Chuyển đối số với tăng trưởng xanh, kết nối tầm nhìn với hành động

Theo Hà Anh/dangcongsan.vn

Qua gần 10 năm triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh, nhận thức của nhân dân, cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh đã được nâng lên rõ rệt, từng bước thay đổi hành vi sản xuất, sinh hoạt; xuất hiện nhiều mô hình sản xuất và tiêu dùng tiết kiệm, an toàn, văn minh, mang đậm bản sắc dân tộc, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên...

Ngày 24/9, Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững: Kết nối tầm nhìn quốc gia với hành động của địa phương và doanh nghiệp” đã diễn ra tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút đông đảo đại biểu tham dự. Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 55 năm ngày Tạp chí Kinh tế và Dự báo, cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phát hành số đầu tiên (tháng 10/1967).

Tăng trưởng xanh là xu thế thời đại.
Tăng trưởng xanh là xu thế thời đại.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, bà Nguyễn Lệ Thủy - Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, cho biết đây là một hội thảo rất thiết thực và mang nhiều ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19, đồng thời cũng đang phải đối mặt với các thách thức nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường gia tăng… Đây cũng là dịp để tái khẳng định tầm quan trọng của tăng trưởng xanh trong phát triển bền vững quốc gia, ngay trước thềm Hội nghị COP 26, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg, ngày 01/10/2021, trong đó, đề ra mục tiêu thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, khẳng định: Thực tế cho thấy, việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh, thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh là một lựa chọn tất yếu nhằm thực hiện định hướng phát triển mới của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, đồng thời tạo cơ hội lớn để Việt Nam có thể trở thành một quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới. Đây cũng là mục tiêu Việt Nam phải hướng đến trong giai đoạn phát triển tới để vượt qua thách thức phục hồi trong và sau dịch bệnh COVID-19, tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, chất lượng và hiệu quả.

Theo TS. Lê Việt Anh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tài nguyên và Môi trường, Bộ KH&ĐT, Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh đóng vai trò quan trọng trong việc cụ thể hóa Chiến lược tăng trưởng. Với 8 nhóm chủ đề tổng hợp, 10 chủ đề theo nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên, 57 nhóm nhiệm vụ, hành động và 134 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể, Kế hoạch Hành động xác định rõ lộ trình nhằm đạt được các mục tiêu về kinh tế - xã hội - môi trường cho toàn bộ nền kinh tế, đồng thời phù hợp với cam kết của Việt Nam về đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Các nhiệm vụ, hành động tại Kế hoạch được tính toán và xây dựng trên cơ sở lựa chọn kịch bản tăng trưởng xanh cao có tính đến tác động tích lũy của tất cả các giải pháp khả thi về kỹ thuật, trong đó nhấn mạnh các nhóm nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên có tính đồng lợi ích, sẵn sàng về năng lực thực thi, bảo đảm cân đối chi phí - lợi ích trong dài hạn và có khả năng lan tỏa, thay vì chỉ tính đến tác động tích lũy của các giải pháp có tính khả thi về kinh tế.

Ông Việt Anh cũng chỉ rõ, mặc dù đang tồn tại một số rào cản nhất định, tiềm năng thu hút dòng vốn cho tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững cho Việt Nam là rất lớn. “Do đó, Bộ KH&ĐT, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp cho Chính phủ, sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất những giải pháp tổng thể bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia và cam kết toàn cầu, phù hợp với bối cảnh quốc tế và trong nước để khơi thông các nguồn lực cho tăng trưởng xanh trong thời gian tới”, ông Việt Anh nói.

Dưới góc độ phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, PGS.,TS. Lê Quốc Lý - Nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định tăng trưởng kinh tế cao gắn với tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường sống xanh, sạch, đẹp không phải chỉ được thực hiện khi giàu có, mà cần được triển khai thực hiện ngay từ bây giờ, trong từng bước phát triển của đất nước và được triển khai trong từng cơ chế, chính sách phát triển cụ thể. Đây chính là 3 trụ cột bảo đảm sự phát triển của nền kinh tế, của xã hội, của một đất nước theo nguyên lý kiềng 3 chân, lệch bên nào cũng đưa đến không cân bằng và có nguy cơ đổ vỡ.

