Chứng khoán sẽ ra sao với kịch bản Fed tăng 100 điểm lãi suất?

Theo Đúc Mạnh/laodong.vn

Chứng khoán Mỹ rơi thẳng xuống đáy tháng 6/2020 sau khi số liệu lạm phát Mỹ vẫn ở mức báo động trong tháng 8 vừa qua. Giới đầu tư ngày càng lo ngại rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy nền kinh tế vào một cuộc suy thoái nếu tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất.

Tháng 8 vừa qua, Mỹ ghi nhận chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,3% so với năm 2021, cao hơn mức tăng 8,1% được dự đoán trước đó. Dù CPI vẫn giảm so với mốc 8,5% hồi tháng 7 và 9,1% trong tháng 6, lạm phát cơ bản (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) vẫn leo thang. Cụ thể, lạm phát cơ bản tăng 0,6% vào tháng 8, gấp đôi so với dự đoán của các nhà kinh tế và nhân hai so với mức tăng 0,3% của tháng 7.

Hầu hết chuyên gia tại Phố Wall vẫn dự báo rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách vào tuần tới. Tuy nhiên, kỳ vọng về một đợt tăng 100 điểm cơ bản lại đang dần manh nha. Thị trường nghiêng 20% về khả năng Fed sẽ tăng lãi suất cao hơn 100 điểm cơ bản, theo dữ liệu từ CME Group.

Các nhà kinh tế tại ngân hàng đầu tư Nomura Securities đã thay đổi dự báo của mình về cuộc họp sắp tới của Fed. Nhà băng này cho biết, Fed có khả năng sẽ tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản, tiếp theo là tăng 50 điểm cơ bản tại mỗi cuộc họp vào tháng 11 và tháng 12.

“Báo cáo CPI tháng 8 cho thấy, một loạt rủi ro lạm phát nóng lên có thể đang thành hiện thực”, báo cáo viết.

Ông Sam Stovall - Chiến lược gia tại hãng nghiên cứu đầu tư CFRA Research - nhận định: "Nếu ngân hàng trung ương tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản vào tuần tới sẽ là điều lo ngại. Bởi nó cho thấy Fed không tin vào kế hoạch "hạ cánh mềm" của mình và sự siết chặt quá mức này sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái".

Chứng khoán sẽ ra sao với kịch bản Fed tăng 100 điểm lãi suất? - Ảnh 1

Lần cuối cùng Fed nâng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản là hơn 4 thập kỷ trước, khi ông Paul Volcker ở vị trí chủ tịch. Theo đó, Fed đã tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản 7 lần từ tháng 11/1978 đến tháng 5/1981. Lạm phát ở mức 9% vào tháng 11/1978 trước khi đạt đỉnh 14,6% vào tháng 3/1980. Trong khi đó, lạm phát cơ bản ở mức 8,5%, đỉnh điểm là 13,6% vào tháng 6/1980.

Phản ứng lại, chứng khoán Mỹ đã lập tức lao dốc gần 60% từ đỉnh gần nhất. Chỉ số S&P 500 giảm trung bình 2,4%/tháng sau quyết định này. Sau 3 tháng trồi sụt, thị trường mới tìm lại đà hồi phục với S&P 500 tăng trung bình 0,1%/tháng.

Cựu Chủ tịch Paul Volcker chịu trách nhiệm cho 6/7 lần tăng lãi suất 100 điểm cơ bản này. Với sự quyết tâm mạnh mẽ nhằm hạ nhiệt lạm phát bằng mọi cách, ông Volcker đã ngay lập tức tăng lãi suất lên 100 điểm cơ bản 4 lần vào năm 1980, ngay sau khi nhậm chức. Điều thú vị là chỉ số S&P 500 đã tăng 25% trong năm đó. Tuy nhiên, độ trễ của động thái này thực sự xảy đến khi đẩy nền kinh tế Mỹ vào cuộc suy thoái từ năm 1981 - 1982.

Trước ông Volcker, vào những năm 1970, Chủ tịch Fed lúc đó là Arthur Burns đã chậm chạp trong việc phản ứng với căng thẳng lạm phát, phân vân giữa tăng hay giảm lãi suất.

Dù hiện tại nước Mỹ đang chứng kiến điểm tương đồng với thời kỳ lạm phát đỉnh điểm cách đây 40 năm, nhưng nền kinh tế lại đang ở vị thế vững chắc hơn. Điều này tới từ thị trường lao động tích cực và chi tiêu tiêu dùng ổn định.

Dù vậy vẫn còn phải xem liệu Fed có thể "hạ cánh mềm" hay quyết tâm thắt chặt tiền tệ lại đẩy nền kinh tế đi vào suy thoái, tương tự như vào đầu những năm 1980 trong nhiệm kỳ của ông Volcker.