FDI tăng tốc và phát triển năng động
Năm 2017, khu vực FDI đã trở thành khu vực phát triển năng động nhất với tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP cả nước, năm 2015 là 10,71%/6,68%; năm 2016 là 12%/6, 21%. Khả năng FDI cả năm 2017 đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2016 về vốn đăng ký khoảng trên 40% và số vốn thực hiện tăng trên 15%.
Khu vực FDI - Động lực mới cho tăng trưởng
Trong những năm qua, tình hình thu hút vốn FDI của Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng, góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế phát triển ổn định, bền vững. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 11/2017, cả nước có 24.580 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 316,91 tỷ USD, trong đó giải ngân được khoảng 170,85 tỷ USD. Tính chung trong 11 tháng đầu năm 2017, số vốn FDI cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 33,09 tỷ USD, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn FDI thực hiện đạt 16 tỷ USD, tương đương hơn 90% mức cả năm 2016 đạt được và vượt 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2017, khu vực FDI đã trở thành khu vực phát triển năng động nhất với tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP cả nước, năm 2015 là 10,71%/6,68%; năm 2016 là 12%/6,21%. Kết quả này báo hiệu, khả năng FDI cả năm 2017 sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2016 về vốn đăng ký khoảng trên 40% và số vốn thực hiện sẽ tăng trên 15%.
Nhìn chung, xu hướng các nguồn vốn ngoại này đều tăng trưởng cao trong 11 tháng đầu năm 2017. Cụ thể, cả nước có 2.293 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 19,8 tỷ USD, tăng 52%; vốn tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động tăng 57,6%; vốn góp, mua cổ phần tăng 52,6%, trong khi đó, số lượng dự án cả cấp mới, tăng vốn tăng không đáng kể (khoảng trên 1% so với năm 2016). Quy mô của một dự án tăng cao cũng chứng minh sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư và mức độ cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam ngày càng cao.
Xuất khẩu của khu vực FDI đã trở thành yếu tố chính thúc đẩy tình hình xuất khẩu, với các mặt hàng chủ lực về công nghiệp, công nghệ có giá trị gia tăng cao. Trong 11 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 140,65 tỷ USD, tăng 22,8% so cùng kỳ 2016 và chiếm 72,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của FDI là linh kiện điện tử, điện toại, máy tính bảng...). Xuất khẩu không kể dầu thô trong 11 tháng 2017 đạt 138,04 tỷ USD, tăng 22,8% so cùng kỳ 2016 và chiếm 71,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Nhập khẩu của khu vực FDI trong 11 tháng 2017 đạt 114,5 tỷ USD,tăng 23,2% so cùng kỳ 2016 và chiếm gần 60% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Tính chung 11 tháng đầu năm 2017, khu vực FDI xuất siêu 26,15 tỷ USD (kể cả dầu thô) và xuất siêu 23,54 tỷ USD (không kể dầu thô). Với kết quả này, hoạt động xuất nhập khẩu của khu vực FDI không những bù đắp được nhập siêu của các doanh nghiệp trong nước, mà còn tạo ra được giá trị xuất siêu lớn.
Đáng chú ý, chất lượng sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, khu vực FDI đã có tác độngnâng cao năng lực cạnh tranh ở cả 3 cấp là quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm. Trong năm 2017, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục đủ sức cạnh tranh, có chỗ đứng trong các thị trường lớn lại có đòi hỏi cao về chất lượng hàng nhập khẩu, như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU),Nhật Bản, Hàn Quốc...
Đến nay, đã có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Tính đến hết tháng 11/2017, Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đăng ký đầu tư 8,94 tỷ USD, chiếm 27% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 8,18 tỷ USD, chiếm 24,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 4,69 tỷ USD, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư…
Mặt khác, khu vực FDI đã tạo việc làm cho trên 3,5 triệu lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp khác. Thông qua môi trường lao động tại các doanh nghiệp FDI, trình độ kỹ thuật và quản lý của tất cả các bộ phận lao động từ công nhân đến các cán bộ quản lý đều tiếp tục được nâng cao.
Điểm nổi bật về thu hút vốn FDI năm 2017 là sự xuất hiện của các dự án quy mô “tỷ đô” đã tạo nên các cơ sở hạ tầng lớn, đồng bộ; Tạo sự thay đổi lớn về cơ cấu ngành nghề, cơ cấu kinh tế tại các địa phương đón nhận đầu tư.
