thể, cũng như triển khai các giải pháp cụ thể.

Trong đó, tập trung theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp; đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng chiến lược. Chú trọng, tăng cường quản lý, điều hành giá trong dịp lễ; Chuẩn bị sớm phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường.

Cùng với đó, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả theo mục tiêu đề ra phối hợp đồng bộ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí...

Lãnh đạo Cục Quản lý giá nhấn mạnh, Bộ Tài chính sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành xây dựng và cập nhật các kịch bản lạm phát để làm cơ sở kiến nghị, tham mưu các biện pháp quản lý, điều tiết giá phù hợp nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra - kiểm soát CPI bình quân cả năm 2024 ở mức 4-4,5%.

Bà Lê Thị Tuyết Nhung - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo.
Bà Lê Thị Tuyết Nhung - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo.

Thông tin thêm về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho hay, “lương chưa tăng, giá đã tăng” là tình trạng đã xảy ra nhiều lần trước đây, dẫn đến việc tăng lương nhưng không tạo tác động thực chất cho các đối tượng thụ hưởng. Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, Chính phủ, bản thân thị trường và người dân đã có thích ứng, để không bị tác động đến tâm lý khi thực hiện tăng lương.

Theo Thứ trưởng, đứng ở góc độ điều hành, Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan cũng hết sức chú trọng thực hiện nhiều giải pháp để tăng tính chủ động, tăng lương nhưng không tăng giá. Trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá vừa qua, nhiều giải pháp cũng đã được đề cập, như đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, điện… Thủ tướng Chính phủ cũng đã liên tục họp bàn và chỉ đạo các cơ quan không được để thiếu các mặt hàng này.

Cùng với đó, các bộ, ngành cũng chủ động điều hành nhịp nhàng giá của các mặt hàng Nhà nước quản lý như viện phí, học phí, trên cơ sở tín hiệu thị trường để có điều chỉnh phù hợp, nhằm đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát, giúp lạm phát kỳ vọng thay đổi. Song song với đó là những giải pháp về thanh kiểm tra thị trường theo quy định của Luật Giá 2023, kiểm tra hoạt động về kê khai giá, thực hiện kiểm tra về bán hàng hoá, chống đầu cơ, lũng đoạn, thao túng giá…

“Với tất cả những giải pháp đã thực hiện thì thị trường, người dân, doanh nghiệp và xã hội đã thích ứng với việc tăng lương, không có nhiều tác động đến tâm lý. Song song với những giải pháp chủ động của Chính phủ và cơ quan quản lý thì sẽ không có tác động lớn đến thị trường”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.