Chương trình hành động 2018 của Chính phủ: Hy vọng và tin tưởng

TS. PHAN NGỌC

Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 ngay ngày đầu năm mới 2018.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nghị quyết đưa ra những thông điệp quan trọng về vai trò và hoạt động của Chính phủ đối với nền kinh tế.

Các chỉ tiêu lớn mang tính thận trọng, thực tế

Khác với nhiều năm trước khi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội được đưa ra thường được dựa trên tinh thần "liên tục phát triển", năm sau phải tốt hơn năm trước, một số chỉ tiêu chủ chốt năm nay được đưa ra có phần thận trọng hơn để có tính khả thi nhiều hơn, và cũng là để tránh làm quá căng thẳng các nguồn lực kinh tế.

Điển hình là tốc độ tăng trưởng GDP và lạm phát được đặt mục tiêu lần lượt là 6,7% (so với mức thực hiện 6,81% năm 2017) và 4% (3,53% năm 2017).

Điều đáng chú ý là mặc dù mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% là thấp hơn năm 2017 nhưng vẫn là một con số rất cao so với nhiều năm trở lại đây. Và cứ theo lối tư duy thông thường của nhiều người, với cách tính đơn giản để GDP tăng lên 1% thì tín dụng phải tăng lên x%, lẽ ra Chính phủ đã phải đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay chí ít phải trên 20%.

Tuy nhiên, diễn biến năm 2017 cho thấy điều "nghịch lý" là dù rất nỗ lực nhưng tăng trưởng tín dụng, ngành ngân hàng cũng chỉ đạt khoảng 18% so với cuối năm 2016 (tăng trưởng tín dụng năm 2016 là 18,7%), trong khi tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 vẫn tăng mạnh so với năm 2016 (6,21%). Thực tế này có lẽ là bối cảnh để Chính phủ có những điều chỉnh kịp thời, cần thiết, không còn đặt ra những mục tiêu "cứng" nữa.

Thay vào đó, về tín dụng, Nghị quyết chỉ đề cập một cách thận trọng và hợp lý rằng "Mở rộng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng...". Điều này có nghĩa là Chính phủ đã không còn coi tăng trưởng tín dụng là "bà đỡ" cho tăng trưởng kinh tế nếu tăng trưởng tín dụng lại kèm theo những hậu quả như nợ xấu tăng.

Giải pháp thay thế

Thay vào nhấn mạnh đến tăng trưởng tín dụng như là chìa khóa cho tăng trưởng GDP như mọi năm, Chính phủ tập trung vào những chỉ tiêu "mềm", từ việc quyết tâm đưa Việt Nam vào nhóm ASEAN-4 về năng lực cạnh tranh (song hành cùng hàng loạt mục tiêu cụ thế cả về định tính lẫn định lượng, như cắt giảm 50% điều kiện đầu tư kinh doanh) đến chấn chỉnh các vấn đề liên quan đến đầu tư theo hình thức đối tác công - tư gồm BOT để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng vốn là điểm nghẽn cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh căng thẳng ngân sách, cũng như quyết tâm tăng tỷ trọng chi ngân sách cho đầu tư phát triển (gián tiếp thông qua những mục tiêu định lượng cắt giảm biên chế) v.v...

Rõ ràng là hơn bao giở hết Chính phủ dường như đã nhận thức rõ vai trò của tăng năng suất thông qua các cải cách kinh tế và xã hội cần thiết đến tăng trưởng và phát triển kinh tế bên cạnh những giới hạn cố hữu của tăng trưởng các nguồn lực là vốn và lao động.

Và khác với ngôn ngữ chung chung, trùng lặp thường gặp trong các chỉ thị và nghị quyết những năm trước, Nghị quyết năm 2018 đề cập những giải pháp cải cách, xử lý các điểm nghẽn của nền kinh tế với những mục tiêu từ lớn đến nhỏ một cách khá cụ thể, kèm theo không ít những chỉ tiêu định lượng như giảm 1,7% biên chế công chức, giảm 2,5% số đơn vị sự nghiệp công lập v.v...

Việc đặt ra các mục tiêu cụ thể và định lượng như vậy sẽ buộc các cấp thi hành phải thực thi nghiêm túc các biện pháp cải cách để hoàn thành nhiệm vụ, không còn có thể lẩn tránh trách nhiệm với những lý do “muôn thuở” như trước đây, làm cho cải cách vẫn đa phần chỉ là khẩu hiệu.

Không bỏ quên chất lượng

Với tư cách là nhà kiến tạo tăng trưởng và phát triển kinh tế, năm nay Chính phủ cũng đã tạo một dấu ấn riêng khi nhấn mạnh đến các giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường, vốn vẫn thường bị xem nhẹ bên cạnh ưu tiên hàng đầu là tăng trưởng kinh tế trong những năm trước đây.

Ngoài những mục tiêu định tính cụ thể như xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường; xã hội hóa hệ thống quan trắc, cảnh báo, kết nối trung ương và địa phương; kiếm soát đặc biệt các cơ sở sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao v.v..., những mục tiêu định lượng như 88% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung càng làm đậm thêm quyết tâm của Chính phủ, đó là đạt tăng trưởng kinh tế cao nhưng không đánh đổi lấy sự xuống cấp của môi trường.

Tóm lại, với những gì Chính phủ đã nói, đã làm trong năm qua và chương trình hành động cho năm 2018 với những mục tiêu cụ thể, có tính thực tế và nhắm trúng vấn đề, công luận có quyền hy vọng và tin tưởng hơn vào một năm mới khả quan hơn nữa.