Chứng khoán vào nhịp hồi
Các chuyên gia nhận định thị trường đang vào giai đoạn sóng hồi, nhà đầu tư cần cẩn trọng hơn với câu chuyện giao dịch ngắn hạn bởi sẽ còn xuất hiện những nhịp rung lắc.
Sau hai tuần giảm điểm liên tiếp, thị trường đã có sự hồi phục trong tuần qua với thanh khoản gia tăng rõ nét, cao hơn mức trung bình 20 tuần gần nhất.
Cụ thể, dù khởi đầu tương đối tiêu cực khi VN-Index sụt giảm liên tiếp hai phiên đầu tuần với mức giảm lần lượt là 13,49 điểm và 29,14 điểm. Song, sự đảo chiều ấn tượng trong phiên thứ Tư (16/11/2022) đã giúp chỉ số lấy lại gần hết những điểm giảm trước đó. Trong phiên này, chỉ số có thời điểm giảm gần 40 điểm và rơi xuống dưới vùng 900 nhưng sau đó bất ngờ đảo chiều để kết phiên tăng hơn 30 điểm, tương đương biên độ dao động lên tới gần 70 điểm. Ở những phiên cuối tuần, đà tăng của chỉ số có phần giảm tốc và các cổ phiếu trên thị trường cũng phân hóa rõ nét hơn.
Tính chung cả tuần giao dịch (14-18/11), VN-Index tăng 14,8 điểm (+1,6%) lên 969,33 điểm, HNX-Index tăng 1,06 điểm (+0,6%) lên 190,87 điểm. Giá trị giao dịch trên HoSE tăng 11,4% so với tuần trước đó lên 58.720 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 24% lên 3.857 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 2,3% so với tuần trước đó lên 4.638 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 37,7% lên 434 triệu cổ phiếu.
Xét theo mức độ đóng góp, họ nhà Vingroup là VIC, VHM và VRE và các mã khác như HPG, MSN, CTG cùng là những mã có tác động tích cực nhất đến VN-Index. Tính riêng VIC đã góp hơn 11 điểm tăng cho chỉ số này. Ở chiều ngược lại, NVL, EIB, SAB và PDR là những mã có tác động tiêu cực nhất.
Thị trường hồi phục trong tuần qua giúp cho phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu đều hồi phục. Điển hình là ngành thép với các đại diện như HPG (+22,8%), HSG (+11%), NKG (+7,6%)...Nhóm chứng khoán cũng tích cực với các cổ phiếu như SSI (+15,2%), HCM (+4,8%), VND (+13,3%), SHS (+9,4%)... Nhóm ngành bất động sản cũng giao dịch khá tốt với các mã như VHM (+8,7%), VIC (+20,8%), DIG (+2,1%), NLG (+11,1%), KDH (+9,4%)... Ở chiều ngược lại, nhóm dầu khí giảm mạnh nhất thị trường khi mất 9,5% giá trị vốn hóa. Các cổ phiếu tiêu biểu trong nhóm này là BSR (-14%), OIL (-10,1%), PVD (-11,9%), PVS (-13,2%), PLX (-7,7%)...
Khối ngoại có tuần mua ròng thứ hai liên tiếp trên hai sàn với tổng cộng giá trị mua ròng đạt 5.155,09 tỷ đồng. Xét theo khối lượng ròng, STB là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với 50,2 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là HPG và SSI với lần lượt 46,2 triệu cổ phiếu và 26,4 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, MBB là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 5,7 triệu cổ phiếu.
Tương tự, nhóm tự doanh chứng khoán cũng mua ròng hơn 450 tỷ đồng trong tuần qua, tập trung gom EIB, HPG, KBC.
Ông Lê Đức Khánh - Chuyên gia VPS cho biết, sau khi ghi nhận phiên phục hồi rất mạnh trong ngày thứ Tư (16/11) VN-Index đã rung lắc trong những phiên sau đó, vùng kháng cự mà chỉ số này hướng đến trong tuần sau là 960-980 điểm.
"Đây đang là giai đoạn sóng hồi, nhà đầu tư cần cẩn trọng hơn với câu chuyện giao dịch ngắn hạn bởi sẽ còn xuất hiện những nhịp rung lắc", ông Lê Đức Khánh nhận định.