Có thể kể đến các dự án “tỷ đô” tiêu biểu như: Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hóa với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao 1 nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất khoảng 1.200 MW; Dự án Samsung Display Việt Nam điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD tại Bắc Ninh; Dự án nhiệt điện BOT Nam Định 1, tổng vốn đầu tư 2,07 tỷ USD do nhà đầu tư Singapore đầu tư với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao 1 nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất khoảng 1.109,4 MW; Dự án đường ống dẫn khí lô B-Ô Môn, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,27 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản liên doanh với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và PVGAS Việt Nam đầu tư tại Kiến Giang…
Trong 11 tháng 2017, vốn đăng ký của khu vực FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 185,2 tỷ USD, chiếm 58,4% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 52,7 tỷ USD, chiếm 16,6% tổng vốn đầu tư; xếp thứ ba là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa với 20,8 tỷ USD, chiếm 6,6% tổng vốn đầu tư.
Cùng với đó, FDI tiếp tục có các đóng góp quan trọng trong việc cải thiện quan hệ chính trị, kinh tế, đối ngoại, tiếp tuc nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Năm 2017, Việt Nam là nước chủ nhà đăng cai tổ chức Hội nghị APEC 2017. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của khu vực và quốc tế, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam để kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào nước ta.
Tập trung xử lý những tồn tại, hạn chế
Bên cạnh thành công trên về thu hút FDI vẫn còn có những mảng tối giữa bức tranh sáng. Tuy các mảng tối này của FDI chỉ là thứ yếu trong quá trình phát triển nhanh và mạnh của FDI tại Việt Nam thời gian qua nhưng cũng cần có các giải pháp cụ thể về luật pháp, chính sách; Về hoàn chỉnh bộ máy; đội ngũ cán bộ… liên quan đến FDI để khắc phục trong giai đoạn tới. Đặc biệt là việc tập trung xử lý các tồn tại hiện nay trên cơ sở pháp luật hiện hành có ý nghĩa hết sức quan trọng so với những đề xuất mới có thể mang lại các thành công trong tương lai.
Hiện nay, FDI còn tồn tại những vấn đề như: Gây ô nhiễm môi trường; Chưa có mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước; Còn các dự án treo không triển khai thực hiện, hoặc thực hiện chậm vẫn chưa được sử lý dứt điểm; Tình trạng chuyển giá, trốn thuế của một số các doanh nghiệp FDI vẫn diễn ra; Chất lượng nguồn vốn FDI thu hút được không đạt mục tiêu đặt ra, do còn nhiều dự án FDI hàm lượng công nghệ thấp, sử dụng công nghệ lạc hậu…
Trong các tồn tại trên, có 2 tồn tại lớn nhất của FDI cần khắc phục là việc gây ô nhiễm môi trường của một số doanh nghiệp FDI và mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước còn rất yếu.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, trong năm 2018 và các năm tiếp theo đòi hỏi công tác quản lý nhà nước về FDI của Việt Nam phải tiếp tục có những đổi mới toàn diện, sâu sắc trên các mặt như: Xúc tiến đầu tư, thẩm định dự án và cấp phép đầu tư cho các dự án, quản lý dự án sau cấp phép…
Việc đổi mới này phải tuân thủ định hướng không thu hút FDI bằng mọi giá trên cơ sở phải lựa chọn đúng nhà đầu tư, đúng dự án đầu tư đáp ứng được nhu cầu phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam, tiếp đó là tập trung tăng cường chất lượng của công tác hậu kiểm.
Việc lựa chọn đúng nhà đầu tư phải đảm bảo đúng các tiêu chí: Không để bất kỳ một nhà đầu tư nào có điều kiện nắm giữ tỷ lệ cao, áp đảo so với các nhà đầu tư khác tại Việt Nam, nhất là các nhà đầu tư đã có các tiền sử đầu tư không tốt tại Việt Nam.
Việc lựa chọn đúng dự án phải dựa trên tiêu chí đáp ứng được nhu cầu tiếp nhận, sử dụng được thành tựu hiện có của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; Khuyến khích đầu tư vào các địa phương còn dư địa thu hút FDI và kết quả thu hút FDI đến nay còn khiêm tốn so với các tỉnh và thành phố lớn; Khuyến khích đầu tư theo hình thức công ty liên doanh…
Bên cạnh đó, thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt khâu hậu kiểm, phối hợp chặt chẽ giữa các sở ban ngành, cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương trong quản lý các dự án FDI đã được cấp phép, không để tái diễn việc gây ô nhiễm môi trường; Tập trung cho việc giải ngân số vốn FDI đã đăng ký khoảng 150 tỷ USD chưa thực hiện; Tập trung vào phát triển hiệu quả các khu công nghiệp, khu kinh tế hiện có; Xem xét thận trọng việc ban hành các chính sách mới liên quan đến FDI khi năng lực quản lý của bộ máy, đội ngũ hiện tại còn nhiều bất cập…