“Cuộc chơi mở” của thị trường chứng khoán
Tại Hội thảo Triển khai Nghị định số 60/2015/NĐ-CP sáng ngày 13/8, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cho rằng, việc ban hành, triển khai thi hành Nghị định sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý rất quan trọng trong thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán trong “cuộc chơi mở”, hội nhập thị trường quốc tế sâu rộng.
Thông tư hướng dẫn sẽ có trước 1/9/2015
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cho biết, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang khẩn trương triển khai xây dựng dự thảo các Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 60 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, để có thể triển khai trước thời điểm Nghị định có hiệu lực vào ngày 1/9 tới.
Đây được cho là Nghị định có tính nhạy cảm cao, song lại có thời gian chuẩn bị ban hành nhanh nhất. Do có liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài nên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã tiến hành lấy ý kiến đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm bảo đảm tính khả thi cao hơn khi triển khai thi hành trong thực tiễn.
Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, dự thảo thông tư liên quan đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room) dự kiến sẽ được trình ký trong tuần này, và bảo đảm cam kết của Bộ Tài chính là có Thông tư hướng dẫn trước khi có hiệu lực thi hành.
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Nguyễn Quang Việt, tỷ lệ sở hữu nước ngoài quy định tại dự thảo Thông tư hướng dẫn là tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp có quyền biểu quyết của cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài và thực hiện đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên.
Trong trường hợp điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thì thực hiện theo điều ước quốc tế. Đối với các công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà pháp luật về đầu tư, pháp luật liên quan có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thì thực hiện theo quy định tại pháp luật đó.
Đối với công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%...
Nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài là xu hướng tất yếu
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, việc triển khai Nghị định ở thời điểm này là gắn với các cam kết của nước ta trong WTO và đặc biệt là chuẩn bị kịp thời cho việc tham gia vào Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) thời gian tới.
Bởi bước vào cam kết trong một cuộc chơi mới, mở cửa hội nhập thị trường quốc tế là việc không thể chần chừ hơn nữa, nhất là việc nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room) là xu hướng tất yếu phải triển khai để phù hợp với quy định và điều ước quốc tế.
Trước đây khi mới mở cửa thị trường, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài chỉ ở mức 20%, sau đó lên 30% và 49%. Mức room 49% được duy trì trong thời gian khá dài, và việc nới room đã được tính toán từ cách đây 2 năm nhưng do khuôn khổ pháp lý và điều kiện thị trường trong nước chưa đáp ứng được nên đến nay mới có thể triển khai chủ trương lớn nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài này.
Nếu các doanh nghiệp không thuộc danh mục các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, hoặc luật chuyên ngành không có quy định khác thì mở room 100% tùy thuộc vào quyết định của doanh nghiệp.
Trước nhiều ý kiến cho rằng quy định để doanh nghiệp tự quyết việc nới room sẽ tạo rào cản đối với việc mở cửa, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, dự thảo Thông tư hướng dẫn chỉ là bước đệm ban đầu giúp doanh nghiệp có thời gian suy nghĩ, chuẩn bị đánh giá, và điều quan trọng là cần có sự kết hợp giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước để tạo ra sự đồng thuận cao và việc mở cửa này sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp ổn định và phát triển trong thời gian tới.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cho rằng, bây giờ “quả bóng” đã được đặt vào chân các doanh nghiệp, Ủy ban sẽ có hướng dẫn cụ thể cho tất cả công ty đại chúng để doanh nghiệp chuẩn bị lộ trình triển khai Thông tư này khi chính thức có hiệu lực thi hành. Nước ta đang trong quá trình hội nhập nên không thể đứng ngoài xu thế mở room lên tới 100% này trừ một số lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần có sự chuẩn bị tích cực, nhất là nâng cao năng lực quản trị công ty; nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực; cấu trúc nhân sự; và phải thực sự chủ động, quyết liệt mới có thể tiếp cận, thu hút dòng vốn quốc tế thời gian tới.