Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam
So với Chuẩn mực kế toán Việt Nam - VAS, Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế - IFRS có nhiều điểm nổi trội như mang lại tính minh bạch cao, gia tăng niềm tin cho nhà đầu tư trên toàn cầu về những thông tin trong báo cáo tài chính của các doanh nghiệp… Vì những giá trị đó của IFRS mà nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên áp dụng nguyên vẹn bộ Chuẩn mực IFRS, chứ không nên chỉ áp dụng từng phần theo một lộ trình nhất định. Tuy nhiên, cũng có ý kiến ngược lại. Vậy lựa chọn nào cho Việt Nam là phù hợp?
Thông tin minh bạch hơn
Theo Ủy ban chuẩn mực Kế toán quốc tế (IASB), trong 10 năm gần đây, việc áp dụng các Chuẩn mực IFRS đã phát triển nhanh chóng và được áp dụng phổ biến trên toàn thế giới. Trong số 140 quốc gia được IASB khảo sát, có 116 nước yêu cầu toàn bộ hoặc hầu hết những doanh nghiệp nội địa áp dụng IFRS. Đa số những quốc gia còn lại cho phép áp dụng IFRS. Tất cả các tổ chức có tác động quan trọng đến nền kinh tế thế giới như G20, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Hội đồng ổn định tài chính quốc tế (FSB), Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán (IOSCO)… đều ủng hộ và hỗ trợ việc áp dụng IFRS trên toàn cầu.
IFRS đóng góp giá trị lớn đối với tính bền vững của nền kinh tế toàn cầu, vì IFRS gia tăng sự minh bạch, đồng thời giúp nâng cao trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp, từ đó giảm bớt độ chênh lệch thông tin giữa nội bộ và bên ngoài công ty. Ngoài ra, IFRS giúp các doanh nghiệp và thị trường hoạt động hiệu quả hơn nhờ có một chuẩn mực thống nhất trên phạm vi toàn cầu và đáng tin cậy, áp dụng cho cả các nền kinh tế phát triển và mới nổi...
Ở Việt Nam hiện nay, theo Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, đa phần các doanh nghiệp đang áp dụng các chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) trong lập báo cáo tài chính theo luật định, chỉ có một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc niêm yết trên thị trường quốc tế lập báo cáo tài chính theo IFRS.
Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng của các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như phục vụ cho mục tiêu kêu gọi vốn đầu tư, các doanh nghiệp cần có một bản báo cáo tài chính lập theo IFRS đầy đủ, minh bạch, chính xác và có độ tin cậy cao. Mặt khác, Báo cáo Việt Nam 2035 được công bố mới đây đưa ra đề xuất các Chuẩn mực Kế toán Việt Nam cần thống nhất với IFRS, nhằm phát triển các thị trường vốn theo chiều sâu và thu hút hơn nữa nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đó, việc áp dụng IFRS sẽ giúp Việt Nam đi đúng hướng với tầm nhìn Việt Nam 2035, các chính sách của ASEAN cũng như theo kịp đà phát triển của những nền kinh tế thành công khác trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi Việt Nam hội nhập kinh tế sâu rộng trên thị trường phẳng toàn cầu với việc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)...
Trong giai đoạn toàn cầu hóa mạnh mẽ như hiện nay, thông qua áp dụng IFRS, nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng sẽ được hưởng lợi từ hội nhập kinh tế, ví dụ như tiếp cận nguồn vốn, duy trì năng lực cạnh tranh và phát triển một cách bền vững, phát triển đội ngũ nhân sự kiểm toán...
Ở khía cạnh tác động tích cực của triển khai rộng rãi IFRS đến sự phát triển của thị trường tài chính, kinh nghiệm triển khai IFRS ở nhiều quốc gia cho thấy, sau khi áp dụng IFRS, thì mức độ tin cậy về thông tin của các công ty niêm yết, cũng như thị trường tài chính nói chung, thị trường chứng khoán nói riêng ở các nước đó được giới đầu tư nước ngoài đánh giá cao.
Điều này không chỉ giúp các thị trường này cải thiện khả năng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, mà còn giúp cho nền kinh tế và doanh nghiệp của các nước này giảm đáng kể chi phí phát hành cổ phiếu, trái phiếu để huy động vốn, do định mức tín nhiệm tăng cao. Một bài học mà Việt Nam không nên bỏ qua là trước khi Thái Lan, Hàn Quốc áp dụng rộng rãi IFRS, nhà đầu tư nước ngoài đặt mối ngờ về việc một số công ty ở các quốc gia này “xào nấu” số liệu nhằm “làm đẹp” báo cáo tài chính, gây rủi ro cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, kể từ khi các nước này áp dụng IFRS thì không còn mối ngờ này, vì cùng với thông tin minh bạch hơn, trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp rõ ràng hơn…
Lựa chọn nào cho Việt Nam?
