Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hình thành Kho bạc số
Năm 2022, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) là triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 – 2030, đặt nền móng cho việc hình thành Kho bạc số vào năm 2030. Theo đó, hệ thống KBNN tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bước đầu thực hiện chuyển đổi số trong một số hoạt động nghiệp vụ và quản trị nội bộ.
Củng cố nền tảng hình thành Kho bạc số
Ngày 13/4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 455/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, KBNN vận hành dựa trên dữ liệu số và hoàn thành nền tảng Kho bạc số; cơ bản toàn bộ các giao dịch thu, chi ngân sách nhà nước qua KBNN được thực hiện theo phương thức điện tử (trừ các giao dịch thuộc phạm vi bí mật nhà nước); liên thông dữ liệu sổ của cảc khâu lập dự toán, phân bổ, chấp hành, kế toán, kiểm toán và quyết toán ngân sách nhà nước; chia sẻ thông tin, dữ liệu thu, chi ngân sách nhà nước theo thời gian thực; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chi ngân sách nhà nước theo hướng kiểm soát theo rủi ro… Đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Kho bạc số.
Để thực hiện thành công chiến lược, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 2222/QĐ/BTC về việc ban hành Chương trình hành động của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. Chương trình hành động của Bộ Tài chính đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, đề án thực hiện chiến lược phát triển KBNN tới năm 2030, trong đó nhóm nhiệm vụ rất quan trọng là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0, từng bước hình thành kho bạc số.
Trên thực tế, trước đó, ngày 04/6/2021, KBNN đã ban hành“Kiến trúc tổng thể CNTT hướngtới Kho bạc số” theo Quyết địnhsố 2739/QĐ-KBNN. Đây là bảnquy hoạch kiến trúc tổng thể có ýnghĩa quan trọng trong việc hiệnđại hóa KBNN nhằm tăng cườnghoạt động hiệu lực, hiệu quả của hệ thống KBNN theo mô hình quản lý, quản trị hiện đại, phục vụ các đơn vị tổ chức, người dân và doanh nghiệp, góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và là “nền móng” để hệ thống KBNN tiến nhanh đến Kho bạc số vào năm 2030, như mục tiêu trong định hướng Chiến lược phát triển KBNN đến năm2030 đã đề ra.
Kiến trúc tổng thể CNTT hướng tới Kho bạc số gồm: Kiến trúc nghiệp vụ; kiến trúc dữ liệu, kiến trúc ứng dụng; kiến trúc kỹ thuật - công nghệ và kiến trúc an toàn thông tin. Trong đó, kiến trúc nghiệp vụ gồm 05 nghiệp vụ chính là quản lý quỹ NSNN và các quỹ tài chính nhà nước; tổng kế toán nhà nước và báo cáo ngân sách, báo cáo tài chính nhà nước; huy động vốn và quản lý ngân quỹ; thanh tra; nghiệp vụ khác và hoạt động nội bộ. Đây chính là cơ sở để KBNN triển khai ứng dụng CNTT hướng tới Kho bạc số trong giai đoạn 10 năm tới.
Tập trung nguồn lực thực hiện các mục tiêu đề ra
Trong năm 2022, hệ thống KBNN đã đẩy mạnh việc triển khai các dự án CNTT nhằm hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ của KBNN theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 và Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động KBNN giai đoạn 2021-2025; tăng cường ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ đối với các đơn vị sử dụng ngân sách; Vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoạt động ổn định, thông suốt phục vụ 100% đơn vị sử dụng ngân sách thuộc đối tượng bắt buộc tham gia sử dụng; số lượng giao dịch chi ngân sách nhà nước qua dịch vụ công trực tuyến đạt tỷ lệ trên 99,6%, lượng giao dịch trung bình mỗi ngày từ 100.000 đến 150.000 giao dịch.
Ngoài ra, KBNN đã ban hành theo thẩm quyền Quy định chuẩn kết nối và tích hợp phần mềm ứng dụng của các cơ quan, tổ chức vào hệ thống DVCTT của KBNN làm cơ sở để kết nối với hệ thống kế toán của các đơn vị sử dụng ngân sách nhằm liên thông dữ liệu chi NSNN và hồ sơ chi NSNN, qua đó nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ cho các đơn vị sử dụng ngân sách. Tính đến hết ngày 15/11/2022, đã có trên 20.000 đơn vị sử dụng ngân sách đã tham gia kết nối.
Trên thực tế, trong quá trình hoạt động, cũng có những khó khăn, thách thức khi triển khai Kho bạc số. Cụ thể, về CNTT, kiến trúc CNTT của KBNN nói riêng và hầu hết các đơn vị ở Việt Nam nói chung là kiến trúc đơn thể (monolythics), hướng mở rộng theo chiều dọc cho từng hệ thống, chưa theo hướng mở rộng theo chiều ngang để phục vụ được rộng rãi hơn khi lượng người dùng tăng lên đột biến.
Các hệ thống CNTT KBNN mới bắt đầu đẩy mạnh việc phục vụ đơn vị sử dụng ngân sách, tổ chức, người dân, nghiệp vụ còn rời rạc khi thực hiện trên nhiều hệ thống, có một phần trùng lặp về công việc. Mức độ liên thông giữa các ứng dụng CNTT tại KBNN với các chương trình ứng dụng có liên quan và giữa KBNN với các đơn vị khác như cơ quan ra quyết định xử phạt; cơ quan thu phí, lệ phí... chưa cao...
Theo đó, để triển khai Kho bạc số, về ứng dụng công nghệ số, KBNN tập trung nguồn lực thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể:
Xây dựng và triển khai kiến trúc CNTT của KBNN phù hợp với kiến trúc của Chính phủ; trong đó, hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số (vDBAS) đóng vai trò là hệ thống lõi, có sự kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu với Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và các hệ thống khác có liên quan; Số hóa các nghiệp vụ KBNN và cung cấp dữ liệu mở về tài chính - NSNN thông qua việc nâng cấp, phát triển Hệ thống Thông tin Quản lý Ngân Sách và Kho bạc (TABMIS) và các hệ thống liên quan thành Hệ thống VDBAS dựa trên công nghệ hiện đại, cho phép cung cấp các dịch vụ số, phục vụ tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị và có khả năng truy cập, khai thác thông tin rộng rãi.
Bên cạnh đó, xây dựng, hoàn thiện các hệ thống ứng dụng CNTT khác, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa KBNN; Cung cấp các tính năng để kết nối, tích hợp ứng dụng và chia sẻ dữ liệu giữa các phân hệ của VDBAS và giữa VDBAS với các hệ thống ứng dụng khác của KBNN; giữa các ứng dụng của KBNN với ngành Tài chính và các cơ quan đơn vị liên quan. Nền tảng tích hợp ứng dụng và chia sẻ dữ liệu của KBNN sẽ bao gồm các dịch vụ CNTT dùng chung: định danh điện tử, lưu trữ điện tử, dịch vụ quản lý quy tắc nghiệp vụ, Kho dữ liệu tập trung…
KBNN tiếp tục ứng dụng hiệu quả các công nghệ số như điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data), di động (Mobility), Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain)… trong xây dựng, triển khai các ứng dụng, dịch vụ Kho bạc số để tối ưu hóa các quy trình quản lý, quản trị và cung cấp dịch vụ của KBNN.