Chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ

Theo Ngô Hải/thitruongtaichinhtiente.vn

Đại dịch COVID-19 không chỉ tạo nên những thách thức nhất định đối với lĩnh vực ngân hàng mà còn vừa thúc đẩy và “cưỡng ép” các ngân hàng tại Việt Nam bước vào công cuộc Chuyển đổi số để tồn tại và phát triển. Thực tế cho thấy, hoạt động chuyển đổi số tại các ngân hàng Việt đang diễn ra rất tích cực.

 Ảnh chụp màn hình
Ảnh chụp màn hình

Nhận định trên được các chuyên gian đưa ra trong buổi tọa đàm trực tuyến IDG TekTalk Ep 3 với chủ đề "Phát triển ngân hàng số: Mô hình và Giải pháp pháp kỳ vọng sẽ cung cấp được những kinh nghiệm và giải pháp thúc đẩy việc phát triển ngân hàng số tại Việt Nam", vừa được IDG Việt Nam tổ chức.

95% tổ chức tín dụng đã, đang hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số

Dẫn chứng số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), các diễn giả tham gia tọa đàm cho biết,  có đến 95% tổ chức tín dụng đã, đang hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số; có 39% tổ chức tín dụng phê duyệt chiến lược chuyển đổi số riêng biệt hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển công nghệ thông tin; 42% các tổ chức tín dụng đang hoàn thiện chiến lược chuyển đổi số.

Dự kiến trong vòng 3-5 năm tới, các ngân hàng số sẽ có mức tăng trưởng doanh thu tối thiểu là 10%, và có 58,1% tổ chức tín dụng đặt kỳ vọng thu hút hơn 60% khách hàng sử dụng kênh giao dịch số, kỳ vọng tỷ lệ tăng trưởng khách hàng đạt trên 50%.

Điều này cho thấy mức độ chuyển đổi số trong ngành ngân hàng tại Việt Nam đang có dấu hiệu chuyển biến mạnh mẽ. Mục tiêu của các ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước là chuyển đổi số toàn hệ thống mạnh mẽ, còn với các ngân hàng TMCP có quy mô nhỏ hơn thì việc chuyển đổi số có chọn lọc để nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nhiệm khách hàng là mục tiêu tất yếu.

Dù quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng Việt Nam đang cho thấy chuyển biến tích cực nhưng theo đánh giá của cơ quan quản lý và giới chuyên môn thì vẫn còn nhiều khó khăn tác động đến quá trình này. Cụ thể hóa, những khó khăn, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh từng cho biết, các khó khăn chính yếu của quá trình chuyển đổi số là: quy định pháp lý về giao dịch điện tử, chữ ký, chứng từ điện tử, việc định danh và xác thực khách hàng điện tử, chia sẻ dữ liệu, bảo mật thông tin, quy trình nghiệp vụ với thực tiễn ứng dụng công nghệ số trong ngân hàng. Không chỉ vậy, việc chuẩn hoá hạ tầng kỹ thuật cũng rất quan trọng để tạo thuận lợi cho kết nối liên thông, tích hợp liền mạch giữa ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành hệ sinh thái số.

Để chuyển đổi số thành công

Nhận định về việc phát triển ngân hàng số tại Việt Nam, ông Phan Việt Hải, Giám đốc Công nghệ thông tin kiêm Giám đốc Trung tâm Ngân hàng số, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) cho rằng: "Ngân hàng số phải tạo được trải nghiệm khách hàng vượt trội thông qua quá trình xây dựng lại cách thức cung cấp và vận hành dịch vụ trên nền tàng công nghệ hiện đại", điều này cho thấy rằng việc gia tăng trải nghiệm khách hàng giữ một vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của các ngân hàng số hiện nay tại Việt Nam".

Còn TS. Phan Thanh Đức, Trưởng khoa, Khoa Hệ thống thông tin quản lý, Học viện Ngân hàng, NHNN, cũng đưa ra ý kiến mang tính khái quát hơn: “Một ngân hàng số đích thực là mục tiêu của hành trình chuyển đổi số tại các ngân hàng thương mại”.

Để xây dựng ngân hàng số, ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng giám đốc Phụ trách Quan hệ Đối tác chiến lược, Ngân hàng số Timo, cho rằng: "Ngoài việc đưa ra những sản phẩm dịch vụ tài chính hoàn hảo và cập nhật, chúng ta còn phải thật sự am hiểu thị trường, nhu cầu mong đợi của khách hàng và quan trọng hơn là xác định được những vấn đề, khó khăn mà họ đang gặp phải mỗi ngày trong từng giao dịch”.

Là người có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng ngân hàng số và Fintech, ông Phạm Quang Minh, Tổng Giám đốc Mambu Việt Nam cho biết, dịch vụ ngân hàng đã thay đổi liên tục trong vài năm trở lại đây. Tại châu Á, kỳ vọng của khách hàng về dịch vụ ngân hàng di động và trực tuyến tăng cao thay thế các dịch vụ truyền thống là động lực thúc đẩy các nhà cung cấp dịch vụ tài chính chuyển đổi số mang lại những trải nghiệm ngân hàng mới.

"Để hiện thực mô hình lấy khách hàng làm trung tâm, đây là thời điểm phù hợp không chỉ nói về dịch vụ ngân hàng mọi lúc mọi nơi và hướng tới ngân hàng thông minh với những trải nghiệm cá nhân hoá cho người dùng”, ông Phạm Quang Minh nhấn mạnh.

Còn trong vai trò đơn vị cùng cấp giải pháp chuyển đổi số ngân hàng, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng giám đốc, VCCorp & Founder, Bizfly Digital Transformation cho rằng, hiện nay, các ngân hàng không chỉ cạnh tranh nhau, mà còn phải cạnh tranh với các fintech đang phát triển chóng mặt, ở đó họ đã tạo ra những dịch vụ và trải nghiệm tuyệt vời nhờ công nghệ số và chuyển đổi số.

Để chuyển đổi số thành công, ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, cần có sự quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp. "Để chuyển đổi số thành công, công nghệ chỉ chiếm 30%, còn 70% là vấn đề khác như: tư duy của người đứng đầu, quy trình chuyển đổi số... Nếu áp dụng quy trình cũ, con người cũ thì quy trình chuyển đổi số không thành công", ông Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh.