Chuyển đổi số trong công tác quản lý cán bộ tại Bộ Tài chính
Dưới tác động của đại dịch COVID-19 cùng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đã không còn là lựa chọn mà trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi quốc gia và doanh nghiệp. Với vai trò mạch máu của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính là một trong những yếu tố then chốt cho chuyển đổi số nói chung và thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác. Để chuyển đổi số thành công trong giai đoạn này, yếu tố nguồn nhân lực, công tác quản lý cán bộ được ngành Tài chính nhận định đóng vai trò then chốt.
Khái quát về công tác quản lý cán bộ tại Bộ Tài chính trong bối cảnh chuyển đổi số
Bộ Tài chính là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài chính, bao gồm: ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước, dự trữ nhà nước, tài sản nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước, đầu tư tài chính, tài chính doanh nghiệp, tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể; hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập; giá; chứng khoán; bảo hiểm; hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Đối với mọi cơ quan, tổ chức, yếu tố con người luôn là then chốt, quyết định sự thành công trong hoạt động của cơ quan, tổ chức đó. Trong những năm vừa qua, Bộ Tài chính luôn đánh giá cao vị trí và vai trò của công tác quản lý cán bộ (QLCB). Thực hiện tốt công tác QLCB mang một ý nghĩa quan trọng, đảm bảo chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ công chức toàn ngành Tài chính, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về tài chính của Bộ theo hướng hiệu quả nhất, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn và phẩm chất chính trị.
Từ năm 1997, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác lưu trữ, quản lý hồ sơ cán bộ công chức, đáp ứng một phần công tác báo cáo thống kê về cán bộ, công chức, quản lý biên chế tiền lương của Vụ Tổ chức cán bộ. Đến năm 2004, phiên bản phần mềm quản lý cán bộ 4.0 (QLCB 4.0) đã được triển khai mở rộng cho các đơn vị thuộc 3 đơn vị Tổng cục (Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế), đã có các đóng góp thiết thực, hiệu quả trong công tác quản lý hồ sơ cán bộ công chức tại các Tổng cục. Qua nhiều năm khai thác sử dụng, các báo cáo trong phần mềm thực hiện theo văn bản hiện hành, chưa có thiết kế động, do vậy chương trình chưa đáp ứng yêu cầu công tác QLCB như phân tích, thống kê, chiết suất hồ sơ cán bộ phục vụ cho công tác QLCB.
Trong bối cảnh Bộ Tài chính đang thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế trong điều kiện hội nhập, các dự án hiện đại hóa lớn đang được triển khai mạnh mẽ theo định hướng xây dựng một hệ thống thông tin tài chính tích hợp với thành phần là các hệ thống thông tin lớn, cốt lõi theo mô hình tập trung, thống nhất trong toàn ngành Tài chính. Theo đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác QLCB cũng đứng trước vai trò mới, với yêu cầu về một hệ thống thông tin tiên tiến, hiện đại.
Theo quan điểm quản lý nhân sự hiện đại, nhân sự được quản lý theo một bộ các quy trình phối hợp, xuyên suốt toàn bộ quá trình công tác của cán bộ công chức, viên chức. Bộ Tài chính cần xây dựng Hệ thống QLCB mới tiên tiến, hiện đại để phục vụ hiệu quả hơn các hoạt động tác nghiệp hàng ngày của tất cả các đơn vị; trợ giúp thực hiện tổng hợp báo cáo tình hình cán bộ một cách nhanh chóng, chính xác; trợ giúp các đơn vị quản lý tập trung hiệu quả nguồn lực con người, xuyên suốt từ trên xuống dưới trong toàn Ngành cả từ tổ chức bộ máy đến các yêu cầu về năng lực nghiệp vụ của từng cán bộ; góp phần hỗ trợ công tác quản lý, xây dựng, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực của ngành Tài chính một cách tối ưu nhất.
Quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống thông tin quản lý cán bộ Bộ Tài chính
Từ năm 1997 đến năm 2004, phiên bản phần mềm QLCB 4.0 (QLCB 4.0) đã được triển khai mở rộng tại các đơn vị thuộc 3 Tổng cục (Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế). Tuy nhiên, phần mềm 4.0 gặp hạn chế chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu khai thác phục vụ công việc, nghiệp vụ hàng ngày do tính cứng nhắc trong tìm kiếm thông tin; kết quả tìm kiếm và thống kê vẫn còn nhiều sai sót, độ tin tưởng chưa cao; Còn thiếu nhiều chức năng thông dụng trong nghiệp vụ TCCB: Chức năng theo dõi và quản lý nghỉ phép của cán bộ, công chức, viên chức; chức năng quản lý BHXH, BHYT; chức năng nhận dữ liệu QLCB tự động từ cấp địa phương vào CSDL của cấp Tổng cục; chức năng tra cứu, tìm kiếm, thống kê thông tin, lưu vết lịch sử còn nhiều bất cập và chưa hoàn thiện.
