Chứng quyền có bảo đảm đã vượt quá giá trị hợp lý!
Hiện, chứng quyền có bảo đảm (CW) đã có hiện tượng tạm hạ nhiệt nhưng so với giá phát hành, nhiều mã vẫn có mức tăng trưởng hơn 100%. Trước lo ngại rủi ro mà các nhà đầu tư phải đối mặt, một giải pháp được đưa ra là sẽ phát hành bổ sung CW nhằm tăng nguồn cung ra thị trường.
Tính đến phiên giao dịch ngày 11/7, sau 10 phiên chính thức giao dịch, hầu hết các mã chứng quyền vẫn đều ghi nhận mức tăng ấn tượng nổi bật nhất là CFPT1901 đang có giá 3.960 đồng/cq, tăng 103,2% và CMWG1901 tăng 115% hiện đang giao dịch tại mức giá 4.300 đồng/cq.
Ngoài ra, các mã chứng quyền khác cùng đều ghi nhận mức tăng vài chục phần trăm như CHPG1901 tăng khoảng 16,7% hiện đang có giá 1.400 đồng/ cq; CMBB1901 tăng 45,8% lên 2.770 đồng/ cq; CMWG1902 tăng 47,5% lên 4.410 đồng/ cq; CPNJ1901 cũng tăng 21,2%.
Cảnh báo rủi ro
Trước tình trạng tăng nóng của nhiều mã chứng quyền, các cảnh báo rủi ro đã được nhiều chuyên gia chứng khoán đưa ra nhằm khuyến nghị các nhà đầu tư cẩn trọng trong giao dịch.
Theo nhận định của một chuyên gia chứng khoán của CTCK SSI, nếu định giá theo mô hình định giá quyền chọn Black Scholes và dùng độ biến động giá cao nhất trong 2 – 3 năm vừa qua, một số mã CW có giá thực tế đang cao hơn giá lý thuyết rất nhiều.
Có thể lấy ví dụ mã CFPT190. Các chuyên gia cho rằng hiện mã chứng quyền này đang được giao dịch ở mức giá quá cao với biến động giá khoảng 94% trong khi lịch sử hai năm gần nhất, độ biến động giá của cổ phiếu cơ sở FPT chưa bao giờ vượt quá 50%.
Nếu sử dụng biến động giá 50% để làm đầu vào cho mô hình định giá quyền chọn Black Scholes thì giá của CFPT1901 chỉ còn ở mức 2.400 đồng/cq thay vì trong vùng giá 4.000 đồng/cq như hiện nay.
Nhà đầu tư sẽ đạt điểm hoà vốn khi giá cổ phiếu cơ sở đạt 53.360 đồng/cp. Có nghĩa là giá cổ phiếu FPT phải tăng thêm hơn 14,5% trong vòng 2 tháng, đây là một điều không dễ dàng đối với thị trường chứng khoán hiện nay.
Tương tự, với giá CMWG1901 là 4.300 đồng/cp, nhà đầu tư sẽ hòa vốn và có lãi khi MWG có giá trên 105.500 đồng/cp, phải đạt mức tăng hơn 10% trong gần 3 tháng. Thậm chí có mã cổ phiếu cơ sở cần tăng 20% trong 2 tháng hoặc hơn 100% trong 5 tháng nhà đầu tư mới hòa vốn.
Ngoài ra, việc CW tăng giá quá cao sẽ gây bất lợi cho những nhà đầu tư mua sau bởi giá trị của CW có thể về 0 tại ngày đáo hạn.
Cần nhớ rằng CW có kỳ hạn, không phải có giá trị vĩnh viễn như chứng khoán cơ sở, nên nếu mua quá cao mà không thể bán ra với giá cao hơn thì nhà đầu tư sẽ bị lỗ.
Thực tế, các CTCK có nghĩa vụ tạo lập thị trường chứng quyền nhằm đảm bảo thanh khoản giao dịch, giúp CW dao động quanh giá trị hợp lý theo cung cầu.
Tuy nhiên, vì lượng CW phát hành có hạn và không nhiều nên sẽ có trường hợp CTCK hết “hàng” ở kho trong quá trình tạo lập thị trường. Như vậy, nhà đầu tư có thể gặp tình trạng giá CW biến động bất thường, không hợp lý.
Trên thực tế, biến động giá CW gây rủi ro cho nhà đầu tư còn đối với CTCK rủi ro sẽ nằm ở việc phòng ngừa rủi ro và tạo lập thị trường.
Đối với nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro, CTCK có thể kiểm soát được rủi ro bằng việc xác định giá CW khi bán ra. Về rủi ro tạo lập thị trường, công ty chứng khoán có thể sẽ gặp rủi ro khi có hiện tượng làm giá.
Tuy nhiên, mức độ rủi ro này sẽ không quá cao do quy định về tạo lập thị trường không đòi hỏi các đơn vị phát hành tốn nhiều chi phí.
Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ trước khi giao dịch CW |
Giải pháp hỗ trợ
Theo quy định, nếu tỷ lệ chênh lệch giá trên thị trường vượt quá 5% thì tổ chức phát hành phải tham gia đặt lệnh tạo lập thị trường trong vòng 5 phút, khối lượng đặt lệnh tối thiểu 100 đơn vị, thời gian lệnh trên hệ thống tối thiểu 1 phút.
Trong quy chế tạo lập thị trường và phòng ngừa rủi ro có nội dung, nhà tạo lập thị trường có các trường hợp được miễn trừ nghĩa vụ tạo lập như: Giá tăng trần, giảm sàn, chứng quyền có lãi từ 30% trở lên hoặc 14 ngày trước ngày đáo hạn…
Theo ông Nguyễn Đức Thông, Giám đốc Giao dịch Phái sinh CTCK SSI, các CTCK có thể sẽ phát hành bổ sung CW tăng nguồn cung ra thị trường nhằm giúp cho tổ chức phát hành linh hoạt hơn trong nghiệp vụ tạo lập thị trường.
Bằng giải pháp này, CTCK có thể ổn định được giá CW, điều chỉnh về mức hợp lý theo giá trị lý thuyết/thực tế giúp nhà đầu tư yên tâm mua/ bán CW.
Về phía cơ quan chuyên trách, HoSE cho biết đã xây dựng hệ thống phần mềm để giám sát thực hiện nghĩa vụ phòng ngừa rủi ro của CTCK .
Theo đó, CTCK thực hiện khối lượng mua bán hàng ngày theo công thức tính toán được quy định cụ thể trong bản cáo bạch gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) khi xin phép phát hành.
Nếu không thực hiện nghĩa vụ phòng ngừa rủi ro hoặc thực hiện không đúng, công ty chứng khoán sẽ phải giải trình, nộp tiền tương ứng với phần chênh lệch vào tài khoản, bị cảnh báo trên toàn thị trường, trình UBCKNN tạm ngừng giao dịch hoặc hủy niêm yết toàn bộ CW đã phát hành.
Dù đã được chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng CW vẫn được đánh giá là một sản phẩm rủi ro đối với các nhà đầu tư, do đó, nhà đầu tư cần tìm hiểu và trang bị kỹ kiến thức về CW trước khi tham gia giao dịch.