Bộ Tài chính tiên phong trong quá trình chuyển đổi số

Trần Huyền

Với vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, chuyển đổi số trong ngành Tài chính là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển Chính phủ số và nền kinh tế số. Công tác chuyển đổi số của ngành Tài chính thời gian qua đã được quyết liệt triển khai, đạt được nhiều bước tiến vượt bậc và sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Bộ Tài chính đã ban hành nhiều kế hoạch chuyển đổi số theo giai đoạn và hằng năm. Ảnh: internet
Bộ Tài chính đã ban hành nhiều kế hoạch chuyển đổi số theo giai đoạn và hằng năm. Ảnh: internet

Đi đầu trong chuyển đổi số

Với yêu cầu đặt ra là phấn đấu hình thành hệ sinh thái tài chính số toàn diện, hiện đại, phong phú trên mọi lĩnh vực, thời gian qua, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều kế hoạch chuyển đổi số theo giai đoạn và hằng năm. Đặc biệt, Bộ Tài chính đã quyết định lấy Ngày 10/10 hằng năm là Ngày chuyển đổi số của Bộ nhằm đảm bảo tính nhất quán, tạo sự lan truyền hưởng ứng chung của ngày chuyển đổi số quốc gia.

Để sát sao chỉ đạo công tác chuyển đổi số, Ban chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ Tài chính đã được thành lập. Các thành viên Ban chỉ đạo, trong đó Trưởng ban chỉ đạo là Bộ trưởng Bộ Tài chính đã tích cực giám sát, đôn đốc theo dõi các đơn vị thuộc Bộ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số một cách có hiệu quả, đặc biệt là trong công tác chỉ đạo, điều hành. Định kỳ hàng tháng, nhiệm vụ chuyển đổi số của Bộ Tài chính đã được lồng ghép thành một nội dung trong các cuộc họp giao ban của Lãnh đạo Bộ để rà soát, đôn đốc kịp thời các nhiệm vụ về chuyển đổi số và được Chính phủ đánh giá cao.

Chú trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển Chính phủ số, Bộ Tài chính đã hướng dẫn các đơn vị trong Ngành thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số đảm bảo tuân thủ kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số và kết nối, chia sẻ dữ liệu theo định hướng của Chính phủ. Ngoài khung kiến trúc chung của Bộ Tài chính, các đơn vị Tổng cục thuộc Bộ Tài chính đã ban hành Khung kiến trúc riêng theo từng lĩnh vực để tổ chức triển khai thực hiện.

Ngành Tài chính cũng đã tập trung xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính, triển khai các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, trong đó đã có 10 cơ sở dữ liệu chuyên ngành hoàn thành xây dựng và đưa vào triển khai sử dụng. Nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu ngành Tài chính (FDXP) cũng được đảm bảo kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong nội bộ, kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, đóng vai trò là “huyết mạch dữ liệu” của ngành Tài chính, phục vụ xây dựng phát triển Tài chính điện tử hướng tới Tài chính số.

Các hoạt động nhằm duy trì, đảm bảo an toàn thông tin mạng tại cơ quan Bộ cũng được thực hiện tốt, không để xảy ra sự cố mất an toàn thông tin. Cơ quan Bộ Tài chính đã đảm bảo triển khai đủ 4 lớp an toàn thông tin theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Công tác xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin tại cơ quan Bộ đã cơ bản hoàn thành.

Đóng góp vào phát triển kinh tế số và xã hội số, Bộ Tài chính đã hoàn thành triển khai hóa đơn điện tử trên toàn quốc từ ngày 21/04/2022. Nền tảng hóa đơn điện tử đã góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, phương thức quản lý, tổ chức thực hiện của cơ quan thuế theo hướng tự động, giảm thiểu thủ tục hành chính. 

Triển khai hoá đơn điện tử là một trong các nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy trong chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, chuyển đổi số đối với cơ quan tài chính cũng như trong các cơ quan nhà nước khác. Qua đó, mang nhiều lợi ích chung cho xã hội như tiết kiệm chi phí, tài nguyên, nguồn lực và bảo vệ môi trường. Đến nay, 100% doanh nghiệp, tổ chức và 100% hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử. Tính đến ngày 29/01/2023, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là 2,81 tỷ hóa đơn điện tử.

Nhờ những sự quyết liệt trong thực hiện, Bộ Tài chính đã đạt nhiều kết quả vượt bậc trong quá trình chuyển đổi số. Đến nay, Bộ Tài chính đã cung cấp dịch vụ 24/7, sẵn sàng phục vụ trực tuyến bất cứ khi nào người dân, doanh nghiệp cần. 100% thủ tục hành chính của Bộ Tài chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật đã được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 100% dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó theo thỏa thuận, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ; 100% cổng dịch vụ công của Bộ Tài chính hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khả năng tương tác thuận tiện, trực tuyến với cơ quan nhà nước trong các hoạt động quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ dựa trên các nền tảng công nghệ số...

Những nỗ lực và kết quả tích cực trong chuyển đổi số của ngành Tài chính đã được người dân, doanh nghiệp, tổ chức đánh giá cao. Theo Báo cáo kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2021 (DTI 2021) được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố ngày 08/8/2022, Bộ Tài chính tiếp tục xếp vị trí thứ nhất về mức độ chuyển đổi số năm 2021 khối các bộ cung cấp dịch vụ công... Đây là năm thứ hai liên tiếp Bộ Tài chính dẫn đầu về chuyển đổi số.

Tiếp tục đề ra kế hoạch thực hiện cụ thể

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số năm 2023 của Bộ với những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác này.

Trong đó, Bộ Tài chính đề ra mục tiêu phấn đấu 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ Tài chính được xác thực điện tử, ngoại trừ các dịch vụ yêu cầu sự hiện diện bắt buộc theo quy định của pháp luật; 100% dịch vụ công trực tuyến mức toàn trình đủ điều kiện, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Năm 2023, Bộ Tài chính phấn đấu tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến; các hệ thống thông tin của Bộ Tài chính có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia không phải cung cấp lại.

Bộ Tài chính cũng đặt ra mục tiêu tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tài chính; 100% Bộ phận 1 cửa được ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết thủ tục hành chính; Hoàn thành các nhiệm vụ được giao về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính phấn đấu 100% văn bản trao đổi giữa các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính và giữa Bộ Tài chính với các cơ quan nhà nước khác được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng, trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật; 90% hồ sơ công việc tại Bộ Tài chính được xử lý trên môi trường mạng; 100% hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức được lưu trữ, quản lý dưới 7 dạng hồ sơ điện tử; cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đưa vào khai thác vận hành hiệu quả; 100% hệ thống có triển khai giám sát, an toàn, an ninh mạng (SOC)...

Kế hoạch cũng đã cụ thể hóa các nhiệm vụ giải pháp tại Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để các đơn vị bám sát triển khai nhiệm vụ theo phân công. Ban chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo, điều phối các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số và xã hội số, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng của Chính phủ nói chung và Bộ Tài chính nói riêng.

Có thể nói, Bộ Tài chính đã đi dầu trong công tác chuyển đổi số. Với những thành tựu đã đạt được cũng như những kế hoạch cụ thể đề ra trong thời gian tới, tin tưởng rằng, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa, đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi số của quốc gia, tiếp tục tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp và góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.