Chuyển biến tích cực trong triển khai dịch vụ công trực tuyến tại Kho bạc Nhà nước
Trong những năm qua, các hoạt động cải cách, hiện đại hóa của hệ thống Kho bạc đã được đẩy mạnh, toàn diện, đồng bộ trên tất cả các mặt nghiệp vụ, trong đó nổi bật là đã cung cấp 100% thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4.
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, đến hết năm 2020, KBNN đã cơ bản hoàn thành thực hiện mục tiêu Kho bạc điện tử theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020.
Theo đó, hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS) đóng vai trò là trung tâm, có khả năng kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu với một số hệ thống liên quan để cung cấp thông tin báo cáo đầy đủ, kịp thời cho các cấp chính quyền và cơ quan tài chính trong quá trình quản lý điều hành; hoàn thiện các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) khác theo mô hình tập trung có kết nối với hệ thống TABMIS nhằm đáp ứng tốt yêu cầu cải cách tài chính - ngân sách và hình thành Kho bạc điện tử.
Về triển khai dịch vụ công trực tuyến tại KBNN đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, KBNN đã cung cấp 100% thủ tục thực hiện DVCTT mức độ 4, đạt tỷ lệ 100% đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc tham gia DVCTT.
Đến nay, hầu hết các khoản thu - chi qua KBNN đều được thực hiện trực tuyến, thanh toán qua ngân hàng; Số lượng chứng từ chi ngân sách nhà nước (NSNN) qua DVCTT trung bình mỗi ngày từ 100.000 đến 150.000, những ngày cao điểm đầu tháng và cuối tháng phát sinh từ 150.000 đến 200.000 chứng từ mỗi ngày.
Hiện nay, KBNN đang tiếp tục hoàn thiện tính năng của chương trình DVCTT cho phép các đơn vị thuộc Bộ Công an có thể đăng ký sử dụng DVCTT với KBNN để lập hoặc phê duyệt ủy nhiệm chi; xây dựng và triển khai cổng dữ liệu nhận lệnh hoàn phí, lệ phí, kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia.
DVCTT của KBNN còn được nâng cấp bổ sung thêm cổng trao đổi dữ liệu qua Internet với các nhà cung cấp dịch vụ điện, nước và viễn thông để chủ động thanh toán cho các đơn vị sử dụng thông qua văn bản ủy quyền điện tử của đơn vị cho KBNN nơi giao dịch. Hiện tại, KBNN đang thí điểm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trước khi mở rộng vào cuối năm 2022, đầu năm 2023.
KBNN đã hoàn thành xây dựng và triển khai ứng dụng trên điện thoại di động cho đơn vị giao dịch có thể tra cứu số dư tài khoản tại KBNN, đạt trên 90% số đơn vị đã sử dụng (tổng số đơn vị lên tới khoảng 100 ngàn đơn vị).
Việc áp dụng DVCTT đã giúp các đơn vị sử dụng NSNN tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại, đặc biệt ở các địa phương miền núi, vùng sâu vùng xa. Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều khó khăn thách thức đặt ra nhưng cũng là cơ hội để KBNN đẩy mạnh triển khai DVCTT, số giao dịch qua DVCTT ngày càng tăng mạnh, nhờ đó đã đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của đơn vị cũng như đưa đồng vốn của ngân sách kịp thời vào triển khai các dự án đầu tư sớm phát huy hiệu quả.
Việc đẩy mạnh triển khai DVCTT đã góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực KBNN, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử ngân sách có thể giao dịch với KBNN 24/7 (kể cả ngày nghỉ/ngày lễ) tại bất cứ địa điểm nào có kết nối internet nên giảm thời gian đi lại và giảm chi phí hoạt động cho các đơn vị.
Về phía các đơn vị KBNN, Lãnh đạo KBNN các cấp có thể kiểm tra, giám sát được tình trạng xử lý các hồ sơ kiểm soát chi qua các báo cáo thống kê trên DVCTT đảm bảo thời gian tiếp nhận hồ sơ và kiểm soát chi đúng theo quy định. Đồng thời làm tăng tính trách nhiệm của cán bộ kiểm soát chi trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Đại diện lãnh đạo KBNN khẳng định, DVCTT góp phần hiện đại hóa công tác kiểm soát chi, qua đó KBNN tin tưởng sẽ có sự chuyển biến rất tích cực về chất lượng phục vụ các đơn vị sử dụng ngân sách và các chủ đầu tư, ban quản lý.