Chuyển đổi năng lượng trước biến đổi khí hậu: Kinh nghiệm từ Trung Quốc
Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, trở thành xu thế không thể đảo ngược, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của các quốc gia trong đó có Việt Nam. Với một quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, được các tổ chức thế giới đánh giá cao về mức độ chuyển đổi năng lượng, Việt Nam đang từng bước chuyển đổi nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua ban hành thể chế, chính sách, cũng như thực hiện các hành động cụ thể. Tuy nhiên, trước bối cảnh mới, vẫn còn nhiều thách thức. Vì thế, để có thể xây dựng một lộ trình chuyển đổi năng lượng cũng như các giải pháp chuyển đổi hiệu quả thì nghiên cứu kinh nghiệm của những nước đi trước, cả thành công lẫn thất bại là việc làm có ý nghĩa.
Giới thiệu
Chuyển đổi năng lượng là quá trình thay đổi cách thức sử dụng năng lượng trong sản xuất, tiêu dùng theo hướng giảm dần và thay thế năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo (NLTT) và giảm các nhà máy sử dụng nhiên liệu hoá thạch gây ô nhiễm môi trường. Đó là quá trình hình thành một cơ cấu năng lượng đa dạng theo hướng phát triển bền vững, đặt ra các mục tiêu phù hợp về tỷ trong các nguồn năng lượng bao gồm năng lượng tái tạo theo từng giai đoạn.
Chuyển đổi năng lượng là hoạt động thúc đẩy chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh trên cơ sở đáp ứng nguồn cung năng lượng từ nhiên liệu sạch thông qua phát triển NLTT và chiến lược “các-bon thấp”, giảm sâu phát thải CO2, tiêu dùng năng lượng hiệu quả. Theo Báo cáo của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IREA), thế giới cần tăng 30% đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch, tức là lên mức 131.000 tỷ USD vào năm 2050, nếu muốn đối phó hiệu quả tình trạng biến đổi khí hậu.
Chuyển đổi năng lượng đã trở thành xu hướng tất yếu ở nhiều nước trên thế giới do những tác động tích cực mà sự chuyển đổi này mang đến cho nền kinh tế. Hầu hết các quốc gia đều có những hành động thúc đẩy chuyển đổi năng lượng để hạn chế phát thải khí CO2, bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó hiệu quả với các tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), trong đó có Trung Quốc.
Chuyển đổi năng lượng ở Trung Quốc
Trung Quốc có tổng diện tích là 9.390.784 km2, dân số 1.452.139.956 người (tính đến ngày 02/7/2023). Trung Quốc bắt đầu cải cách nền kinh tế vào năm 1978, theo đuổi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng dựa vào gia tăng đầu tư vốn, khai thác tài nguyên và thâm dụng lao động thủ công giá rẻ.
Kết quả là Trung Quốc đã trở thành cường quốc, với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới, duy trì được tốc độ tăng trưởng trung bình đạt khoảng trên 10% trong suốt 35 năm. Tuy nhiên, Trung Quốc đã phải trả giá cho sự tăng trưởng nóng bằng ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, gia tăng phát thải khí CO2 và đẩy nhanh quá trình gia tăng nhiệt độ dẫn đến biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu. Cụ thể như:
Thứ nhất, khủng hoảng an ninh năng lượng, ô nhiễm môi trường.
Đây là cái giá Trung Quốc phải trả cho việc duy trì mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng, chú trọng tốc độ tăng trưởng cao, khai thác cạn kiệt tài nguyên hoá thạch để có tăng trưởng trên 02 con số trong suốt từ năm 1978 đến nay.
Trung Quốc tiêu hao năng lượng hàng đầu thế giới, chủ yếu là nguyên liệu hoá thạch như than đá, dầu mỏ. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, sau Mỹ với quy mô GDP. Tính từ năm 2011 đến nay, quy mô GDP và thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc tăng gấp đôi, chiếm 86% sản lượng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Từ năm 2013 - 2021, nền kinh tế này tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 6,6%, cao hơn trung bình toàn cầu là 2,6%.
