Cần có một luật riêng về doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam về Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được tổ chức mới đây.

Việc xây dựng chính sách hỗ trợ cho DNNVV là rất cần thiết. Nguồn: internet
Việc xây dựng chính sách hỗ trợ cho DNNVV là rất cần thiết. Nguồn: internet

Chiếm đến hơn 97% lượng đăng ký thành lập và hoạt động, không thể phủ nhận tầm quan trọng cũng như đóng góp của DNNVV. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, loại hình DN này chưa thực sự trở thành đối tượng thụ hưởng chính sách của Nhà nước khi hệ thống pháp luật kinh doanh hiện chưa có quy định cụ thể ở bất kỳ điều khoản luật nào hoặc nếu có ở tầm nghị định, thông tư và chỉ thị thì cũng chưa đúng trọng tâm, trọng điểm khiến cho nguồn lực của DNNVV bị phân tán, dàn trải và không phát huy được hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Theo kinh nghiệm của các nước trong khu vực là Nhật Bản và Hàn Quốc, để giải quyết vấn đề trên, việc khởi động xây dựng một luật riêng dành cho DNNVV cần phải nhanh chóng được tiến hành.

Ở Nhật Bản, Luật cơ bản DNNVV được ban hành năm 1963 khi nước này bắt đầu quá trình dịch chuyển sang nền kinh tế mở (chuẩn bị là thành viên chính thức của IMF và OECD vào năm 1964), là bước ngoặt thứ hai trong chính sách phát triển DNNVV tại đây sau khi Cục DNNVV được thành lập năm 1948. Mặc dù, trên thực tế, theo Cố vấn trưởng Dự án Jica Miki Miyamoto, Luật cơ bản DNNVV được biên soạn lại từ các bộ luật khác đã được ban hành nhưng luật này đã chỉ ra 2 định hướng rõ ràng cho chính sách phát triển DNNVV. Một là, nâng cao cấu trúc DNNVV thông qua chính sách cải thiện năng suất: hiện đại hóa trang thiết bị, nâng cao công nghệ, hợp lý hóa quản lý kinh doanh và tối ưu hóa quy mô DN (liên minh, hợp tác xã)…; hai là, khắc phục các bất lợi của DNNVV bằng cách cải thiện các điều kiện cho giao dịch kinh doanh: phòng chống cạnh tranh quá mức, hợp lý hoặc giao dịch với nhà thầu phụ và bảo đảm cơ hội cho hợp đồng đấu thầu của Chính phủ…

Còn ở Hàn Quốc, theo Chuyên gia Dong Kon Lee, với hai con số lần lượt là 99 - 88 biểu trưng cho phần trăm tổng số DN hoạt động và nhân lực lao động, DNNVV tạo ra 46,6% tổng sản lượng sản xuất và 47,3% giá trị gia tăng của quốc gia này. Sớm nhận thức được đây là loại hình DN chính tạo ra công ăn việc làm, đóng góp vào phát triển cân bằng trong thời đại của tăng trưởng kinh tế thiếu việc làm, Luật DNNVV của Hàn Quốc sớm ra đời từ năm 1966 gồm 19 đạo luật với mục đích rất rõ ràng là thúc đẩy DNNVV khởi sự và tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, phục vụ cho một cơ cấu phát triển thích hợp và tiên tiến. Cung cấp những vấn đề cơ bản đi đôi với việc định hướng cho DNNVV để cải tiến và các biện pháp thúc đẩy phát triển trên cơ sở hỗ trợ các DN này phát triển độc lập, sáng tạo; giúp nền kinh tế quốc dân phát triển cân bằng qua việc tăng cường năng lực cạnh tranh và mởã rộng kinh doanh cơ bản cho DNNVV bằng cách hỗ trợ đạt được cơ cấu công nghiệp tinh xảo hơn; đóng góp vào việc thành lập kết cấu công nghiệp vững chắc qua việc phát triển hợp lý các DNNVV bằng việc tạo thuận lợi cho các DN mới thành lập và phát triển cơ sở vững chắc cho sự tăng trưởng.

Hàng năm, Chính phủ hai nước trên có những nghiên cứu điều kiện kinh doanh gần nhất của DNNVV và phân tích để đưa ra chính sách hỗ trợ mới hoặc thậm chí quyết định ngành ưu tiên khác nhau. Sau đó, phối hợp với Chính phủ, các nhóm công nghiệp và các hiệp hội hợp tác xã kết hợp với nghiên cứu về từng ngành nghề, dựa trên sự cần thiết của các biện pháp hỗ trợ công để đưa ra các tình hình kinh doanh thực tế một cách chính xác, kịp thời nhất.

Vì thế, bài học cho nước ta, theo ông Miki Miyamoto là cần xác định việc xây dựng và triển khai luật dành cho DNNVV không phải là mục tiêu mà là khởi đầu để thúc đẩy kinh doanh cho loại hình DN này. Thậm chí, nếu là vấn đề vốn, có thể thành lập riêng một ngân hàng để cho vay, cấp bảo lãnh riêng cho DNNVV như Ngân hàng Shoko Chukin của Nhật Bản hoặc Quỹ xúc tiến DNNVV của Hàn Quốc để thúc đẩy DN nhỏ khởi sự kinh doanh và nguồn tiền của quỹ này lấy từ trái phiếu Chính phủ và lợi tức từ xổ số kiến thiết…

Đồng quan điểm, TS. Phạm Thị Thu Hằng - Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI cũng cho rằng, việc xây dựng luật dành cho DNNVV không phải là mục tiêu mà là bước đi đầu, thể hiện tinh thần thức hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của loại hình DN này. Theo bà Hằng, cần phân biết rõ là DNNVV khác khu vực tư nhân. Bởi hỗ trợ DNNVV cũng là thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân nhưng các chính sách thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân có thể vẫn chưa đủ để thúc đẩy phát triển DNNVV nếu không có chính sách riêng biệt. Hiện nay, nước ta đã có một số chương trình hỗ trợ xúc tiến DN do các bộ, ngành chủ trì nhưng chưa có định hướng tập trung cho DNNVV và dưới sự điều phối của một cơ quan đầu mối nên hầu như các DN này không được hưởng lợi từâ các chương trình đó. Đồng thời, quỹ hỗ trợ được giao nhiều quyền hạn trong việc huy động vốn, phạm vi sử dụng vốn cũng rộng, có thể gây ra rủi ro lớn đối với DNNVV.

Tuy nhiên, đại diện Vụ Pháp luật dân sự, Bộ Tư pháp cho rằng, việc xây dựng chính sách hỗ trợ cho DNNVV là rất cần thiết nhưng việc hình thành riêng một luật hỗ trợ cho loại hình DN này thì cần phải rà soát thật kỹ lưỡng và đánh giá lại toàn bộ tác động của hệ thống chính sách pháp luật kinh doanh trong nước xem các chính sách này đã tạo điều kiện để DNNVV phát triển trong mối tương quan so sánh với DN lớn hay chưa. Và chúng ta đã có chính sách chung đối với DN và chính sách riêng biệt dành cho DNNVV (Nghị định 90/2001/ NĐ-CP và Nghị định 56/2009/NĐ-CP…), nếu ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV thì đơn cử như Luật DN sẽ chỉ để điều chỉnh 3% số DN còn lại, liệu có được không?