Sự chuyên quyền của đồng USD
Ông Trump đang dần rút nước Mỹ khỏi vị trí truyền thống “lãnh đạo của thế giới tự do”, thế nhưng đồng USD lại vẫn đang giữ vị trí tối cao.
Nghịch lý
Hiện đang có một nghịch lý trên thị trường tài chính toàn cầu. Trong các thập niên qua, đóng góp của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu ngày càng giảm, và hiện nay Tổng thống Trump đang dần rút nước Mỹ khỏi vị trí truyền thống “lãnh đạo của thế giới tự do”. Thế nhưng đồng USD lại vẫn đang giữ vị trí tối cao.
Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), đồng USD đang chiếm khoảng 2/3 số nợ quốc tế và một tỉ lệ tương đương như vậy đối với dự trữ ngoại hối. Dầu mỏ và vàng được định giá bằng USD, không phải euro hay yen.
Nhưng giờ đây nghịch lý USD đang có dấu hiệu được giải quyết. Các lãnh đạo chính trị trước đây vốn chấp nhận sự thống trị của USD, dù tình nguyện hay không, giờ đang tìm cách chống lại. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), ông Jean-Claude Juncker, trong một phát biểu hồi tháng 9 đã nói rằng rất “vô lý” khi mà các công ty châu Âu mua máy bay châu Âu nhưng phải trả bằng tiền của Mỹ. Hồi tháng 3, Trung Quốc đã thách thức sự thống trị của đồng USD trên thị trường năng lượng quốc tế bằng việc đưa ra các hợp đồng dầu thô tương lai bằng nhân dân tệ. Nga cũng đã cắt giảm dự trữ USD và tuyên bố rằng đồng tiền này “đang trở thành một thành tố nguy hiểm trong các định chế quốc tế”.
Những điều trên không phải là tin tốt đối với nước Mỹ. Nếu đồng USD mất đi vị trí trung tâm, nước Mỹ sẽ dễ tổn thương hơn khi đánh mất lòng tin của các nhà đầu tư. Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể sẽ phải thực hiện việc mà các quốc gia khác làm khi các nhà đầu tư toàn cầu hoảng loạn: tăng lãi suất lên đến mức khó chấp nhận để ngăn nguồn tiền chảy ra bên ngoài. Hiện tại, sự việc đang diễn ra ngược lại, khi có rắc rối xảy ra, các nhà đầu tư đổ vốn vào Mỹ để tìm nơi trú ẩn, ngay cả khi chính nước Mỹ là cội nguồn của rắc rối, giống như đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây 10 năm.
Dù vậy, vị thế của USD không phải là “điều hiển nhiên”. Nguy cơ hiện hữu của đồng USD chính là Mỹ làm quá tay trong các vấn đề cấm vận thương mại, đặc biệt là đối với Iran và các nước có giao thương với nước này. Chính quyền ông Trump đã rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran hồi tháng 5 vừa qua.
Những nguy cơ với vị thế USD
Các nhà lãnh đạo châu Âu, trong phản ứng với việc mà họ xem như là xâm phạm chủ quyền này của Mỹ, đã công khai xây dựng một hệ thống thanh toán cho phép các công ty châu Âu kinh doanh với Iran mà không bị cản trở bởi Bộ Ngân khố Mỹ và Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) đầy quyền lực của Bộ này.
Tỷ trọng các đồng tiền trong kênh thanh toán, cho vay quốc tế và dự trữ ngoại hối |
Điều này được xem như là một phần là do tâm lý không hài lòng với sự thống trị của đồng USD, vốn đang lan rộng. Ông Jacob Lew, bộ trưởng Ngân khố Mỹ dưới thời ông Obama đã cảnh báo rằng sử dụng quá đà các lệnh cấm vận sẽ ảnh hưởng đến vị trí lãnh đạo của Mỹ trên nền kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng ngay chính hiệu quả của các lệnh cấm vận này.
Điều tốt nhất với đồng USD hiện nay là các đối thủ của nó còn yếu kém. Đồng euro đại diện cho một liên minh tiền tệ, nhưng nó lại không có một hệ thống thuế trung ương và cơ quan quản lý chi tiêu. Khó khăn vừa qua của Italy chỉ là một thách thức mới nhất cho sự bền vững của khu vực đồng euro mà thôi. Nhân dân tệ cũng là một đối thủ cho ngai vàng tiền tệ này, nhưng Trung Quốc hiện vẫn còn e ngại đối với việc mở cửa cho giao thương toàn cầu và lưu chuyển dòng vốn, điều kiện tiên quyết cho một tiền tệ quốc tế.
Thách thức lâu dài nhất hiện nay của đồng USD chính là cái mà các nhà kinh tế học gọi là nghịch lý Triffin. Để Mỹ có thể cung cấp USD cho thế giới, nước này sẽ phải tạo ra thâm hụt thương mại. Các đối tác thương mại dự trữ USD họ thu được từ xuất khẩu thay vì tiêu số tiền này vào hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Về lâu dài, thâm hụt thương mại mãn tính lại làm giảm lòng tin vào đồng USD. Lợi thế của nước Mỹ chính là Mỹ luôn được đi vay không lãi suất từ các nước trên thế giới khi mà đồng USD được tiêu thụ ở ngoài nước Mỹ.
Nhược điểm của việc này là nhu cầu của đồng USD sẽ đẩy tỉ giá hối đoái lên, làm các sản phẩm của Mỹ kém cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, nếu có một ngày các nước khác quyết định dùng USD để mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, người Mỹ đột nhiên sẽ có rất nhiều việc phải làm, và lúc này người Mỹ sẽ phải sống dưới mức những gì họ làm ra.
Về tổng thể, quyền lãnh đạo của Mỹ được lợi dựa vào một đồng tiền có nhu cầu lớn. Vấn đề là làm sao để đồng USD tiếp tục là đồng tiền được thế giới ưa chuộng. Giữ vững các mối quan hệ đồng minh là một cách. Một cách khác là khiến đồng USD luôn sẵn sàng để cung cấp cho các đối tác thương mại. Một cách nữa là cố gắng hạn chế việc dùng sự thống trị của đồng USD như một cây gậy để chống lại các đồng minh thân cận.
(Tựa bài do DNSG Online đặt lại)