Dữ liệu từ WB cho biết trong giai đoạn 2013-2021, đóng góp của Trung Quốc vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt trung bình 38,6%, cao hơn mức của các nước G7 cộng lại. Năm 2022, GDP của Trung Quốc chiếm 18,5% nền kinh tế thế giới, tăng 7,2 điểm phần trăm trong vòng 10 năm qua, thương mại hàng hoá nước ngoài chiếm 13,5% tổng kim ngạch thế giới. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, Trung Quốc được dự báo có thể trở thành nền kinh tế có GDP danh nghĩa đứng đầu thế giới vào năm 2028.
Thu nhập bình quân đầu người ở Trung Quốc tăng gấp đôi trong vòng 10 năm (2011-2021). Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người là 5.910 USD vào năm 2012 và tăng đều đặn lên 11.890 USD vào năm 2021.
Để đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh trong suốt 30 năm, Trung Quốc là thành quốc gia có mức tiêu hao năng lượng và phát thải khí CO2 ra môi trường đứng đầu thế giới. Trung Quốc luôn đối mặt với việc thiếu hụt năng lượng cho sản xuất và tiêu dùng, dẫn đến phải nhập khẩu nhiên liệu từ bên ngoài dẫn đến nguy cơ mất an ninh năng lượng. Trung Quốc luôn luôn “khát” năng lượng. Nước này tiêu thụ khoảng 1/4 nguồn cung cấp năng lượng của thế giới, nhiều hơn 35% so với Mỹ mỗi năm. Nhu cầu năng lượng của Trung Quốc đã tăng hơn gấp ba lần kể từ năm 2000.
Nhu cầu tiêu thụ năng lượng ở Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ đạt đỉnh 4,06 tỷ tấn vào năm 2040, tăng so với mức dự báo trước đó là 3,75 tỷ tấn trong năm 2035. Trung Quốc cũng là quốc gia tiêu thụ dầu lớn, đồng thời là nguồn tiêu thụ điện lớn nhất toàn cầu, cao hơn cả Hoa Kỳ. Trung Quốc là quốc gia phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hóa thạch từ nước ngoài và trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ ròng vào năm 1993. Cuộc khủng hoảng chính trị giữa Nga và Ukraina cũng đã khiến cho nguồn cung dầu mỏ thiếu hụt, gây gián đoạn nguồn cung, nguy cơ dẫn đến khủng hoảng an ninh năng lượng.
Trung Quốc cũng là nơi chiếm hơn một nửa số nhà máy nhiệt điện chạy bằng than trên thế giới. Năm 2022, than đá chiếm 56,2% tổng năng lượng tiêu thụ của Trung Quốc, cao hơn nhiều so với tỷ trọng 25,9% của các loại năng lương tái tạo bao gồm cả năng lượng hạt nhân.
Thứ hai, tăng trưởng kinh tế cao, phụ thuộc vào nguồn tài nguyên hoá thạch làm gia tăng phát thải khí nhà kính, dẫn đến BĐKH.
Là quốc gia đứng đầu thế giới về mức độ phát thải khí nhà kín, nhiệt độ tại Trung Quốc tăng nhanh hơn nhiều so với mức trung bình chung toàn cầu. Trung Quốc đã trở thành quốc gia có mức phát thải khí nhà kính đứng đầu thế giới. Lượng carbon dioxide (CO2), methane (CH4) và nitrous oxide (N2O) do Trung Quốc phát thải đã tăng lên 14,09 tỷ tấn. Con số này nhiều hơn khoảng 30 triệu tấn so với tổng lượng khí thải nhà kính của các thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Trung Quốc có phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, tiếp sau là Mỹ, Ấn Độ và các nước châu Âu. Phát thải khí nhà kính cao làm cho nhiệt độ của Trung Quốc tăng nhanh.