Phần mềm 4.0 chưa đáp ứng yêu cầu về nghiệp vụ QLCB: về nền tảng kỹ thuật, phần mềm được thiết kế theo mô hình phân tán, chỉ tương thích với máy tính sử dụng hệ điều hành cũ, không phù hợp với môi trường hệ điều hành phổ biến hiện nay; về quy mô, phạm vi ngành Tài chính rất lớn trong khi đó phần mềm được cài đặt phân tán, dẫn đến việc triển khai nâng cấp tại các cấp không đồng bộ.
Đặc thù trong công tác QLCB tại cơ quan Bộ Tài chính thường xuyên phải tổng hợp số liệu cán bộ, công chức của toàn Ngành hoặc của một đơn vị thuộc Bộ; làm công tác đánh giá, phân tích hiện trạng sử dụng cán bộ, công chức theo định kỳ hoặc đột xuất; công tác thống kê thông tin cán bộ, công chức trong ngành Tài chính được thực hiện thường xuyên theo yêu cầu đột xuất của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ cùng như các báo cáo nhân sự theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ rất đa dạng theo nhiều tiêu thức và nghiệp vụ QLCB khác nhau.
Đối với các đơn vị Tổng cục thuộc Bộ, lại có những đặc thù riêng trong công tác QLCB như: cán bộ, công chức có số lượng lớn và thường xuyên có sự luân chuyển, biến động theo tháng, theo quý và theo năm giữa các đơn vị thuộc Tổng cục; thường xuyên phải xây dựng, theo dõi các quá trình chuyển đổi vị trí công tác.
Tổng số cán bộ, công chức ngành Tài chính được phân công công tác tại các tổ chức, đơn vị trên phạm vi cả nước và từ Trung ương đến địa phương, do vậy cần có giải pháp QLCB phải đáp ứng nhu cầu của từng đơn vị trong công tác TCCB nhưng vẫn tập trung thông tin của cán bộ, công chức toàn Ngành phục vụ công tác quản lý, thống kê và các đánh giá phân tích mức ngành đối với công tác TCCB.
Hệ thống QLCB được triển khai theo quy định tại Quyết định số 1770/QĐ-BTC ngày 15/9/2021 của Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống thông tin QLCB Bộ Tài chính.
Hệ thống QLCB tập trung của Bộ Tài chính được triển khai chính thức từ tháng 9/2021 (hay gọi là phần mềm QLCB) nhằm xây dựng một hệ thống thông tin QLCB tiên tiến hiện đại theo mô hình quản lý tập trung, thống nhất toàn ngành Tài chính nhằm phục vụ tốt cho các nghiệp vụ trong công tác tổ chức cán bộ.
Hệ thống được triển khai tại các đơn vị hành chính thuộc Bộ theo phân cấp QLCB, cụ thể: Khối cơ quan Bộ; 05 đơn vị cấp Tổng cục thuộc đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng cục. Việc triển khai hệ thống theo mô hình tập trung với khả năng phân quyền quản trị hệ thống, đảm bảo tính mở của hệ thống và cho phép phân quyền nhập liệu, quản lý đến tổ, đội khi yêu cầu nghiệp vụ thay đổi. Thời gian qua, các đơn vị thuộc Bộ đã thực hiện nhập dữ liệu, rà soát, cập nhật, bổ sung dữ liệu công chức, viên chức của các đơn vị vào phần mềm QLCB và thực hiện việc khai thác dữ liệu cho công tác quản lý của đơn vị với tổng số hồ sơ công chức, viên chức, người lao động hiện đang công tác là khoảng 69.500 hồ sơ (công chức khoảng 60.900 hồ sơ, viên chức khoảng 2.300 hồ sơ, còn lại là các loại hợp đồng khác).
Hệ thống đã đáp ứng cơ bản các yêu cầu như: (i) Đảm bảo thông tin QLCB được quản lý thống nhất từ trên xuống dưới, đáp ứng được các nhu cầu, quy mô, phạm vi triển khai lớn (Từ Trung ương xuống địa phương, trên phạm vi cả nước với một số yêu cầu phức tạp, mang tính đặc thù của các đơn vị trong Ngành); (ii) Hỗ trợ kịp thời, đầy đủ các nghiệp vụ trong công tác tổ chức cán bộ: Quản lý các thông tin về biên chế theo định biên; Cập nhật, quản lý, theo dõi, khai thác các thông tin liên quan đến Hồ sơ cán bộ, công chức toàn ngành theo quy định của Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính; Quản lý thông tin liên quan đến các nghiệp vụ: quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, thi đua khen thưởng, kỷ luật, nghỉ việc, nghỉ hưu, diễn biến lương, nâng lương, bảo hiểm... Hỗ trợ lưu trữ bằng cấp, chứng chỉ, các kết quả nhận xét đánh giá cán bộ hàng năm thông qua scan, chụp ảnh...; (iii) Đảm bảo đồng bộ và phù hợp với những cải cách về chiến lược và chính sách trong công tác tổ chức cán bộ đã và sẽ ban hành trong thời gian tới, đảm bảo tuân thủ chế độ QLCB của Chính phủ, của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính; (iv) Cung cấp báo cáo, thống kê theo yêu cầu của người sử dụng và theo phân cấp QLCB trong ngành tài chính đảm bảo tin cậy, nhanh chóng, kịp thời, theo đúng mẫu biểu quy định hiện hành của Chính phủ, Bộ Nội vụ và của Bộ Tài chính; cung cấp các báo cáo tùy biến theo yêu cầu của người sử dụng tại các cấp. Cung cấp báo cáo trực tuyến với đầy đủ các mẫu biểu báo cáo theo quy định. Có các tiện ích hỗ trợ công tác QLCB như các chức năng cảnh báo, tra cứu thông tin theo nhiều chiều, hỗ trợ kết xuất ra các file báo cáo dạng word, excel...; (v) Đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin với nhiều tầng bảo mật kết hợp với khả năng phân quyền người sử dụng; đảm bảo tính minh bạch và kiểm soát được, có sự phân quyền về cấp quản lý, có khả năng lưu vết số liệu và vết kiểm soát theo nhu cầu.
