Chứng khoán càng chơi, càng khắc nghiệt
Thị trường chứng khoán liên tục ra những đòn hiểm khiến nhà đầu tư choáng váng không kịp trở tay. Chỉ mới hôm trước, nhiều nhà đầu tư vẫn than vãn vì cổ phiếu giảm sàn, khiến tài khoản bị giải chấp. Sang đến ngày hôm sau, sắc tím tăng trần hàng loạt, giao dịch bùng nổ, khiến những người vừa bị giải chấp, hoặc không mua vào trước đó tiếc nuối.
Sau hai phiên tăng điểm mạnh, thị trường đã lấy lại phần nào những gì đã mất. Thị trường thăng hoa khiến cho nhiều người "chết đi sống lại" từng bán đổ, bán tháo chẳng ai mua, mong chạy thoát thân vượt qua cơn hoảng loạn đã vỡ òa niềm vui.
Từ hoảng loạn đến thăng hoa
Qua các phân tích kỹ thuật, các chuyên gia nhận định chỉ số VN-Index chạm ngưỡng hỗ trợ mạnh 510 – 515 đã bật tăng trở lại lên 555 điểm. Thị trường đã bật tăng, đúng như sức ép lò xo.
Ép xuống càng mạnh thì tăng lên càng cao theo hình chữ V. Thông thường với cách giảm sâu và bật cao như vậy thì sẽ không bền, nhưng tâm lý đám đông cũng phần nào được cải thiện hơn.
Thị trường có thể sẽ có một vài phiên hồi phục nữa, nhưng rủi ro vẫn tiềm ẩn.
Trong phiên giao dịch chiều 27/8, với điểm tựa là nhóm cổ phiếu dầu khí, ngân hàng và cả đầu cơ được mua mạnh giúp thị trường đã bật tăng mạnh. Tâm lý hưng phấn "đám đông" lại thực sự bùng nổ, sắc tím tràn ngập, thay thế hoàn toàn nổi buồn, thất vọng, sự sợ hãi, hoảng loạn tột cùng diễn ra trước đó.
Ở thời điểm hoảng loạn, nhà đầu tư nào lạc quan, tin tưởng nắm giữ dài hạn cũng phải hoang mang, lo lắng. Nhìn tài sản của mình hàng ngày, hàng giờ bốc hơi ai mà chẳng xót. Một số người đang từ tỷ phú xuống thành… triệu phú. Số khác vay nhiều, bị giải chấp thì có thể âm vốn, hoặc trắng tay. Đó là cuộc chơi khắc nghiệt của mọi nhà đầu tư tham gia chứng khoán trên toàn cầu.
Các lo ngại, rủi ro từ bên ngoài vẫn còn hiện hữu, Trung Quốc vẫn bị xem là nguồn cơn cuộc khủng hoảng, tháo chạy thời gian vừa qua. Còn Việt Nam, phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khẳng định không tiếp tục điều chỉnh tỷ giá. Theo lý giải của bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN, tỷ giá biến động mấy ngày gần đây chủ yếu do tâm lý và có thể là do tin đồn để đầu cơ, trục lợi.
Như vậy, có thể nói "ngày đen tối" của TTCK Việt Nam đã qua nhưng rủi ro thì vẫn còn đó. Cho nên, nhà đầu tư cần bình tĩnh trước mọi khó khăn, để chống đỡ với những nguy hiểm, rình rập trong thời gian tới.
Hồi kỹ thuật, rồi giảm lại?
Trở lại với diễn biến của thị trường khi tăng điểm mạnh, bao giờ thanh khoản cũng sụt giảm vì bị tiết cung nên mọi thứ vẫn còn khá thận trọng. Có những nhận định đây là chân sóng nên khả năng phục hồi sẽ rất cao. Tuy nhiên, với những đợt hồi phục kỹ thuật, nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục thử thách lại vùng này thêm một vài lần nữa trước khi vượt qua xu hướng giảm điểm.
Sau phiên các phiên tăng điểm, độ rộng thị trường mở rộng nhờ áp lực bán giá rẻ đã dịu bớt, nhường chỗ cho dòng tiền bắt đáy. Sự hồi phục đã hấp thụ hết lượng cung giải chấp tại vùng giá thấp. Thực tế, áp lực margin và lượng cổ phiếu có giá cao đang có cơ hội để cắt giảm vẫn còn rất lớn.
Với quan điểm thận trọng, các hoạt động giao dịch có mức độ rủi ro thấp nên tạm dừng và kiên nhẫn quan sát các tín hiệu tăng giá ổn định thì hãy mua vào. Tỷ trọng tiền mặt lớn vào thời điểm này vẫn là ưu tiên chính đối với hoạt động quản lý danh mục đầu tư.
Trong suốt thời gian giảm điểm, nhiều nhà đầu tư đang thua lỗ khá nặng, đó là chưa kể nhóm nhà đầu tư sử dụng margin khá cao để tham gia trong những phiên lao dốc. Các khuyến cáo đều cho rằng nhà đầu tư đang lỗ nặng thì nên cân nhắc nhịp hồi phục của thị trường để bán bớt ra.
Còn trường hợp xấu, khi thị trường lao dốc thì tránh bán tháo để gây tâm lý xấu lên thị trường, cũng là giảm rủi ro cho chính nhà đầu tư. Ai sử dụng margin cao thì có thể xem xét "cắt" hoặc nạp thêm tiền để tránh tình trạng bị CTCK giải chấp.
Các CTCK nhận định, dù thị trường có hai phiên bật tăng rất mạnh từ vùng đáy, tuy vậy, tâm lý bất ổn của thị trường vẫn đang hiện hữu và khối ngoại tiếp tục đẩy mạnh bán ròng khiến trạng thái bền vững của đà hồi phục không được đảm bảo.
Hiện tại, dòng tiền bắt đáy mấy hôm trước đã có lợi nhuận nên khả năng bán ra là rất cao, thị trường sẽ đối mặt với sự quay đầu giảm điểm nhanh chóng. Đây là phản ứng thường thấy đối với dòng tiền đầu cơ ngắn hạn sau giai đoạn lao dốc mạnh của thị trường.
Chỉ số đang tiến về vùng kháng cự mạnh, đánh dấu chân sóng được xác lập, nhưng các hoạt động giải ngân mua đuổi tại mức giá cao là vẫn rủi ro. Chỉ số sẽ sớm điều chỉnh, tạo điểm mua thứ hai sau đợt bắt đáy vừa qua. Nhà đầu tư có mức độ rủi ro thấp nên tập trung vào cơ hội này.
Ở khía cạnh khác, khối ngoại bán ròng trở lại, diễn biến này không quá ngạc nhiên do trước đó cả hai chứng chỉ quỹ ETF có giao dịch lớn tại thị trường Việt Nam đều đã ghi nhận mức mất giá mạnh và rơi vào trạng thái "chiếu khấu" (discount) khá sâu.
Với các hành động lướt sóng ngắn hạn, rủi ro hiện nay của thị trường đang ở mức cao và việc mạo hiểm bắt dao sẽ ẩn chứa nhiều nguy hiểm rất khó kiểm soát. Với các nhà đầu tư trung dài hạn, định giá của TTCK Việt Nam đang quay lại vùng "hấp dẫn" cho các hoạt động mua và nắm giữ.