Chứng khoán Mỹ giảm mạnh, giới nhà giàu hoang mang

Theo Khả Hân/doanhnhansaigon.vn

Theo danh sách vừa được Tạp chí Forbes công bố vào đầu tháng 10, tỷ phú công nghệ Bill Gates sau 24 năm liền giữ ngôi vị người giàu nhất nước Mỹ thì năm nay đã nhường vị trí này cho CEO Amazon là Jeff Bezos với tài sản trị giá 160 tỷ USD.

Danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ năm nay cũng lập ra một số kỷ lục mới nhờ thị trường chứng khoán diễn biến tốt. Nguồn: internet
Danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ năm nay cũng lập ra một số kỷ lục mới nhờ thị trường chứng khoán diễn biến tốt. Nguồn: internet

Chứng khoán giảm, tài sản bốc hơi

Với 97 tỷ USD, Bill Gates đã rớt xuống vị trí thứ hai, thứ ba là nhà đầu tư Warren Buffett với 88,3 tỷ USD và thứ 4 là ông chủ của mạng xã hội khổng lồ Mark Zuckerberg với 61 tỷ USD. Tổng cộng, top 10 người giàu nhất nước Mỹ có tài sản gần 730 tỷ USD, tăng mạnh so với 610 tỷ USD năm ngoái.

Danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ năm nay cũng lập ra một số kỷ lục mới nhờ thị trường chứng khoán diễn biến tốt. Giá trị tài sản tối thiểu để lọt vào danh sách năm nay tăng lên 2,1 tỷ USD, cao hơn năm ngoái 100 triệu USD và là mức cao nhất từ trước tới nay. Tổng giá trị tài sản của 400 tỷ phú này là 2.900 tỷ USD, tăng hơn 7% so với năm 2017, trong đó 45 người giàu nhất chiếm tới 50%.

Tuy nhiên, trong một diễn biến khác cũng thu hút sự chú ý không kém liên quan tới các tỷ phú, đó là sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán vào thứ 5 tuần rồi đã làm bốc hơi 63 tỷ USD giá trị tài sản ròng của 500 tỷ phú giàu nhất thế giới, đánh dấu phiên sụt giảm mạnh nhất trong 6 tháng qua. Cụ thể, chỉ số Dow Jones rớt hơn 200 điểm - mức giảm lớn nhất trong gần ba tháng qua, trong khi chỉ số S&P 500 giảm mạnh 0,8% và Nasdaq chìm sâu 1,8%, ghi nhận mức rớt mạnh nhất từ cuối tháng 6 đến nay.

Chưa dừng lại ở đó, giá trị tài sản của nhóm này tiếp tục giảm mạnh trong ngày cuối tuần qua khi đà lao dốc lan rộng từ chứng khoán châu Á, châu Âu cho đến Mỹ, đặc biệt là nhóm cổ phiếu công nghệ châu Á lao đao vì thông tin Trung Quốc dùng chip để xâm nhập các công ty Mỹ.

Chỉ trong một ngày, tỷ phú giàu nhất châu Âu Bernard Arnault mất 3,5 tỷ USD giá trị tài sản ròng, mức giảm tài sản mạnh nhất trong danh sách các tỷ phú của Bloomberg Billionaires Index. Ông Arnault là nhà sáng lập của hãng đồ hiệu lớn nhất thế giới LVMH Moet Hennessy Louis Vuitton SE và hiện sở hữu khối tài sản 73,5 tỷ USD.

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ một lần nữa bứt phá mốc cản tâm lý 3% để leo lên mức cao nhất 11 năm qua tại 3,23%. Diễn biến này đã kích hoạt làn sóng bán tháo trên thị trường cổ phiếu, khi lợi suất trái phiếu tăng không chỉ lôi kéo dòng tiền từ thị trường cổ phiếu đổ sang, mà đó còn hàm ý lãi suất của USD sẽ tiếp tục đi lên.