Dự báo của Trung tâm khí hậu quốc gia Trung Quốc (NCC) cho thấy, nhiệt độ trung bình trên bề mặt đất ở Trung Quốc đã tăng nhanh hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu trong hơn 70 năm qua (trong một thâp kỷ kể từ năm 1951, nhiệt độ trung bình ở Trung Quốc đã tăng 0,26 độ C so với mức trung bình 0,15 độ C trên toàn cầu) và sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai khi những thách thức của BĐKH ngày càng lớn. Trung Quốc đã phải trải qua những đợt nắng nóng với nhiệt độ lên đến 44 độ C ở Vân Nam, Hà Bắc.
Cùng với đó, các hiện tượng thời tiết khí hậu cực đoan như bão lũ, mưa dông, lốc xoáy, hạn hán cũng diễn biến khó lường hơn ở Trung Quốc; BĐKH ảnh hưởng đến sự cân bằng của nguồn nước, làm cho hệ sinh thái dễ bị tổn thương và giảm năng suất cây trồng; Hạn hán khiến cho tình trạng thiếu nước để vận hành các đập thuỷ điện, gây thiếu điện trên diện rộng. BĐKH với những diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu, nắng nóng, đến lượt nó lại tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc, ảnh hưởng đến khả năng sản xuất điện, gây thiếu điện cho sản xuất và tiêu dùng trên diện rộng, làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để thúc đẩy sản xuất điện, Trung Quốc phải mở lại một số mỏ than và các nhà máy nhiệt điện, đồng thời hoãn thuế đối với ngành điện, nới lỏng lộ trình cắt giảm phát thải ở các địa phương. Điều này tạo ra thách thức cản trở nỗ lực giảm thải carbon của Trung Quốc. Những biện pháp tạm thời này có thể sẽ làm cho lượng khí thải tăng trong ngắn hạn, khiến cho nhiệt độ trái đất nóng lên gây ra hiện tượng BĐKH, ảnh hưởng trực tiếp đến những nỗ lực kìm hãm sự gia tăng nhiệt độ.
Nhằm ứng phó với sự cạn kiệt năng lượng, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm phát thải CO2 và thực hiện nỗ lực ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu, bên cạnh việc thay đổi mô hình tăng trưởng chú trọng chất lượng tăng trưởng thì một trong những giải pháp hiệu quả Trung Quốc đã và đang theo đuổi là chuyển đổi năng lượng từ chỗ dựa hoàn toàn vào năng lượng hoá thạch sang dựa vào năng lượng có khả năng tái tạo. Đồng thời, đây cũng là giải pháp để Trung Quốc thực hiện cam kết đến năm 2030 sẽ đưa mức phát thải lên đỉnh điểm, ổn định và giảm dần, đến năm 2060 sẽ đạt mục tiêu trung hoà khí thải carbon và hoàn tất thiết lập nền kinh tế xanh, carbon thấp và tuần hoàn, ứng phó hiệu quả với BĐKH, hạn chế khủng hoảng năng lượng.
Biện pháp chuyển đổi năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu của Trung Quốc
Để ứng phó với BĐKH, Trung Quốc đã thực hiện:
Một là, chuyển từ mục tiêu “tăng trưởng cao” sang “phát triển chất lượng cao”, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
Trước tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới bắt nguồn từ Mỹ, khủng hoảng nợ công ở châu Âu, đặc biệt là tác động của đại dịch COVID-19 và diễn biến khí hậu cực đoan khó lường ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng và phát triển kinh tế Trung Quốc, Trung Quốc đã thay đổi mục tiêu tăng trưởng và phát triển nâng cao sức mạnh nội tại và tìm kiếm các động lực mới nhằm chuyển từ “tăng trưởng cao” sang “phát triển chất lượng cao”, nâng cao năng lực tự chủ về khoa học - công nghệ với việc đặt mục tiêu tự chủ công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng sạch, công nghệ sinh học.
Hai là, thúc đẩy tự do hoá thị trường năng lượng.
