Chuyện châu Âu không còn là của riêng EU
(Tài chính) Tại Hội nghị cấp cao Liên minh châu Âu (EU) ở Bruxelles (Bỉ), diễn ra trong hai ngày 20 và 21/3, các nước thành viên khối này đã ký thỏa thuận về trụ cột thứ hai, đó là Cơ chế giải quyết chung (SRM), để tiến tới thành lập một liên minh ngân hàng.
Đây là quyết định quan trọng, song liệu nó có thể giúp các nước EU quản lý triệt để, hiệu quả những vấn đề nảy sinh hay tác động của các cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng hay không? Nhất là khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định cho phép một ngân hàng phá sản tại châu Âu sẽ để lại hậu quả lâu dài không chỉ đối với người nộp thuế châu lục này, mà còn đối với người dân Mỹ.
Mối liên hệ giữa Mỹ và châu Âu
Chuyên gia Nicolas Veron đến từ Viện Bruegel ở Brussels lý giải: SRM có “chung” về mặt ngôn từ khi so sánh với Cơ chế Giám sát chung (Single Supervisory Mechanism – SSM) tại ECB. Ông Martin Schulz, Chủ tịch Nghị viện châu Âu – cơ quan sẽ phải phê chuẩn SRM, cảnh báo một cơ chế không đủ mạnh sẽ không thể hoạt động tốt và hiệu quả.
Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, các ngân hàng lớn trong hệ thống ngân hàng toàn cầu của Mỹ có hàng tỷ đô la gửi tại ngân hàng châu Âu. Hơn nữa, một phần đáng kể của các danh mục đầu tư vốn phái sinh của ngân hàng Mỹ thường được đặt ở châu Âu với mục đích bảo hiểm rủi ro, thuế hoặc vốn quản lý quỹ.
Theo số liệu chưa chính thức, đa số chi nhánh tại nước ngoài của các ngân hàng Mỹ là ở châu Âu. Xét đến mối liên hệ qua lại giữa các ngân hàng Mỹ và châu Âu, việc châu Âu tạo ra SRM đáng tin cậy có thể giải quyết những ngân hàng yếu kém một cách có trật tự là bước quan trọng trong việc tăng cường hệ thống ngân hàng toàn cầu.
José Manuel Barroso, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) rất hài lòng với thỏa thuận này, bởi vì cơ chế này là một trụ cột quan trọng trong việc xây dựng liên minh ngân hàng non trẻ của châu Âu. Theo đó, vào mùa Thu năm nay, ECB sẽ giám sát tập trung 130 ngân hàng châu lục này, có quy mô chiếm khoảng 85% tài sản toàn hệ thống ngân hàng.
Nếu đề xuất của EC đối với SRM được Nghị viện châu Âu và các nước thành viên trong Hội đồng châu Âu thông qua vào tháng 4 này thì hệ thống này sẽ bắt đầu hoạt động vào ngày 1/1/2015. Khi nói về các thỏa thuận chính trị, ủy viên thị trường nội địa và dịch vụ - ông Michel Barnier nói rằng: "Cơ chế giám sát chung không phải là một công cụ hoàn hảo, nhưng nó sẽ cho phép giải quyết kịp thời và hiệu quả một ngân hàng bất kỳ trong khối Eurozone".
Thật không may, cơ chế này đang trong giai đoạn trứng nước. Và giống như bất kỳ trẻ sơ sinh nào cũng phải có nhiều điều cần phải học hỏi trước khi biết đi, chứ đừng nói là biết chạy. Trong khi đó, không thể bỏ qua một thực tế là các vấn đề phức tạp, các giai đoạn chuyển tiếp hoặc các vấn đề bị trì hoãn cũng như nhiệm vụ vạch ra lộ trình phát triển trong tương lai luôn là điều các “kiến trúc sư” không chỉ của các thể chế nhà nước, mà còn của cả các tổ chức quốc tế phải đối mặt.