Vấn đề đặt ra
Triển khai Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về cán bộ công chức, viên chức (CBCCVC); Công văn 639/BNV-VP 2023 ngày 21/2/2023 về việc triển khai Quyết định số 893/QĐ-TTg, Thông tư số 06/2023/TT-BNV ngày 05/5/2023 ban hành Quy chế cập nhật, sử dụng, khai thác dữ liệu, thông tin của CSDLQG về CBCCVC trong các cơ quan nhà nước. Theo đó, Thông tư số 06/2023/TT-BNV về việc ban hành Quy chế cập nhật, sử dụng, khai thác dữ liệu, thông tin của Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức (CSDLQG về cán bộ, công chức, viên chức) trong các cơ quan nhà nước. Nội dung tại Điều 4 quy định: “Công tác xây dựng và quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương là trách nhiệm của Bộ Nội vụ, bộ, ngành, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức; được thực hiện thống nhất, đồng bộ, khoa học, phản ánh đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin của từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, kể từ khi được tuyển dụng, ký hợp đồng lao động cho đến khi không còn làm việc tại các cơ quan nhà nước; bảo đảm sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành; tập trung tối đa nguồn lực, rút ngắn thời gian trong việc thu thập, chỉnh sửa, cập nhật thông tin cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước”. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu của Bộ Tài chính với CSDLQG về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dụng của các cơ quan Đảng, Nhà nước) bảo đảm tuân thủ quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước, Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam.
Việc trao đổi, kết nối dữ liệu từ phần mềm QLCB sang CSDLQG về CBCCVC đáp ứng được yêu cầu “Đúng - Đủ - Sạch - Sống” đặt ra các vấn đề cần giải quyết như: (i) Phần mềm QLCB được xây dựng theo mẫu 02C kèm theo Quyết định số 02/2008/QĐ-BNV về việc ban hành mẫu biểu hồ sơ cán bộ công chức, viên chức; do đó, để đáp ứng các yêu cầu về dữ liệu theo Thông tư số 06/2023/TT-BNV ngày 05/5/2023 của Bộ Nội vụ, các trường thông tin trên Phần mềm QLCB cần phải có chỉnh sửa, bổ sung trước khi thực hiện việc chuyển đổi; (ii) Ngành Tài chính có số lượng hồ sơ cán bộ lớn, việc rà soát, chuẩn hóa dữ liệu yêu cầu đòi hỏi thời gian, nguồn nhân lực đảm bảo các mốc thời gian theo yêu cầu của Bộ Nội vụ.
Kết luận
Trong bối cảnh Bộ Tài chính đang thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế trong điều kiện hội nhập, Bộ Tài chính đã và đang xây dựng Hệ thống QLCB mới tiên tiến, hiện đại để phục vụ hiệu quả hơn các hoạt động tác nghiệp hàng ngày của tất cả các đơn vị; trợ giúp các đơn vị quản lý tập trung hiệu quả nguồn lực con người, xuyên suốt từ trên xuống dưới trong toàn ngành cả từ tổ chức bộ máy đến các yêu cầu về năng lực nghiệp vụ của từng cán bộ; góp phần hỗ trợ công tác quản lý, xây dựng, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực của ngành Tài chính một cách tối ưu nhất và kết nối với CSDLQG về CBCCVC.
Tài liệu tham khảo:
- Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26/6/2020 phê duyệt Đề án xây dựng CSDLQG về CBCCVC;
- Bộ Nội vụ, Quyết định số 356/QĐ-BNV ngày 17/5/2023 về việc ban hành Cấu trúc mã định danh và định danh dữ liệu gói tin phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu Cơ sở dữ liệu quốc gia về CBCCVC trong các cơ quan nhà nước;
- Bộ Tài chính, Quyết định số 1770/QĐ-BTC ngày 15/9/2021 về việc ban hành Quy chế quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống thông tin QLCB Bộ Tài chính;