Vì những lợi ích của áp dụng IFRS như vậy, nhiều chuyên gia khuyến cáo Việt Nam nên áp dụng nguyên vẹn bộ Chuẩn mực IFRS, chứ không nên áp dụng theo kiểu từng phần như một số quốc gia. Sở dĩ như vậy bởi khi đầu tư vào Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài không muốn gặp rắc rối kiểu chuẩn mực IFRS bị “Việt Nam hóa”. Nhà đầu tư nước ngoài cho rằng họ nhận được nhiều lợi ích hơn ở các quốc gia mà họ đầu tư áp dụng nguyên vẹn chuẩn mực IFRS so với các nước chỉ áp dụng 80-90% chuẩn mực này. IFRS là ngôn ngữ kế toán quốc tế, nên việc áp dụng nguyên vẹn sẽ giúp các tổ chức cung cấp dịch, nhà đầu tư nước ngoài dễ “giao tiếp”, làm ăn với nhau hơn…
Thừa nhận những giá trị tích cực mà IFRS mang lại, nhưng theo định hướng chính sách của Bộ Tài chính, việc xem xét áp dụng IFRS vào điều kiện cụ thể của Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế thị trường chuyển đổi đòi hỏi cần có lộ trình phù hợp trước khi tiến tới áp dụng hoàn toàn IFRS.
Định hướng trên của Bộ Tài chính là hợp lý, bởi điểm khác biệt lớn là VAS hạch toán theo nguyên tắc giá gốc, còn IFRS theo nguyên tắc giá thị trường (giá trị hợp lý). IFRS được xây dựng để áp dụng cho các nền kinh tế phát triển, khi mà các yếu tố thị trường đã phát triển đồng bộ, có thị trường thuận lợi cho định giá các loại tài sản theo giá thị trường. Các yếu tố này chưa có được đầy đủ ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nên trong giai đoạn ban đầu mà áp dụng nguyên vẹn ngay bộ Chuẩn mực IFRS sẽ gặp không ít khó khăn với nước ta, nhất là nếu quá trình chuẩn bị các yếu tố cần thiết không được thúc đẩy quyết liệt, đồng bộ.
Trên thực tế, Việt Nam đã và đang có những bước đi tích cực, để sẵn sàng tiến tới áp dụng rộng rãi IFRS. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường và ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế, công cụ kế toán và kiểm toán của Việt Nam đã được cải cách và hoàn thiện phù hợp, trong đó đặc biệt là việc áp dụng Chuẩn mực quốc tế về kế toán, kiểm toán đã được luật hóa.
Mặt khác, “Chiến lược phát triển kế toán - kiểm toán Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030” đã khẳng định Việt Nam quyết tâm áp dụng IFRS. Luật Kế toán 2015 có hiệu lực từ 1/1/2017, đã bổ sung “nguyên tắc giá trị hợp lý”. Đây là những bước chuẩn bị chủ động, cần thiết, để tiến tới áp dụng rộng rãi IFRS tại Việt Nam.
Trong điều kiện hiện nay khi mà nền kinh tế thị trường đang dần được hoàn thiện, thị trường tài chính đang trong giai đoạn phát triển nhanh, đầu tư nước ngoài mở rộng mạnh mẽ thì yêu cầu áp dụng IFRS là sự cần thiết cấp bách, khách quan. Tuy nhiên, triển khai IFRS là vấn đề không đơn giản và rất quan trọng, nên Việt Nam cần có sự tư vấn, hỗ trợ của IASB và chuyên gia của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế. Tín hiệu đáng mừng cho Việt Nam là Chủ tịch IASB Hans Hoogervorst cam kết IASB sẽ hỗ trợ Việt Nam trong quá trình áp dụng IFRS thông qua nhiều hình thức như: Đào tạo, cung cấp tài liệu giảng dạy, hỗ trợ kỹ thuật…
Liên quan đến lộ trình triển khai IFRS, Việt Nam nên nghiên cứu, xem xét triển khai IFRS ngay sau thời điểm Luật Kế toán 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Để việc triển khai IFRS đảm bảo tính khả thi, cơ quan quản lý nên đưa ra hệ thống chính sách theo hướng ban đầu áp dụng đối với các doanh nghiệp quy mô lớn thường xuyên có quan hệ sản xuất, kinh doanh với các đối tác quốc tế, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Khi những lợi ích của việc triển khai IFRS được kiểm chứng, đồng thời các yếu tố thuận lợi cho triển khai rộng rãi IFRS chín muồi, thì sẽ tiến tới áp dụng chuẩn mực này cho tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế.