Chứng khoán đã được cứu?
Mấy phiên vừa qua, thị trường co giật liên tục khiến nhiều nhà đầu tư choáng váng. Lúc hoảng loạn, thị trường bị bán đổ, bán tháo làm chỉ số giảm cực sâu. Khi hứng khởi, người ta lại mua vào bằng mọi giá. Điều này cho thấy kinh tế vĩ mô vẫn còn bất ổn, nội lực thị trường sụt giảm, không còn đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư.
Chiều qua, với tin giá xăng giảm 700 đồng và Thông tư 123 hướng dẫn về "thủ tục, trình tự để các doanh nghiệp có thể đăng ký tỷ lệ sở hữu cho NĐT nước ngoài lên tối đa theo Nghị định 60" được ban hành, thị trường bắt đầu giao dịch sôi động hẳn lên. Liệu đây có phải là "liều thuốc bổ" cho thị trường trong thời gian tới?
Sáng giảm, chiều tăng
Sau vài phiên giảm mạnh, thị trường đã có phản ứng tốt khi dòng tiền tích cực đổ vào những cổ phiếu được kỳ vọng nới room cho nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, trong buổi sáng, việc tỷ giá bất ngờ được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng 1%, đồng thời nới biên độ giao dịch cho các ngân hàng thương mại quanh tỷ giá chính thức từ +/-2% lên +/-3% đã khiến thị trường lao dốc mạnh. Sang buổi chiều, với Thông tư 123 được ban hành, cùng giá xăng giảm mạnh giúp nhiều nhà đầu tư tự tin bắt đáy, hãm đà giảm tốt nhất có thể.
Thị trường đã hồi phục được phần nào và chỉ số VN-Index không bị rơi sâu khi nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí, chứng khoán được mua mạnh trở lại. Trước đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng hầu như bị hạ gục bởi rất nhiều tin đồn bắt bớ, đưa vào kiểm soát đặc biệt.
Nhà đầu tư từng mất hết kiên nhẫn khi bước vào phiên giao dịch chiều 17/8, áp lực bán tăng cao khiến bảng điện tử nhuốm sắc đỏ, đặc biệt, nhiều cổ phiếu ngân hàng đạp sàn. Thị trường lao dốc mạnh với thanh khoản vẫn duy trì ở mức khá thấp vô cùng ảm đảm.
Ngay sau đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng bị ảnh hưởng như Eximbank, DongABank đều lên tiếng bác bỏ những thông tin thất thiệt trên. Vì vậy, đã có rất nhiều nhà đầu tư mạnh dạn bắt đáy những cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt, tạo ra những tín hiệu giao dịch tích cực hơn.
Hàng loạt Bluechips bị bán mạnh trước đó đã hồi phục, thu hẹp đà giảm và thậm chí còn tăng điểm như GAS, VCB, REE, FPT, BVH… Đặc biệt, nhóm cổ phiếu chứng khoán đã "kín room" như HCM, SSI, VND thu hút dòng tiền nóng nên tăng rất mạnh. Một số cổ phiếu dệt may, thủy sản như TCM, TNG, VHC… cũng tăng điểm khá tích cực.
Có thể nói, áp lực điều chỉnh không lan tỏa rộng ra toàn thị trường, các nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao như bất động sản, xây dựng, chứng khoán…vẫn giao dịch tốt. Sự phục hồi này có thể là chỉ báo tốt để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu, ổn định tâm lý, vượt qua xu hướng giảm để trở lại chu kỳ tăng điểm.
Biến động khó lường
Nhìn sâu vào thị trường, những biến động ngắn hạn vẫn là rất khó lường khi tỷ giá bị phá vỡ mọi cam kết trước đó, khiến thị trường vẫn còn lo ngại. Chỉ khi có thông tin tích cực về quyết định nới room thì các giao dịch mới bớt rè rặt. Cho nên, nhà đầu tư vẫn thận trọng khi giao dịch mua bán, tránh sự hoảng hốt mà bị mất hàng, nhưng cũng không nên quá hồ hởi để mua vào bằng mọi giá.
Với các thông tin nhanh được phát đi đã kịp thời cứu thị trường không bị giải chấp "chóng vánh" trên diện rộng mà mọi thứ vẫn còn giao dịch trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, phần đông nhà đầu tư vẫn chọn cách đứng ngoài cuộc chơi, quan sát để tĩnh tâm, không bị rơi vào hoảng loạn cũng như hưng phấn quá mức.
Các thông tin biến động trên sàn cũng đã rõ hơn khi tin đồn không phải là sự thật. Chỉ có trường hợp ông Trầm Bê bị mất toàn bộ quyền cổ đông tại Sacombank và có thể còn phải bổ sung tài sản cho Ngân hàng Nhà nước để giải quyết hậu quả được công bố chính thức.
Một số doanh nghiệp đầu tư chéo vào cổ phiếu ngân hàng cũng bị ảnh hưởng nghiệm trọng như PNJ của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận. Sự bất ổn định của ngân hàng DongABank đã khiến cổ phiếu này có một vài phiên lao đao, giảm sàn chất đống khi thông tin trích lập dự phòng đầu tư vào ngân hàng này được phát đi. Tuy nhiên, với bản lĩnh của mình, ngay lập tức PNJ đã lấy lại phong độ mà không bị bán tháo dồn dập như những cổ phiếu khác, góp phần thúc đẩy thị trường đi lên.
Thị trường chứng khoán đã chịu đủ áp lực tin tốt, tin xấu xen kẽ lẫn nhau gây ra những đợt bán tháo, khiến tâm lý nhà đầu tư hoang mang. Tuy nhiên, những tin tức chính thống được phản ứng nhanh, kịp thời đã giúp thị trường bớt hoảng loạn hơn. Một số nhà đầu tư bản lĩnh, kinh nghiệm có thể linh hoạt mua vào những thời điểm thị trường sụt giảm mạnh, đón đầu xu hướng tăng trưởng trở lại.
Các doanh nghiệp bị khủng hoảng đã nhanh chóng xử lý tốt những thông tin bị nhiễu loạn, không né tránh, giúp nhà đầu tư bớt thiệt hại. Đây có lẽ là những bài học quý giá, để nhà đầu tư có niềm tin vững chắc vào thị trường chứng khoán.
Chỉ có ai đủ khả năng "sống sót" trong khủng hoảng, biến động mạnh thì sẽ nắm bắt được những cơ hội tốt mua vào những cổ phiếu tiềm năng, giá hợp lý để chiến thắng thị trường.