Chung tay xử lý triệt để các vi phạm thương mại điện tử

Theo Tuấn Minh/laodongthudo.vn

Thời gian gần đây thương mại điện tử trở thành “mảnh đất” màu mỡ mang lại nhiều lợi ích, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đồng thời giúp người tiêu dùng mua sắm tiện lợi với giá rẻ hơn, doanh nghiệp đa dạng kênh phân phối, tiếp cận thị trường, giảm chi phí… Tuy nhiên, chính yếu tố trực tuyến đã và đang tạo ra những thách thức cho cơ quan kiểm tra, kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, tính đến cuối tháng 3/2020, Bộ đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử xử lý gần 16.200 gian hàng và gần 32.880 sản phẩm vi phạm kinh doanh trên môi trường mạng.

Từ những số liệu này cho thấy, hiện tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ…đang được bày bán công khai trên các website, sàn giao dịch Thương mại điện tử, mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến xã hội và niềm tin của người tiêu dùng.

Nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xử, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...diễn ra tràn lan trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử
Nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xử, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...diễn ra tràn lan trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử
 

Bình quân mỗi năm, Bộ Công Thương tiếp nhận trên 1.500 khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dung; trong đó trên 50% liên quan đến các giao dịch trực tuyến. Các khiếu nại này chủ yếu về chất lượng hàng hóa, hàng nhận được không giống với quảng cáo, thông tin sai về xuất xứ...

Lý giải về vấn đề vi phạm nguồn gốc, quyền sở hữu trí tuệ trên các sàn Thương mại điện tử, mạng xã hội…theo ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, do tính chất của Thương mại điện tử là người mua và người bán không gặp nhau, dẫn đến việc không cần cửa hàng, không biết kho hàng nằm ở đâu. Đặc biệt, nhiều địa điểm hoạt động kinh doanh online nằm lẫn trong nhà dân, khu chung cư, nên lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, kiểm tra, xử lý. Ngay cả khi kiểm tra, xác minh được kho hàng, cũng khó xác minh chủ kho hàng là ai...

Bên cạnh đó, khi xử lý các vụ vi phạm phải có chứng cứ cụ thể, nhưng hiện nay, 99% các giao dịch trên mạng không có hóa đơn, chứng từ. Ngoài ra, kinh doanh qua mạng xã hội như facebook chưa được kiểm soát hiệu quả, nhất là đối với các mạng xã hội chưa có đại diện pháp luật tại Việt Nam.

Phức tạp là vậy, nhưng với sự vào cuộc sát sao của các cơ quan chức năng, nhiều vụ việc vận chuyển hàng hóa, tàng trữ hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc trên cả nước đã bị triệt phá và xử lý. Tuy nhiên, để xứ lý triệt để tình trạng này cần sự vào cuộc cần có sự tham gia của nhiều đơn vị như Quản lý thị trường, an ninh mạng, thông tin truyền thông.

Trong đó, Bộ Công Thương sớm có kế hoạch kiểm tra, kiểm soát trên thương mại điện tử; sửa đổi, bổ sung các văn bản, quy phạm pháp luật để quy định tăng trách nhiệm của các chủ sàn giao dịch thương mại điện tử với người bán hàng trên đó và cung cấp thông tin đầy đủ hơn. Qua đó, tạo hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng…