Chứng quyền có bảo đảm sẽ hấp dẫn nhà đầu tư?

Theo Lê Mỹ/enternews.vn

Theo Công ty Chứng khoán SSI, chứng quyền có bảo đảm (CW) sẽ là sản phẩm thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh giao dịch trên thị trường dường như vẫn đợi luồng gió mới.

Chứng quyền có bảo đảm sẽ là sản phẩm thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư. Nguồn: Internet.
Chứng quyền có bảo đảm sẽ là sản phẩm thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư. Nguồn: Internet.

CW là sản phẩm đã được giới thiệu tại thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam từ cách đây gần 2 năm. Tuy nhiên, sản phẩm này mới chỉ được cơ quan quản lý lên kế hoạch chính thức sẽ niêm yết và đưa vào giao dịch trên sàn HOSE, nhằm đa dạng hóa sản phẩm đầu tư trên thị trường chứng khoán, tạo thêm công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư, từ đó tạo thêm sức hấp dẫn với dòng vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời góp phần giải quyết bài toán cho cổ phiếu hết room.

CW là sản phẩm do các công ty chứng khoán phát hành, có hoạt động giao dịch tương tự như chứng khoán cơ sở và luôn gắn liền với 1 mã chứng khoán cơ sở để làm căn cứ tham chiếu xác định lãi/lỗ.

Ông Nguyễn Đức Thông, Giám đốc Giao dịch phái sinh SSI cho biết, trên thế giới, CW là sản phẩm thông dụng tại nhiều TTCK phát triển. Các thị trường có sản phẩm CW phát triển như Đài Loan, Thái Lan, Hồng Kông hay Hàn Quốc có khá nhiều điểm tương đồng với TTCK Việt Nam, như tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân tham gia giao dịch lớn, chủ yếu là giao dịch ngắn hạn, có nhu cầu sử dụng công cụ đòn bẩy cao. Là một thị trường còn non trẻ, với sự tham gia của hơn 99% nhà đầu tư cá nhân, việc đưa những sản phẩm cấu trúc cao cấp đến với TTCK Việt Nam được xem là một bước đi đúng đắn và cần thiết.

Theo đánh giá của đại diện một tổ chức đầu tư, sự hiện diện của CW, cùng với cổ phiếu, hợp đồng tương lai, sẽ góp phần hoàn thiện dần các sản phẩm, dịch vụ trên TTCK, giúp đa dạng hóa các kênh đầu tư, phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh thị trường năm 2019 được dự báo sẽ có nhiều biến động. Đặc biệt, đây cũng là một trong những điều kiện để Việt Nam thực sự đáp ứng được các chuẩn mực nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Ở góc độ cơ hội cho nhà đầu tư, sản phẩm CW khi ra đời được kỳ vọng sẽ thu hút được phần đông nhà đầu tư tham gia, mang tới cơ hội cho nhà đầu tư được giao dịch với tỷ lệ đòn bẩy cao, quy mô vốn ban đầu thấp, không phải chịu chi phí lãi vay margin, rủi ro thua lỗ gói gọn trong phần quyền phí bỏ ra ban đầu.

Nhà đầu tư mua CW có thể bán khi chứng quyền niêm yết trên sàn giao dịch hoặc giữ đến đáo hạn. Các công ty chứng khoán được phát hành CW phải đạt những tiêu chuẩn nhất định về năng lực tài chính và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép.

Khảo sát trên thị trường hiện nay, có không quá 12 công ty chứng khoán đủ điều kiện để phát hành CW. Trong đó, SSI là một trong số 7 công ty chứng khoán đầu tiên trên thị trường phát hành CW, với 6 mã CW dựa trên 4 mã chứng khoán cơ sở, gồm FPT, MWG, MBB và HPG, với các kỳ hạn từ 3 đến 6 tháng.

Giới chuyên gia cho rằng, đối với các công ty chứng khoán phát hành CW, rủi ro lớn nhất chính là việc chứng khoán cơ sở biến động lớn hoặc mất thanh khoản dẫn tới việc công ty chứng khoán không thể thực hiện phòng ngừa rủi ro đúng theo quy định của UBCK. Do đó, Bộ phận quản trị rủi ro kết hợp với tự doanh của các công ty chứng khoán sẽ phải đưa ra những cảnh báo về rủi ro thanh khoản và rủi ro biến động giá chứng khoán cơ sở để kịp thời phòng ngừa rủi ro. Ngoài ra, cơ chế tạo kho và đầu tư tự doanh trên các chứng khoán cơ sở phát hành chứng quyền cũng đồng thời được tính đến nhằm hạn chế rủi ro thanh khoản, gia tăng tính linh hoạt của hoạt động đầu tư, và sử dụng công cụ phái sinh nhằm phòng ngửa rủi ro cho các biến động gây bất lợi cho kho hàng chứng khoán cơ sở.

Theo anh Nguyễn Nhật, một nhà đầu tư đồng thời cũng là một nhà môi giới chứng khoán tay ngang chia sẻ bên lề hội thảo về CW tại HoSE vừa diễn ra rằng: "CW là sản phẩm mới, nhà đầu tư cá nhân trên thị trường như chúng tôi sẽ có sự thận trọng nhất định. Chúng tôi có nhu cầu tìm hiểu kỹ sản phẩm này để sử dụng cho những mục đích thích hợp cũng như tìm hiểu kỹ về tổ chức phát hành, về năng lực tài chính, mức độ tín nhiệm, cũng như thông tin về đợt phát hành chứng quyền, đồng thời theo dõi các thông tin giao dịch trên thị trường và lựa chọn sử dụng dịch vụ (môi giới, tư vấn) của những tổ chức kinh doanh chứng khoán đáng tin cậy". 

"Điều mà CW vừa đang là ưu điểm, vừa là hạn chế đối với những nhà đầu tư trên thị trường tiếp cận sản phẩm mới ở Việt Nam, là có thể các công ty chứng khoán đủ năng lực được phát hành CW sẽ tung danh mục CW trên chứng khoán cơ sở trùng nhau. Mặc dù giữa các CW mà các CTCK phát hành trùng nhau có thể khác về giá thực hiện và ngày đáo hạn, song điều này cũng chưa thể đo lường được liệu có làm giảm thanh khoản của chứng khoán hay không", anh Nhật nhấn mạnh.

Theo công bố của Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE), hiện có 26 mã cổ phiếu đủ điều kiện làm chứng khoán cơ sở cho sản phẩm CW, bao gồm: REE, SSI, DPM, VIC, STB, EIB, SBT, HPG, MSN, MWG, CII, CTD, DHG, GMD, VHM, ROS, HDB, VRE, MBB, FPT, TCB, VNM, VJC, PNJ, VPB, NVL.

Tiêu chí để trở thành chứng khoán cơ sở cho CW là thuộc nhóm VN30, có giá trị vốn hoá trong 5 tháng gần nhất đạt 5.000 tỷ đồng, khối lượng giao dịch bình quân trên 50 tỷ đồng/ngày, hoặc khối lượng giao dịch tối thiểu bằng 25% lượng cổ phiếu tự do lưu hành (free float) bình quân trong 6 tháng gần nhất. Ngoài ra, cổ phiếu phải có tỷ lệ free float tối thiểu 20%, thuộc doanh nghiệp không có lỗ luỹ kế và kỳ hiện tại có lãi.

Ngoài SSI, những tên tuổi lớn trong top đầu TTCK như HSC, VCSC, VND, MBS, BSC, VPBS, KIS... có thể sẽ là những tổ chức tham gia phát hành CW đợt đầu tiên.