Hầu hết các chỉ trích đối với tiến trình thành lập liên minh ngân hàng của EU đều xuất phát từ những so sánh với Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC), một tổ chức giúp củng cố hoạt động của hệ thống ngân hàng với hạn mức tín dụng do Bộ Tài chính Mỹ đề ra. Hơn nữa, thể chế này cũng chưa huy động đủ 55 tỷ euro. Thêm nữa, cho đến nay vẫn chưa rõ làm thế nào để phân chia rạch ròi quyền lực giữa ECB, SRM, EC và chính phủ các quốc gia riêng lẻ châu Âu.
Một trong những thách thức lớn nhất trong việc giải quyết một ngân hàng khổng lồ của Mỹ đang gặp khó khăn không chỉ nằm ở nước Mỹ mà còn ở bên kia bờ Đại Tây Dương, nơi mà Luật Phá sản liên bang và các chuyên môn giải quyết ngân hàng không được áp dụng. Mặc dù làm việc chặt chẽ với các cơ quan quản lý châu Âu vẫn còn có những giới hạn đối với những gì mà FDIC có thể ảnh hưởng đến nước ngoài.
Cho đến khi SRM chính thức hoạt động và có vốn thì trách nhiệm giải quyết hoặc giải cứu một ngân hàng châu Âu vẫn ở cơ quan quốc gia mà ngân hàng đó có trụ sở chính. Do ảnh hưởng kéo dài của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và khu vực Eurozone, hầu hết các quốc gia có chủ quyền ở châu Âu, đặc biệt là các nước nằm ở vùng ngoại vi như Tây Ban Nha và Hy Lạp, sẽ phải vật lộn để có thể giải cứu bất kỳ ngân hàng nào của các nước này.
Bởi vì các ngân hàng châu Âu có các công ty con và chi nhánh tại Mỹ, FDIC sẽ gánh trách nhiệm giải quyết những thực thể ở đây. Nếu có bất cứ ngân hàng Mỹ nào phá sản, thì pháp nhân của ngân hàng đó tại châu Âu sẽ được giải quyết theo Luật Phá sản châu Âu, không phải Luật Phá sản của Mỹ. Nếu một ngân hàng Mỹ phá sản thì vẫn chưa rõ liệu ECB và các nước thành viên sẽ làm việc với FDIC thế nào.
Và còn đó những hoài nghi
Có thể cuối cùng EU cũng sẽ xây dựng thành công một hệ thống tương tự như FDIC của Mỹ, song hiện chủ nợ lớn nhất của Eurozone là Đức có vẻ không mấy mặn mà với việc thúc đẩy tạo lập mô hình này.
Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel kiên quyết phản đối việc buộc người đóng thuế phải gánh thêm khoản nợ của các ngân hàng hoạt động yếu kém tại các quốc gia khác và đang ra sức nỗ lực tránh các quy kết của Tòa án Hiến pháp Đức, khẳng định rằng quỹ giải cứu các thành viên Eurozone không nên đề ra hạn mức tín dụng đối với quỹ giải cứu ngân hàng châu Âu.
Các nhà phân tích nhận định, hệ thống của EU nhằm ngăn chặn nguy cơ ngân hàng sụp đổ hàng loạt là một bước đi lớn nhưng quá phức tạp. Theo họ, hệ thống này liên quan tới chu trình lớn nhất chuyển nợ quốc gia sang các thể chế của Brussels, kể từ khi đồng Euro ra đời và đòi hỏi những sự thỏa hiệp đau đớn để có thể vận hành trơn tru.
Nói vậy là vì, các nước lớn trong liên minh như Đức tỏ ra không mấy mặn mà với việc phải trao cho Brussels quá nhiều quyền hạn đối với hệ thống ngân hàng của họ. Ở chiều ngược lại, Pháp muốn đẩy nhanh tiến trình tập trung hóa “hệ thống đơn nhất” bao gồm toàn bộ các ngân hàng Eurozone ở mọi quy mô, với lập luận rằng các ngân hàng nhỏ mới tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Với Paris, nhiệm vụ giám sát SRM phải trao cho EC và chỉ thể chế này mới có quyền quyết định đóng cửa một ngân hàng.
Một nghiên cứu của Berenberg Bank cho rằng, liên minh ngân hàng là một bước đi lịch sử và cũng là một thỏa thuận giữa các nước lo lắng về sự ổn định của ngân hàng mình với các nước không sẵn sàng để tiền đóng thuế của người dân vào tình thế nguy hiểm.