Tài sản của hai anh em Alain và Gerard Wertheimer - chủ thương hiệu Chanel, giảm 775 triệu USD. Trong khi đó, ông François Pinault - nhà sáng lập của Kering, công ty sở hữu thương hiệu Gucci, mất 1,6 tỷ USD. Giới tỷ phú công nghệ Mỹ cũng chứng kiến sự sụt giảm mạnh tài sản trong ngày thứ Năm. Các tỷ phú Jeff Bezos của Amazon, Mark Zuckerberg của Facebook, Bill Gates của Microsoft, Larry Page và Sergey Brin của Google mất tổng cộng 8,4 tỷ USD.

Xuất hiện hiệu ứng domino

Lý giải về nguyên nhân thị trường rớt mạnh gần đây, ngoài những yếu tố gây áp lực suốt thời gian qua như rủi ro chiến tranh thương mại, khủng hoảng tại các nền kinh tế mới nổi, bất ổn chính trị tại châu Âu, thì một rủi ro "cũ” nhưng lại mới xuất hiện trở lại, đó là đà tăng vọt của lợi suất trái phiếu Mỹ.

Thứ 5 vừa qua, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ một lần nữa bứt phá mốc cản tâm lý 3% để leo lên mức cao nhất 11 năm qua tại 3,23%. Diễn biến này đã kích hoạt làn sóng bán tháo trên thị trường cổ phiếu, khi lợi suất trái phiếu tăng không chỉ lôi kéo dòng tiền từ thị trường cổ phiếu đổ sang, mà đó còn hàm ý lãi suất USD sẽ tiếp tục đi lên. Quan điểm này càng được củng cố khi Chủ tịch FED là Jerome Powell trong trả lời phỏng vấn vừa rồi gợi ý đến khả năng sẽ còn nhiều đợt nâng lãi suất USD nữa.

Theo dự báo của giới chuyên gia, nếu lợi suất trái phiếu Mỹ vượt mốc 3,5% thì đó sẽ là cơn ác mộng đối với các nền kinh tế mới nổi, vì sẽ rơi vào khủng hoảng khi đối mặt với dòng vốn quay về Mỹ-  xu hướng mạnh mẽ trong những tháng đầu năm nay và chỉ chững lại phần nào trong những tháng gần đây. Nếu điều này lại xảy ra, thị trường tài sản của các quốc gia này sẽ rớt không phanh, và giới nhà giàu sẽ chứng kiến tài sản của mình cứ ngày càng hao hụt dần.

Đà giảm mạnh của thị trường còn chịu tác động từ thông tin cho rằng Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát đối với việc du khách nước này mua nhiều hàng hiệu sau mỗi chuyến du lịch nước ngoài, và đó là lý do chính khiến giá cổ phiếu của các công ty thời trang và mỹ phẩm xa xỉ đồng loạt lao dốc.

Cổ phiếu Shiseido - hãng sản xuất mỹ phẩm cao cấp của Nhật Bản sụt 4,7% trong phiên ngày thứ 5 vừa qua ở thị trường Tokyo. Sự bán tháo lan sang thị trường châu Âu, khiến cổ phiếu Kering giảm 6,6%, cổ phiếu LVMH mất 5,5% giá trị, cổ phiếu hãng mỹ phẩm LOreal sụt 4%.

Thông tin này cũng dẫn tới lo ngại rằng Trung Quốc sẽ mạnh tay hơn đối với các hãng đồ hiệu, giữa lúc nhà đầu tư vốn dĩ đã lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung. Trong bối cảnh các cuộc đàm phán Mỹ - Trung đang rơi vào bế tắc, trong khi Mỹ nhanh chóng đạt hết thỏa thuận này tới thỏa thuận khác với các đối tác thương mại lớn, thì Trung Quốc đang ngày càng bị cô lập, do đó nếu không nhượng bộ thì khả năng Mỹ sẽ tiếp tục leo thang thương chiến với Trung Quốc.

Cộng thêm rủi ro từ yếu tố lãi suất như đã nói thì triển vọng của thị trường chứng khoán đang bi quan trở lại, nhất là khi các chỉ số đã liên tiếp lập kỷ lục gần đây thì nỗi lo về một đợt phân phối đỉnh và điều chỉnh trở lại là có cơ sở. Vì vậy, có lẽ đã đến lúc giới nhà giàu phải tìm cách bảo toàn giá trị tài sản của mình.