Tăng trưởng trông vào chính sách tiền tệ
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2017 gần như đã trong tầm tay và năm 2018 sẽ có sự điều hành linh hoạt hơn, khoảng 6,5-6,7%.
Dù vậy, áp lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng của chính sách tiền tệ trong năm tới vẫn rất lớn vì không gian tài khóa không còn. Để hiểu rõ thêm vấn đề này, ĐTTC trích lược ý kiến của ông NGUYỄN XUÂN THÀNH, Giám đốc Phát triển Trường Đại học Fulbright Việt Nam.
Điểm sáng tăng trưởng
Bức tranh kinh tế vĩ mô năm 2017 đang cho thấy sự khởi sắc. Trong báo cáo đọc tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 14, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố 2017 sẽ là năm đầu tiên đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tính từ năm 2008 đến nay, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%.
Trong năm 2018, gánh nặng vẫn đặt rất nhiều lên chính sách tiền tệ. Về điều này, các cơ quan chính sách tiền tệ khá tự tin trong bối cảnh tỷ giá ổn định, lạm phát thấp, là cơ sở để nới lỏng chính sách tiền tệ.
Nhìn lại con số tăng trưởng kinh tế, sau quý I chỉ tăng 5,1% nên các dự báo đưa ra đều nghi ngờ mục tiêu 6,7%. Tuy nhiên, trong quý III, tăng trưởng kinh tế đã đạt gần 7,5% và tính chung 3 quý tăng trưởng GDP đạt 6,4%. Tăng trưởng có xu hướng quý sau cao hơn quý trước nên mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong tầm tay. Sự cải thiện tăng trưởng kinh tế trong quý III là điều ngoạn mục ngoài dự đoán và chưa có năm nào tăng trưởng cải thiện từ quý I đến quý III tốt như vậy.
Nhìn vào phía cung sản xuất, tăng trưởng GDP trong quý I và II thấp do dầu thô suy giảm. Trong quý III dầu thô cũng suy giảm, nhưng các lĩnh vực như công nghiệp chế biến chế tạo và các hoạt động dịch vụ tăng trưởng rất mạnh, đã đóng góp vào sự cải thiện tăng trưởng này. Thông điệp giải trình của cơ quan thống kê cũng chỉ rõ, đóng góp vào tăng trưởng công nghiệp chế biến chế tạo đạt 12,8%, là 2 ngành điện tử và sản xuất thép; trong khi những ngành chiếm tỷ trọng rất lớn như chế biến thực phẩm chỉ tăng 6,6%, dệt may tăng 6,3%...
Đặc biệt, trong 2 ngành điện tử và thép, đóng góp của Samsung và Formosa rất lớn, đang cho thấy vấn đề tồn tại lâu nay là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đóng góp giá trị gia tăng thấp đã bắt đầu đóng góp giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, điện tử và sản xuất thép là những ngành rất tốn điện. Tăng trưởng kinh tế được dẫn dắt bởi những ngành này, theo lẽ tăng trưởng cao sản lượng điện cũng tăng cao. Như những năm trước GDP tăng 6,7%, điện tăng trên 12%.
Nhưng 3 quý năm nay GDP tăng trưởng mạnh 6,4%, công nghiệp tăng 12,8%, nhưng sản lượng điện chỉ tăng 8,3%. Nếu số liệu cơ quan thống kê đưa ra chính xác, có thể nói các ngành công nghiệp tốn điện đang phát triển theo hướng bền vững môi trường, tiết kiệm điện.
Chưa có áp lực lạm phát
Theo yêu cầu, chính sách tiền tệ phải thực hiện mục tiêu giảm lãi suất nhưng phải vừa đảm bảo ổn định tỷ giá. Trong điều hành không buộc phải giảm lãi suất tiền gửi, nhưng lại có sức ép phải làm sao để lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên giảm nhiều hơn. Đồng thời, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay khá cao 21% và một loạt NHTM đã được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Một thuận lợi của Việt Nam trong thời gian qua là mặc dù chính sách tiền tệ được nới lỏng rất nhiều, nhưng áp lực lạm phát chưa xuất hiện. Trong những tháng đầu năm 2017, rất nhiều quan ngại về áp lực lạm phát gia tăng, nhưng lạm phát tăng chủ yếu là do điều chỉnh một số giá như y tế, giáo dục. Nếu trừ khoản này ra, lạm phát cơ bản của Việt Nam khá ổn định 1,3%.
Mục tiêu điều hành chính sách và kiểm soát lạm phát của Chính phủ là giữ cho lạm phát bình quân năm 2017 là 4%. Lạm phát trong 9 tháng đầu năm ở mức 3,7% dự báo kết thúc năm cũng ở con số khoảng 4%, nên áp lực lạm phát không mạnh. Hiện tăng trưởng tín dụng cũng được thúc đẩy lên rất cao.
Tính đến thời điểm 20/9/2017, tín dụng tăng 11% so với cuối năm 2016, nếu không có gì thay đổi, tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ đạt khoảng 18-19% và nếu kích thích thêm sẽ đạt 21%.
Nới lỏng chính sách tiền tệ?
Nới lỏng chính sách tiền tệ?
Năm 2018, sức ép của Chính phủ là vẫn phải tăng trưởng tốc độ cao, dựa vào 2 kênh chính sách là tài khóa và tiền tệ. Tuy nhiên, hiện không gian tài khóa rất hạn hẹp. Trước đây muốn tăng trưởng, chúng ta thúc đẩy chi tiêu công, tăng đầu tư công, bây giờ chạm giới hạn, việc thúc đẩy kích thích tăng trưởng thông qua tăng chi tiêu, tăng đầu tư của Nhà nước rất hạn chế.
Một đề xuất đưa ra để tạo ra không gian tài khóa là phải tăng thuế, đặc biệt điều chỉnh thuế suất VAT. Dự kiến nếu được phê duyệt sẽ thực thi từ năm 2019. Nhưng cũng đang có nhiều ý kiến khác nhau cho rằng không cần thu và Chính phủ cũng chưa quyết định.
Tuy nhiên, một cam kết về mặt chính trị là làm sao để giảm mặt bằng lãi suất, sẽ là áp lực rất lớn cho các TCTD, NHTM trong năm nay và cả năm 2018. Bình thường, thị trường rất khó giảm lãi suất, nên để thực hiện mục tiêu này, năm 2017 NHNN đã có sự điều chỉnh giảm lãi suất điều hành.
Nhiều khả năng trong năm 2018, điều hành lãi suất sẽ quyết liệt hơn để lãi suất giảm mạnh hơn, và kỳ vọng lãi suất không chỉ giảm ở một vài lĩnh vực mà cho tất cả thị trường. Điều đó đòi hỏi chính sách tiền tệ phải nới lỏng và duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng cao. Như vậy sẽ có hệ lụy về kinh tế vĩ mô, nhưng về đầu tư sản xuất kinh doanh sẽ có điều kiện phát triển thuận lợi hơn.