Theo ước tính của các chuyên gia, nếu không bảo vệ môi trường, cái giá phải trả cho môi trường bị hủy hoại và ô nhiễm là khoảng 6 - 7% GDP. Nếu tính cả chi phí y tế để chữa bệnh cho người dân, thì tổng chi phí này đã mất 8 - 10% GDP. Cộng với cái giá phải trả cho văn hóa - xã hội xuống cấp khoảng 5 - 6% GDP. Ông Lý khẳng định, với con số này, thì tăng trưởng kinh tế 8 - 9% chưa làm cho nền kinh tế phát triển được mà thực tế là kết quả âm. Đây là một thách thức không nhỏ, nếu không phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường.

Trên góc độ về kinh tế tuần hoàn, PGS.,TS. Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Kế hoạch chính sách môi trường nhấn mạnh việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, mà còn ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn giúp đáp ứng các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Ông Chinh chỉ rõ, sự xuất hiện khái niệm “kinh tế tuần hoàn” đã phản ánh được tính thực thi đối với thực hiện kinh tế xanh, duy trì vốn tự nhiên, các bon thấp, tăng trưởng xanh cũng như các chỉ tiêu của SDGs. Phát triển kinh tế tuần hoàn để hướng tới nền kinh tế xanh có cơ sở khoa học và thực tiễn hiện nay ở Việt Nam.

Tuy nhiên, để hướng tới nền kinh tế xanh từ việc thực hiện kinh tế tuần hoàn, chuyên gia này cho rằng cần tiếp tục có những triển khai tiếp từ nhận thức đến xem xét lại cơ chế chính sách và sự đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện phù hợp với xu thế chung toàn cầu trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu và rộng với kinh tế thế giới.

Trao đổi một số vấn đề và cách tiếp cận phát triển kinh tế biển xanh để thích ứng với BĐKH, hướng tới phát triển bền vững kinh tế biển ở Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Chu Hồi - Ủy viên Ủy ban Khoa học Môi trường của Quốc hội, Phó Chủ tịch thường trực Hội nghề cá Việt Nam, đã nêu các khó khăn, thách thức chủ yếu trong phát triển kinh tế biển xanh ở nước ta, trong đó lưu ý tới nhận thức chưa đầy đủ, thậm chí khác biệt về tăng trưởng xanh lam và kinh tế biển xanh của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân; tình trạng khai thác, sử dụng biển và hải đảo chưa hiệu quả, thiếu bền vững; môi trường biển bị ô nhiễm, đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái biển bị suy thoái, chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển, cũng như trên các đảo có người sinh sống đổ vào biển ngày càng nhiều.

Liên quan tới chuyển đổi số với tăng trưởng xanh, năm 2022, Ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 50 tỷ đồng và các địa phương cũng dành hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng xanh và tuần hoàn. Đây là những tiền đề và nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng, chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh của mình đáp ứng yêu cầu tình hình mới…

Hội thảo tập trung thảo luận sâu về các nội dung thuộc 6 nhóm vấn đề: (1) Hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; (2) Nhận diện vai trò của kinh tế số, chuyển đổi số trong thực hiện tăng trưởng xanh và giải pháp cho Việt Nam; (3) Các vấn đề về đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, trong xu thế tăng trưởng xanh và phát triển bền vững doanh nghiệp Việt Nam; (4) Hiệu quả xã hội từ xanh hóa nền kinh tế, từ phát triển các nguồn năng lượng xanh, phát triển kinh tế biển xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, tiết kiệm tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ; (5) Xây dựng nền nông nghiệp xanh, hướng tới phát triển bền vững; (6) Hành động của địa phương trong thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường.

50 trong số gần 100 bài nghiên cứu, bài viết của các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, giảng viên từ khắp mọi miền đất nước được lựa chọn in giới thiệu trong kỷ yếu hội thảo khoa học với mã số ISBN phát hành cùng sự kiện hội thảo.

Hội thảo được tổ chức với sự hỗ trợ của Công ty Cổ phần Chứng Khoán Bảo Việt, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp phát, Ngân hàng TMCP Quân đội.