Chú trọng chất lượng tăng trưởng
Tăng trưởng kinh tế năm 2018 dự báo sẽ đạt từ 6,7 - 7%. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là chất lượng tăng trưởng. Đây là quan điểm của nhiều chuyên gia tại hội thảo Cơ hội đầu tư - kinh doanh 2018 diễn ra mới đây.
Nhiều thách thức đối với tăng trưởng
Mặc dù khởi động chậm từ đầu năm song cho tới cuối năm 2017 tăng trưởng kinh tế đã bứt tốc với “kết quả chung cuộc” đạt 6,81%, thể hiện nỗ lực rất lớn của cả nền kinh tế. Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, cần đánh giá kết quả này một cách bình tĩnh. “Không thể phủ nhận thành tích tăng trưởng năm 2017, song phải nói chính xác rằng chúng ta đã đạt được kết quả ngoài dự kiến. Tuy nhiên vấn đề đáng quan tâm là khía cạnh chất lượng tăng trưởng”.
Theo ông Trần Đình Thiên, nền kinh tế đã xác lập được động thái tăng trưởng mới, tuy chưa làm thay đổi được nền tảng căn bản. Trong các động thái này, có yếu tố là “cưỡng bức” thay đổi, có yếu tố là chủ động, cương quyết thay đổi. “Ví dụ cơ cấu tăng trưởng nghiêng về ngành công nghiệp chế biến chế tạo, dịch chuyển sang hướng tốt, nhưng ở đây là do bản thân nền kinh tế cũng đã hết cái để khai thác, tận cùng “cưỡng bức” và phải thay đổi chứ không phải do chủ động”, ông Thiên giải thích.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, chất lượng của tăng trưởng GDP cũng cần bàn lại, chất lượng tăng trưởng xuất khẩu cũng cần bàn lại vì có liên quan đến cơ cấu. Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Đình Thiên cho rằng, điều quan trọng hơn ở tăng trưởng GDP 6,81% là các động thái của tăng trưởng.
Bên cạnh sự dịch chuyển cơ cấu tăng trưởng theo ngành, từ khai thác tài nguyên sang công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch - dịch vụ, ông Thiên cho biết chất lượng tăng trưởng còn thay đổi một cách chủ động, thể hiện ở yếu tố thể chế. Theo đó, đã xây dựng Nhà nước kiến tạo, Chính phủ hành động vì doanh nghiệp, cắt giảm thủ tục, cơ chế trói buộc, nỗ lực giảm chi phí, tạo niềm tin và hứng khởi. Bên cạnh đó là vai trò nổi bật của kinh tế tư nhân, thể hiện ở vốn “bù đắp” tăng trưởng khi vốn nhà nước khó khăn; xu thế khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; nông nghiệp công nghệ cao…
Đề cập đến kết quả tăng trưởng năm vừa qua, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, động lực cho tăng trưởng tập trung ở 4 yếu tố thì 2 trong số đó mang tính xu thế, nằm trong chu kỳ tích cực của thế giới. Đó là năm 2017, kinh tế thế giới chyển sang thời kỳ tích cực một cách rõ ràng hơn rất nhiều mà Việt Nam là nền kinh tế mở nên được hưởng lợi từ xu thế này.
Yếu tố thứ hai là bản thân kinh tế Việt Nam cũng bước vào giai đoạn phục hồi tích cực hơn. Yếu tố thứ ba, có một số đột biến trong sản xuất, xuất khẩu thuộc một số lĩnh vực như điện thoại, điện tử hay sắt thép. Yếu tố thứ 4 là nỗ lực cải cách, đặc biệt là cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ được thế giới ghi nhận, cộng đồng doanh nghiệp trong nước cảm nhận. “Với 4 động lực tăng trưởng như vậy, đây là giai đoạn phục hồi rõ hơn chứ chưa thể nói là giai đoạn tăng trưởng bền vững có tính lâu dài” - TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Cần duy trì sự ổn định
Tuy nhiên, bên cạnh cảm nhận lạc quan, không ít chuyên gia vẫn dành sự thận trọng nhất định khi đánh giá điều kiện nền kinh tế hiện nay. Theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) Nguyễn Mại, góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài đối với triển vọng kinh tế Việt Nam cũng tích cực hơn, có khoảng 25.000 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam, trong đó các doanh nghiệp Nhật Bản chiếm một phần tư số vốn. Dự kiến, 25% số doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam vào năm 2018.
Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, năm 2018, đa số các nước lớn sẽ thắt chặt tài khóa và tiền tệ. Điều này sẽ có tác động đến lãi suất, dòng vốn đầu tư và tỷ giá của Việt Nam. Nhưng mức độ tác động có thể giảm vì Việt Nam đang có sự điều hành chủ động. Vì vậy, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, phát triển kinh tế không nên dựa quá nhiều vào tín dụng. Tuy nhiên, tín dụng vẫn là kênh đầu tư quan trọng.
“Tín dụng năm 2017 ước tăng 19%. Tuy nhiên, năm 2018 nên đưa ra con số thận trọng hơn là 17% vì tín dụng không nhiều. Tín dụng tăng trưởng khá nhanh và mạnh những năm gần đây (8,9% năm 2013, 14% năm 2014, 15,7% năm 2015 và 19% năm 2016). Hiện nay, liên quan đến cân đối nguồn vốn, huy động vốn tín dụng chiếm 17,5%, thanh khoản ngân hàng tốt với hơn 18% là mức chấp nhận được. Tuy nhiên, cần có sự tách bạch trong thống kê về tín dụng…” - ông Lực nêu quan điểm.
Dự báo về tình hình kinh tế năm 2018, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, năm 2018 vẫn duy trì được sự ổn định và có thể cải thiện các mục tiêu dài hạn. Với tăng trưởng kinh tế, theo ông Lê Xuân Nghĩa, chu kỳ tăng trưởng ngắn hạn sẽ kết thúc trong quý III/2018 và sau quý III sẽ vào chu kỳ giảm tăng trưởng ngắn hạn.
Tuy nhiên chu kỳ dài hạn thì đến năm 2019 cũng sẽ giảm dần, không có đột phá, chỉ ở mức trên 6% kéo dài từ năm 2019 trở đi. Cùng với đó, ông Lê Xuân Nghĩa dự báo GDP năm 2018 chỉ tăng trên 6%, phù hợp với tính toán của các chuyên gia quốc tế, lạm phát ở mức 4%, lãi suất ổn định, giảm nhẹ, tỷ giá ổn định. Bên cạnh đó, kiểm soát tín dụng với bất động sản sẽ như năm 2017, không siết vào nhưng cũng không nới lỏng.