Chứng khoán thế giới hoảng loạn, Việt Nam sẽ ra sao?
Thị trường toàn cầu phản ứng rất tiêu cực khi mức độ sụt giảm của thị trường chứng khoán lan rất mạnh. Người ta rất lo ngại về Trung Quốc đứng trước nguy cơ vỡ bong bóng. Nếu điều này là sự thật thì khủng hoảng tài chính toàn cầu sẽ bắt đầu. Dòng vốn đầu tư nước ngoài đang ồ ạt rút khỏi Trung Quốc khiến Chính phủ nước này không thể giữ ổn định hay cố định đồng nhân dân tệ như trước. Nếu họ cố giữ, dự trữ ngoại tệ sẽ càng hao hụt nên buộc phải phá giá tiếp.
Các nhà đầu tư lo ngại bong bóng tài sản của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ vỡ, kéo theo sự sụt giảm của kinh tế toàn cầu là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Các nhà phân tích cảnh báo sự hoảng loạn trên thị trường chứng khoán thế giới sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trung Quốc là nguồn gốc gây bất ổn. Các nỗ lực ổn định thị trường vốn và kích thích kinh tế của chính quyền Bắc Kinh đều không có hiệu quả, vụ phá giá đồng nhân dân tệ bất ngờ hai tuần trước khiến cả thế giới rúng động.
Nghi ngờ từ Trung Quốc
Giới đầu tư lo ngại chính quyền Trung Quốc không có biện pháp khả thi để quản lý các vấn đề kinh tế của nước này,bởi chưa có dấu hiệu gì cho thấy các biện pháp can thiệp của Chính phủ Trung Quốc đạt hiệu quả như mong muốn. Các biện pháp can thiệp thất bại chỉ khiến dư luận thêm nghi ngờ liệu chính quyền Trung Quốc có thể kiểm soát được tình hình hiện nay?
Các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ suy giảm do cuộc khủng hoảng hiện nay. Hồi tháng 7, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2015 từ 3,5% xuống còn 3,3%. Giới chuyên gia khẳng định chắc chắn IMF sẽ tiếp tục giảm dự báo tăng trưởng do vấn đề Trung Quốc ảnh hưởng đến các nền kinh tế mới nổi. Nhà kinh tế Charles Collyns thuộc Viện Tài chính quốc tế (IIF) mô tả sự hỗn loạn trên thị trường “là cú sốc kinh điển gây tác động lớn về trước mắt”. Dù vậy, giới chuyên gia đánh giá sẽ không có khả năng xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Một loạt nền kinh tế mới nổi có quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc phải đối mặt với nguy cơ lớn, trong đó có VN. Dòng vốn chảy ra khỏi các thị trường mới nổi đã tăng lên tới 1.000 tỉUSD, trong 13 tháng qua VN cũng không phải là ngoại lệ.
“Các nền kinh tế này là nhà sản xuất các mặt hàng mà Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ lớn nhất. Trung Quốc giảm nhập khẩu sẽ khiến họ thiệt hại nặng. Hiện tại, nguồn cung dầu, sắt, than, sản phẩm sữa… đã ứ đọng, ảnh hưởng đáng kể đến các nước sản xuất” chuyên gia Jane Foley thuộc Ngân hàng Rabobank cho biết. Các chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc cho rằng nước này có thể tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ và sẽ ảnh hưởng nặng nề tới các nền kinh tế mới nổi. Nếu Trung Quốc lại phá giá đồng NDT, xuất khẩu của các nước khác sẽ sụt giảm.
Áp lực vẫn còn
Hoảng loạn, tháo chạy, tàn sát với tâm trạng bi quan cao độ. Đó là những từ ngữ mà các nhà đầu tư, chiến lược gia và các ông chủ quỹ đầu cơ đã nghĩ đến để miêu tả chính xác những gì đã diễn ra trên thị trườngchứng khoántoàn cầu.
Cơn bán tháo trong ngày hôm 24/8 đã khiến 490 tỷ USD vốn hóa “bốc hơi” khỏi cácTTCKmới nổi, đẩy đồng ruble của nước Nga xuống mức giá thấp kỷ lục. Bầu không khí siêu ảm đạm khi nói về TTCK thế giới. Nếu mọi việc ở Trung Quốc không sớm ổn định lại, chúng ta có thể tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm mạnh hơn.
Bản chất của TTCK là các con sóng lúc lên cao khi xuống thấp. Cổ phiếu phải có lao dốc thì mới có lên dốc và điều quan trọng là tâm lý nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu trong những ngày này. Liệu có hay chăng việc nhà đầu tư đã phản ứng thái quá với những luồng thông thông tin bất lợi quốc tế?
Ông Yun Hang Jin, Giám đốc khối thị trường mới nổi tại Korea Investment & Securities (KIS Hàn Quốc), nhận định TTCK Việt Nam mặc dù đã trải qua 15 năm phát triển nhưng vẫn còn rất non trẻ, một khi có một hay vài thông tin bất lợi trên thế giới là thị trường cổ phiếu giảm sâu bất chấp các diễn biến kinh tế trong nước vẫn ổn định.
Theo ông Yun vì TTCK Việt Nam đang sở hữu một lượng lớn các nhà đầu tư cá nhân trong khi các quỹ đầu tư chiếm tỷ trọng rất nhỏ nên khi có thông tin xấu sẽ hình thành một làn sóng cùng bán hoặc cùng mua. Các nhà đầu tư Việt Nam chủ yếu đầu tư chứng khoán theo tâm lý bầy đàn, người ta bán thì mình cũng bán, người ta mua thì mình cũng mua, bất chấp tình hình doanh nghiệp có làm ăn tốt hay không, chính sách, kinh tế vĩ mô có ổn định. "Nhà đầu tư cá nhân Việt thiếu những kiến thức phân tích, nhận định về TTCK. Sự kém hiểu biết cộng với tâm lý bất an luôn coi TTCK chỉ là một cuộc chơi, kiếm tiền ngắn hạn nên mức độ rủi ro khi thị trường đón tin xấu là rất lớn”, ông Yun nhận định.