Để ứng phó với BĐKH, Trung Quốc đang từng bước giảm dần sự lệ thuộc vào than đá, thuỷ điện bằng cách thúc đẩy việc tự do hóa thị trường năng lượng, để khiến các nguồn năng lượng thay thế trở nên hấp dẫn hơn so với than đá. Trung Quốc cho phép các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than tăng 20% giá đối với những người sử dụng cho mục đích công nghiệp và thương mại, đồng thời loại bỏ mức giá trần đối với những ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng. Giá nhiệt điện than tăng tạo động lực thúc đẩy người tiêu dùng tìm đến những nguồn năng lượng sạch, giúp các nguồn năng lượng này gia tăng sự cạnh tranh.
Ba là, xây dựng lộ trình thay thế năng lượng từ năng lượng hoá thạch sang những nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo.
Trung Quốc ban hành các chính sách nhằm cắt giảm sử dụng các nguồn năng lượng bẩn như than đá, tập trung đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch nhằm làm sạch không khí, giảm thiểu ô nhiễm môi trường như năng lượng tái sinh và khí gas tự nhiên. Ước tính đến năm 2045, khí gas tự nhiên sẽ chiếm một nửa trong số các nguyên liệu dùng cho nhiệt điện. Lượng tiêu thụ khí gas tự nhiên của Trung Quốc tính đến năm 2030 sẽ đạt khoảng 620 tỷ mét khối, tăng hơn mức 510 tỷ mét khối. Sản lượng gas đạt 380 tỷ mét khối tính tính đến năm 2050. Trung Quốc đang nỗ lực giảm dần các nhà máy điện than.
Bốn là, hoàn thiện thể chế chính sách và môi trường đầu tư để thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực NLTT, xây dựng thêm các dự án phát triển điện gió và điện mặt trời.
Trung Quốc kêu gọi xây dựng thêm các dự án phát triển điện gió và điện mặt trời quy mô lớn hơn để nâng công suất lên tổng cộng 1.200 gigawatt vào năm 2030. Song song với chiến lược đi tìm các nguồn cung cấp năng lượng ở khắp mọi nơi trên thế giới, từ 15 năm trở lại đây, Trung Quốc tập trung đầu tư phát triển năng lượng tái tạo và trở thành nước đứng đầu thế giới về năng lượng tái tạo. Giai đoạn 2021-2025, Bắc Kinh đã coi phát triển năng lượng sạch là một ưu tiên. Trung Quốc có nhiều lá chủ bài để phát triển năng lượng mặt trời.
Năm là, tăng đầu tư của Nhà nước vào các lĩnh vực liên quan đến chuyển đổi năng lượng.
Đầu tư của Trung Quốc cho quá trình chuyển đổi năng lượng trong giai đoạn 2016- 2020 là 1.048 tỷ USD, gấp đôi mức đầu tư của Mỹ là khoảng 540 tỷ USD. Trung Quốc tập trung vào sản xuất và bán lẻ vật liệu lưu trữ năng lượng hydro lớn nhất thế giới. Trung Quốc công bố Quy hoạch 5 năm về đổi mới công nghệ năng lượng vào tháng 4/2022 với những đột phá công nghệ trong việc tạo ra và sử dụng năng lượng năng lượng hydro. Trung Quốc đang xây dựng nhà máy “hydro xanh” chạy bằng năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới ở Tân Cương. Trung Quốc đã sản xuất 33 triệu tấn năng lượng hydro vào năm 2021. Sản xuất năng lượng hydro ở Trung Quốc chủ yếu là màu nâu (được tạo ra thông qua đốt than hoặc than non) và năng lượng hydro màu xám (sử dụng than đá 60% và khí đốt tự nhiên 20%).
Sáu là, đẩy mạng phát triển hạ tầng năng lượng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh.
Trong vòng 10 năm từ 2010-2020, Trung Quốc đã tăng tốc xây dựng hạ tầng năng lượng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh. Tổng công suất lắp đặt các tổ máy phát triển năng lượng tái tạo đã tăng gần 3 lần so với 10 năm trước, quy mô công suất lắp đặt các nhà máy thủy điện, phong điện, quang điện, điện sinh khối và quy mô các nhà máy điện hạt nhân đang xây dựng đứng đầu thế giới. Trung Quốc đã hoàn thành khoảng 4 triệu hệ cơ sở sạc điện, hình thành mạng lưới sạc điện có quy mô lớn nhất toàn cầu đã xây dựng xong hơn 270 trạm tiếp nhiên liệu hydro, chiếm khoảng 40% toàn cầu, đứng đầu thế giới.