Còn theo ông Ngô Quốc Hưng, chuyên gia MBS, dù tuần vừa qua thị trường đã có nhịp hồi phục rất ấn tượng, song nhịp hồi phục của chứng khoán Việt Nam vẫn chậm so với chứng khoán thế giới.
"Bên cạnh thanh khoản đi lên, điểm tích cực trong tuần qua còn đến từ giao dịch mua ròng tích cực của khối ngoại. Tôi cho rằng nhịp phục hồi này sẽ đồng pha với diễn biến thị trường thế giới. Ngưỡng kháng cự tiếp theo sẽ là 1.050-1.075 điểm", chuyên gia MBS nhận định.
Trong phân tích mới đây, SHS đánh giá, với việc chốt tuần ở mức 969,33 điểm thì VN-Index đang dần vượt xa trên ngưỡng hỗ trợ và tâm lý 900 điểm, tuy nhiên chỉ số này vẫn chưa thoát khỏi xu hướng downtrend kéo dài. Dù vậy, theo SHS, với đà hồi phục mạnh mẽ trong 3 phiên cuối tuần có thể hy vọng VN-Index sẽ phá vỡ xu hướng downtrend cũ và chuyển trạng thái sang vận động tích cực hơn.
Một tín hiệu khác theo SHS cũng khá tích cực trong những phiên gần đây là sự trở lại mua ròng mạnh mẽ từ khối ngoại, nhiều cổ phiếu trụ cột như VCB, BID, VIC, GAS, HPG... đã bắt đầu có những biến động tích cực hơn so với thị trường, điều này phát ra tín hiệu sớm rằng các cổ phiếu đầu ngành có thể tích lũy lại và chuyển sang giai đoạn tăng giá tiếp theo sớm hơn thị trường và xu hướng đó sẽ lan tỏa dần ra các cổ phiếu khác.
"Mặc dù giai đoạn hiện tại chỉ số chính vẫn đang trong downtrend và tiếp tục sẽ có những biến động mạnh (rơi sâu và có những đợt hồi phục mạnh) nhưng chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ dần cân bằng và chặt chẽ trở lại (biên độ dao động hẹp với khối lượng giao dịch thấp) trong thời gian tới để tích lũy cho một chu kỳ hồi phục mới", SHS dự báo.
Nhóm phân tích này khuyến nghị nhà đầu tư chưa nên tham gia vào thị trường với tỷ trọng lớn trong giai đoạn hiện tại, tránh mua đuổi ở vùng giá cao. Đối với danh mục dài hạn, nên kiên nhẫn tiếp tục nắm giữ bởi thị trường đã bắt đầu phát ra những tín hiệu hồi phục tích cực, nếu mua mới nên lựa chọn những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, có tiềm năng tăng trưởng hoặc các cổ phiếu đầu ngành và đang có xu hướng hồi phục mạnh mẽ hơn thị trường chung.
Về phần mình, VCBS nhận định nhịp hồi phục kể từ giữa tuần giao dịch vừa rồi đã phần nào xoa dịu nỗi âu lo trong lòng nhà đâu tư, nhất là khi được củng cố bởi sự cải thiện về thanh khoản. VCBS kỳ vọng VN-Index sẽ dao động tích lũy với biên độ biến động thu hẹp dần trong tuần sau, qua đó ổn định mặt bằng giá mới cũng như chính thức tạo đáy ở khung đồ thị tuần. Tuy nhiên, nếu chỉ số tiếp tục quán tính điểm và xuyên thủng vùng hỗ trợ 900-950 vừa được thiết lập thì đây sẽ là tín hiệu rất xấu.
Nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp phục hồi hiện tại của thị trường để giao dịch "lướt sóng" ngắn hạn với các cổ phiếu vừa bước vào nhịp phục hồi trong một vài phiên vừa qua, trong đó chú ý nhiều hơn tới nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ. Tuy nhiên, tỷ trọng cổ phiếu vẫn chỉ nên chiếm khoảng 20 - 30% tài khoản và hạn chế sử dụng đòn bẩy trong giai đoạn này, đồng thời nhà đầu tư cũng cần bám sát diễn biến giá trong phiên để kịp thời hạ tỷ trọng cổ phiếu nếu VN-Index bất ngờ rơi mạnh xuống dưới vùng 900 điểm.