Chứng khoán toàn cầu khó tránh biến động


Trong ngắn hạn, môi trường tiền tệ mới với những yếu tố bên ngoài tác động mạnh mẽ sẽ đặt ra thách thức đối với thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó Việt Nam cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu muốn tăng lãi suất thêm một chút và giữ chúng ở mức cao
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu muốn tăng lãi suất thêm một chút và giữ chúng ở mức cao

Thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục phản ánh hai chủ đề quan trọng đó là: Lãi suất sẽ vẫn cao hơn đáng kể so với mức trung bình của những năm gần đây, cho đến khi có bằng chứng rõ ràng về việc lạm phát quay trở lại mức dễ chịu hơn. Và tăng trưởng thu nhập doanh nghiệp đang chậm lại...

Câu hỏi đặt ra cho các nhà đầu tư là liệu giá thị trường hiện tại đã kết hợp đầy đủ hai xu hướng này hay chưa? Theo quan điểm của ông Chris Iggo - Chủ tịch của AXA Investment Institute chia sẻ trên SCMP, thị trường trái phiếu dường như phù hợp với các thông điệp đến từ các ngân hàng trung ương, có thể mang đến một số cơ hội hấp dẫn cho nhà đầu tư. Trong khi, thị trường chứng khoán vẫn phải chịu rủi ro với nhiều tin tức không mấy tích cực. Điều này có nghĩa là lợi nhuận từ thị trường chứng khoán sẽ khá biến động trong những tháng tới, ngay cả khi triển vọng dài hạn được cho là tích cực.

Các quan chức từ các ngân hàng trung ương tiếp tục cảnh báo rằng, mức lạm phát hiện tại quá cao và chính sách tiền tệ có thể cần phải được thắt chặt hơn nữa để giảm lạm phát. Nhưng dường như các thị trường vẫn chưa hiểu rõ thông điệp và vẫn được khuyến khích rằng tỷ lệ lạm phát đang thấp hơn.

Tại Mỹ, tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng hàng năm đã đạt đỉnh 9% vào tháng 6/2022 và giảm xuống mức 6,4% vào tháng 1/2023. Tại Liên minh châu Âu (EU), lạm phát đạt đỉnh ở mức 10,6% vào tháng 10/2022 nhưng sau đó cũng giảm xuống còn 8,5% vào tháng 1.

Nhìn chung, các nhà kinh tế nhận thấy lạm phát sẽ giảm hơn nữa trong những tháng tới do giá năng lượng toàn cầu thấp hơn, giảm áp lực lên chuỗi cung ứng và các hiệu ứng khác kết hợp lại. Mặc dù có xu hướng đáng khích lệ này, nhưng lạm phát vẫn là vấn đề khó khăn. Đặc biệt, lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ không giảm nhanh như vậy trong khi quan trọng là thị trường lao động vẫn rất chặt chẽ.

Chủ tịch của AXA Investment Institute cũng nhận định, rủi ro ở đây là tăng trưởng tiền lương cao hơn sẽ dẫn đến tăng thêm áp lực lạm phát cơ bản. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu muốn tăng lãi suất thêm một chút và giữ chúng ở mức cao. Do đó, thị trường đã điều chỉnh giá để phản ánh điều này và dự kiến sẽ không cắt giảm lãi suất vào năm 2023.

“Lãi suất cao hơn cũng được phản ánh trong lợi suất trên thị trường trái phiếu toàn cầu. Điều này làm cho thu nhập cố định trở thành một loại tài sản hấp dẫn với triển vọng kinh tế. Đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ bị đảo ngược, nghĩa là lợi suất của trái phiếu dài hạn thấp hơn lợi suất của trái phiếu ngắn hạn, nhưng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì điều này không xảy ra”, ông Chris Iggo phân tích.

Như vậy, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn sẽ mang lại nguy cơ tăng trưởng kinh tế chậm hơn và môi trường khó khăn hơn cho các doanh nghiệp. Các ngân hàng trung ương muốn làm chậm tổng cầu để giúp giảm lạm phát sẽ dẫn đến nguy cơ suy thoái cao, trong khi luôn có độ trễ về chính sách.

Theo ông Phan Lê Thành Long, chuyên gia tài chính, lo ngại lớn nhất của thị trường Mỹ trong giai đoạn này là sự “diều hâu” của Fed. Vừa qua Fed đã công bố báo cáo chính thức của kỳ họp vào ngày 31/1 và 1/2, đưa ra thông điệp rất rõ ràng về sự kỳ vọng của lạm phát và tăng lãi suất.  Điểm chính là lạm phát đã đạt đỉnh, nhưng không có nghĩa rằng nó sẽ sụt giảm ngay lập tức, mà tốc độ giảm chậm hơn nhiều so với kỳ vọng của Fed, vì vậy đợt tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 3 tới đây đang được dự báo là một con số cao hơn. Đây là yếu tố rất quan trọng tác động đến thị trường Mỹ.

Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh trong mảng bán lẻ cho thấy con số rất yếu, khi kết quả kinh doanh bán lẻ yếu cho thấy hiện trạng của nền kinh tế đang khá yếu, bất chấp thị trường lao động tăng mạnh trở lại. Ngay cả khi lao động tăng mạnh trở lại cũng là một sức ép nữa đến lạm phát, do đó, Fed sẽ có xu hướng diều hâu hơn.

Thêm vào đó là các yếu tố bên ngoài thị trường, như căng thẳng địa chính trị. Trong suốt tuần vừa qua giới truyền thông đưa tin về cuộc viếng thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thủ đô Kiev, thông điệp liên bang của Tổng thống Nga Putin hay các nội dung liên quan đều có thể kích hoạt những hoạt động mà thế giới không thể tưởng tượng được. Đây là một trong những điểm gây ra lo ngại ở thị trường Việt Nam khi những yếu tố ngoài thị trường tác động mạnh mẽ hơn.

“Tại Việt Nam, chúng ta đang cố gắng giảm lãi suất và lãi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn vừa qua cũng đang có xu hướng giảm rõ nét. Đó cũng sẽ là dấu hiệu tiền đề cho việc Ngân hàng Nhà nước có dư địa tốt hơn trong điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt năm 2023 này”, ông Long nhìn nhận.

Có thể thấy, môi trường tiền tệ mới sẽ đặt ra thách thức cho các nhà đầu tư, nhất là trong ngắn hạn sẽ có những rủi ro đối với thị trường chứng khoán toàn cầu. Trong khi đó, thị trường trái phiếu có thể mang lại lợi nhuận hấp dẫn với mức lợi suất và triển vọng lạm phát thấp hơn trong thời gian tới.

Theo Diễm Ngọc/Diendandoanhnghiep.vn