Chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ tốt nhất cho người nộp thuế

Việt Dũng

Cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thuế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và người dân thực hiện nghĩa vụ thuế là một trong những nhiệm vụ được ngành Thuế đặc biệt quan tâm thời gian qua. Điều này được thể hiện rõ qua việc chủ động áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) và không ngừng nâng cấp, mở rộng và phát triển các ứng dụng dịch vụ thuế điện tử gần đây.

Đẩy mạnh CNTT, xây dựng ngành thuế hiện đại

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được ban hành với tinh thần là chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, thuế là lĩnh vực quan trọng của tài chính quốc gia, liên quan trực tiếp đến người dân, DN đã hội tụ nhiều yếu tố trở thành Ngành đi đầu trong tiến trình chuyển đổi số.

Việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế được mong mỏi và kỳ vọng sẽ mang lại rất nhiều lợi ích trong công tác quản lý cho người dân, DN, bảo đảm thu đúng, thu đủ, tiết giảm chi phí xã hội, tăng cường tính công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực... trong quá trình thu thuế. 

Theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021 - 2030, ngành Thuế đặt ra 2 mục tiêu là đổi mới, đồng bộ hệ thống chính sách thuế để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; và xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, tập trung, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, chuyên sâu, chuyên nghiệp theo phương pháp quản lý rủi ro, đồng thời dựa trên nền tảng thuế điện tử và ba trụ cột cơ bản: thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới; CNTT hiện đại, tích hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh kinh tế số.

Thời gian qua, với những kết quả đạt được trong công tác hiện đại hóa, cùng sự chủ động, tích cực, để tiếp tục “đi sớm, đón đầu” những thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Thuế đang tiếp tục phát triển và sẽ đưa vào các ứng dụng mới, tiến tới áp dụng trí tuệ nhân tạo (Al) trong công tác quản lý thuế. Điều này không chỉ mang lại hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý thuế, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế mà còn là vì sự thuận tiện cho người nộp thuế.

Với hàng loạt giải pháp, ứng dụng CNTT mới ra đời và đi vào cuộc sống, được cơ quan thuế các cấp và người nộp thuế đón nhận, góp phần vào thành công của Tổng cục Thuế trong công cuộc đẩy mạnh CNTT, hiện đại hóa ngành Thuế, thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ. Trong đó, điểm sáng là việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử trên toàn quốc từ ngày 01/7/2022.

Sự kiện đã trở thành dấu mốc quan trọng trong công tác quản lý thuế hiện đại, không chỉ tạo bước ngoặt trong công tác chuyển đổi số ngành Thuế, giúp đổi mới công tác quản lý thuế theo hướng hiện đại, minh bạch, mà việc quản lý hóa đơn được an toàn bảo mật 24/7. Qua đó góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng.

Ứng dụng CNTT đã hỗ trợ tốt nhất cho người nộp thuế

Hệ thống hóa đơn điện tử đã chính thức áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ ngày 01/7/2022 với toàn bộ các tổ chức, DN đang hoạt động, có sử dụng hóa đơn chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử và toàn bộ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký, chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định. Tính đến ngày 27/09/2022, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là hơn 1.523 triệu hóa đơn trong đó 416 triệu hóa đơn có mã và 1.107 triệu hóa đơn không mã.

Bên cạnh đó, tính đến ngày 31/9/2022, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục Thuế trực thuộc. Đã có 872.701 DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử trên tổng số 873.297 DN đang hoạt động, đạt tỷ lệ 99,93%. Số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận từ ngày 01/01/2022 đến ngày 27/09/2022 là 14.532.945 hồ sơ.

Tính đến ngày 27/09/2022, số lượng DN đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế là 865.514 DN trên tổng số 873.297 DN đang hoạt động, đạt tỷ lệ 99,11%. Số lượng DN hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng là 859.053 DN trên tổng số 873.297 DN đang hoạt động, đạt tỷ lệ 98,37%. Trong 9 tháng đầu năm 2022, ước tính các DN đã nộp tiền thuế thông qua 2.854.150 giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền là trên 627.234 tỷ đồng và 48.707.107 USD.

Về hoàn thuế điện tử, tính từ ngày 01/01/2022 đến 21/09/2022, tổng số DN tham gia hoàn thuế điện tử là 7.126 trên tổng số 7.197 DN hoàn thuế, đạt tỷ lệ 99%. Số hồ sơ tiếp nhận là 15.001 hồ sơ trên tổng số 15.087 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99%; Tổng số hồ sơ hệ thống đã giải quyết hoàn là 14.100 hồ sơ với tổng số tiền đã giải quyết hoàn là 103.325 tỷ đồng.

Về dịch vụ khai thuế điện tử đối với cá nhân cho thuê tài sản, Tổng cục Thuế đã triển khai tại 63 cục Thuế và các chi cục Thuế trực thuộc. Tổng cục Thuế đã kết nối với các ngân hàng thương mại để cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử cho cá nhân, nộp lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc qua các kênh thanh toán Internet banking, Mobile banking. Tính từ ngày 01/01/2022 đến ngày 15/09/2022 đã có 312.552 giao dịch nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy trên cả nước qua hình thức ibanking và mobile banking.

Về mở rộng dịch vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai của hộ gia đình, cá nhân, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Quản lý đất đai và các đơn vị liên quan hỗ trợ triển khai dịch vụ thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất trên cổng Dịch vụ công quốc gia cho 63/63 tỉnh, thành phố và đã nhận được nhiều kết quả tích cực của người dân trong việc giảm thủ tục hành chính.

Đặc biệt, từ ngày 21/03/2022, để mở rộng việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nộp thuế đăng ký tài khoản giao dịch điện tử trực tuyến và nộp thuế điện tử tại nhiều ngân hàng và đẩy mạnh việc triển khai chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, Tổng cục Thuế đã làm việc và ký kết phối hợp với ngành Ngân hàng.

Đến nay, đã hoàn thành tích hợp việc nộp thuế điện tử trên ứng dụng eTax Mobile App của Tổng cục Thuế với 09 ngân hàng thương mại (Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (Hdbank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB),...) và sẽ tiếp tục mở rộng với các ngân hàng khác trong thời gian tới. Tính đến ngày 27/09/2022 đã có 171.871 lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng eTax Mobile, 74.765 giao dịch với tổng số tiền trên 320 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, dựa trên các căn cứ pháp lý về quản lý thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài đã hoàn thiện, ngày 21/03/2022, Tổng cục Thuế đã chính thức công bố ứng dụng Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài thực hiện việc đăng ký, kê khai, nộp thuế trực tiếp từ bất cứ đâu trên thế giới.

Sau hơn 6 tháng triển khai, đã có 36 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai và nộp thuế qua Cổng với tổng số thuế đã khai, nộp đạt trên 1.200 tỷ đồng. Trong đó, các DN lớn như Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok,Netfix, Apple đều cũng đã đăng ký, khai, nộp thuế qua Cổng...

Ngày 14/10/2022, ông Phạm Quang Toàn - Cục trưởng Cục CNTT (Tổng cục Thuế) đã vinh dự được vinh danh Lãnh đạo chuyển đổi số tiêu biểu năm 2022 tại Lễ vinh danh Lãnh đạo Chuyển đổi số Việt Nam tiêu biểu năm 2022 do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Vietnam) phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam và Câu lạc bộ CEO&CIO tổ chức.

Trước đó, ngày 09/10, tại Lễ trao Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards năm 2022 (VDA 2022) do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức, Tổng cục Thuế vinh dự đón nhận giải thưởng “Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc”.