Lượng tiêu thụ năng lượng phi hóa thạch chiếm gần 1/4 tổng lượng thế giới, đứng đầu toàn cầu. Hạ tầng năng lượng mới phát triển mạnh. Mức độ số hóa, thông minh hóa cơ sở hạ tầng năng lượng tiếp tục nâng cao, tăng tốc xây dựng lưới điện thông minh, tỷ lệ bao phủ tự động hóa phân phối điện năm 2021 đạt hơn 90%, Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), tính đến cuối năm 2022, công suất phát điện lắp đặt của nước này là 2.564,05 GW.
Vấn đề đặt ra với Việt Nam
Việt Nam là quốc gia có mức sử dụng năng lượng hoá thạch cao so với thế giới và mức độ phát thải khí CO2 cao, chịu nhiều tác động của ô nhiễm môi trường. Theo Bảng Chỉ số Rủi ro Khí hậu toàn cầu, Việt Nam đứng thứ sáu trong số các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu với hiện tượng El Nino gây ra hiện tượng nắng nóng kéo dài, khô hạn, khiến cho nhiều hồ thuỷ điện cạn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển thuỷ điện.
Với kịch bản nhiệt độ tăng lên và nước biển dâng thêm 1m, Việt Nam sẽ có thể bị mất 5% diện tích đất liền tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cũng theo nghiên cứu này, khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,5ºC và 2ºC thì thiệt hại trực tiếp đối với GDP của Việt Nam sẽ tương ứng là 4,5% và 6,7%. Mực nước biển dâng cũng dẫn tới sự sụt giảm diện tích trồng lúa gạo, như mực nước biển dâng là 60cm có thể dẫn đến sự sụt giảm diện tích trồng lúa lên tới hơn 50% tại một số địa phương, đe dọa an ninh lương thực của đất nước.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng là quốc gia có tiềm năng để chuyển đổi quá trình sản xuất và tiêu dùng từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh học. Vì thế, việc chuyển đổi năng lượng là cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt điện và hướng đến phát triển bền vững, thực hiện các cam kết quốc tế về cắt giảm phát thải khí CO2, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Với cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP 26 là giảm mức phải ròng về “0” vào năm 2050 và cùng với 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch, mục tiêu đến năm 2030 đạt tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung nguồn điện sơ cấp đạt 15-20% năm 2030 và 25-30% năm 2045, tương ứng tỷ lệ điện năng của năng lượng tái tạo trong tổng điện năng toàn quốc khoảng 30% vào năm 2030 và 40% vào năm 2045 như Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, hướng đến mô hình tăng trưởng ít phát thải, Việt Nam cần tiếp tục phát triển xanh, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng bền vững.
Với mục tiêu vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa cung cấp năng lượng với chi phí thấp, Việt Nam cần phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo gắn với sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, xây dựng lộ trình chuyển đổi năng lượng gắn với đầu tư xây dựng hạ tầng, xác định chuyển dịch không chỉ của ngành năng lượng mà phải gắn với cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng.
Tài liệu tham khảo:
- Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
- https://vnexpress.net/mot-thap-ky-tang-truong-kinh-te-cua-trung-quoc-4529618.html;
- https://www.imf.org/en/Publications/WEO/weo-database/2021/April/weo
- https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/khung-hoang-nang-luong-buoc-trung-quoc-suy-nghi-lai-ve-muc-tieu-giam-phat-thai-902818.vov;
- https://bnews.vn/trung-quoc-tro-thanh-nuoc-san-xuat-nang-luong-lon-nhat-toan-cau/260975.html;
- https://lifestyle.zingnews.vn/muc-phat-thai-khi-nha-kinh-cua-viet-nam-thuoc-nhom-hang-dau-the-gioi-post1417787.html